Chuyện “bếp núc” cuốn sách Elly Trần, Lê Cát Trọng Lý... ẩn danh tự sự

GD&TĐ - Mạng xã hội đang "sốt" thông tin về sách mới có cái tên giản dị “1987” – cuốn sách của nhóm tác giả sinh năm 1987 với những mảnh ghép - hơn 30 câu chuyện xảy ra trong 30 năm qua, dưới góc nhìn của "thế hệ giao thời".

Các tác giả tham gia viết sách "1987"
Các tác giả tham gia viết sách "1987"

Chủ biên Nguyên Minh Ngọc (Nick M)– chú mèo sinh năm 1987 góp mặt trong cuốn sách - được nhóm tác giả bình chọn là người truyền cảm hứng cho những câu chuyện của “1987”. Anh cũng là người đặc biệt trong giới làm báo, khi đang phụ trách mục Phim tờ báo điện tử lớn tại Việt Nam, bỗng một ngày quyết định dứt công việc đáng mơ ước để đi theo các dự án.

Với “1987”, dường như chuyện “bếp núc” làm sách – qua chia sẻ của chủ biên Nick M – cũng hấp dẫn không kém gì nội dung xuất bản!

Cái Tết xa nhà đầu tiên và ý tưởng về câu chuyện của những chú mèo 1987

Chuyện “bếp núc” cuốn sách Elly Trần, Lê Cát Trọng Lý... ẩn danh tự sự ảnh 1Nguyên Minh Ngọc - Chủ biên cuốn sách "1987"

- Khởi nguồn ý tưởng làm một cuốn sách về những người sinh năm 1987 của bạn có từ đâu? Tiêu chí để chọn những nhân vật góp mặt trong sách là gì? Để từ ý tưởng đến thành hiện thực, có một cuốn sách thành hình thành hài mất bao nhiêu thời gian?

* Ý tưởng thực hiện cuốn sách “1987” được tôi bắt đầu từ dịp Tết nguyên đán 2017, trong lần đầu đón Tết xa nhà. Khi đó, tôi đang ở Hà Lan để tham dự Liên hoan phim Quốc tế Rotterdam với vai trò là nhà phê bình phim trẻ.

Chiều 30 Tết (giờ châu Âu), tôi lang thang ở bến cảng và lướt mạng xã hội để theo dõi không khí đón năm mới ở nhà. Những câu chuyện về sự khó xử của các thanh niên dịp Tết mỗi khi gặp họ hàng bị hỏi là “Bao giờ lấy vợ?”, “Bao giờ lấy chồng?”, “Bao giờ đẻ con?” hay những bối rối, lo lắng của các ông bố, bà mẹ bỉm sữa có con nhỏ đã truyền cảm hứng cho tôi phát triển dự án sách này, đặc biệt là khi thế hệ mình – những người sinh năm 1987 - bước sang tuổi 30 trong năm 2017.

Trở về Việt Nam vào tháng 2, tôi bắt đầu phát triển dự án này với ý tưởng ban đầu là 30 câu chuyện, tượng trưng cho 30 năm. Tuy nhiên, có những năm tháng ký ức khá mờ nhạt như 1988 – 1989 là những ký ức ngày bé khó có thể rõ ràng. Có những thời kỳ như 2005 (năm thi đại học) lại có khá nhiều câu chuyện để kể.

Sau khi thử nghiệm bằng một số bài viết đầu tiên, tôi quyết định chia cuốn sách làm bốn giai đoạn, tượng trưng cho sự phát triển của công nghệ tác động ra sao đến đời sống của thế hệ 1987. Tôi chia sẻ về dự án này với chính những người bạn từ thuở nhỏ bởi biết rõ quá trình và cùng chung ký ức. Họ là những người viết về các chủ đề điển hình thời kỳ ấu thơ như “điện tử bốn nút”, “ngôi nhà đầu tiên”, “những tháng ngày rong chơi trước khi đi học”…

Nhóm tác giả thứ hai mà tôi tiếp cận là những người bạn không thân và ít gặp trong một thời gian dài nhưng tôi vẫn nhớ những câu chuyện đặc biệt của họ, ví dụ như Hiền Trang là cháu nội của nhà văn Kim Lân. Tôi biết về câu chuyện học Văn của cô bạn này khi cô ấy còn từng nhầm lẫn cả chi tiết trong tác phẩm của ông nội. Tôi đã đề nghị Hiền Trang viết lại thời kỳ này.

Nhóm tác giả thứ ba trong cuốn sách là những nhân vật sinh năm 1987 có nhiều thành tựu và được công chúng biết đến như Ngô Phương Lan – Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, ca sĩ – nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý, cựu hot girl Elly Trần hay nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng. Họ đã đạt được những thành công, có những điểm nhấn nhất định trong cuộc đời để tỏa sang. Quá trình tạo nên họ như ngày hôm nay sẽ là những câu chuyện đặc biệt nhất của cuốn sách “1987”.

Đến khi các câu chuyện được “hòm hòm” hơn nửa, tôi bắt đầu tìm kiếm người vẽ minh họa. Từ lúc bắt đầu ý tưởng đến lúc triển khai và ra mắt của cuốn sách 1987 là gần 10 tháng.

- Bạn gặp khó khăn gì không khi ghép những bài viết lẻ để thành một cuốn sách? Và góc nhìn của người giao thời sinh năm 1987 ở đây được hiểu là như thế nào?

* Tôi đã có những tháng ngày vật vã với bản thảo, thậm chí phải mua nguyên một thùng nước tăng lực về nhà để nhiều khi làm việc liên tục cho tới 7-8h sáng. Việc khó nhất là kết nối các câu chuyện, giai đoạn. Ngoài ra còn phải ngồi sửa lỗi câu, soát lỗi chính tả. Nó căng thẳng và áp lực không kém gì kỳ thi đại học của chúng tôi năm xưa.

Góc nhìn của người giao thời sinh năm 1987 ở đây có thể hiểu là những câu chuyện về cuộc sống, xã hội, những biến động trong 30 năm qua nhưng được kể qua con mắt quan sát của các cô gái, chàng trai vừa bước sang tuổi 30 – một cột mốc quan trọng trong cuộc đời.

Thế hệ chúng tôi sinh ra khi đất nước chuyển giao từ thời bao cấp sang thời kỳ đổi mới. Những thay đổi, những giá trị cũ – mới được chúng tôi đón nhận ra sao. Và nay, chúng tôi cũng ở một lứa tuổi chuyển giao, có thể nói là giữa trẻ con và người lớn, giữa bồng bột và trưởng thành.

Sau cột mốc này, bản thân chúng tôi cũng sẽ có nhiều sự thay đổi trong tư duy, phong cách sống và tôi muốn lưu lại hết những tháng ngày “giao thời” ấy, trước khi chúng tôi quá “già” để nhớ được kỹ mọi thứ.  

Nguyên Minh Ngọc: "Tôi tôn trọng tất cả những quyết định và dù thế nào đi chăng nữa, những ai tình cờ đến với dự án sách này đều là một cái duyên"
Nguyên Minh Ngọc: "Tôi tôn trọng tất cả những quyết định và dù thế nào đi chăng nữa, những ai tình cờ đến với dự án sách này đều là một cái duyên"

Khi tác giả được ẩn danh kể chuyện lần đầu “nếm trái cấm”

- Được biết “1987” có điều đặc biệt là nhiều tác giả nhưng họ đều ẩn danh trong các trang viết. Thông thường, ai cũng muốn có dấu ấn cá nhân, thể hiện ngay ở cái tên của mình. Với người nổi tiếng, cái tên còn là thương hiệu nữa! Vậy bạn mời họ viết ẩn danh có khó không?

* Khi tôi mời các tác giả tham gia, họ đều rất hứng thú với hình thức “ẩn danh” này, kể cả những bạn nổi tiếng như Ngô Phương Lan hay Elly Trần. Với việc “ẩn danh” trong câu chuyện, họ đều thấy nó thú vị hơn bởi nếu ngay từ đầu người đọc biết được tác giả là ai, họ sẽ bị định hình một hình ảnh quen thuộc rằng cái nhân vật trong câu chuyện đó chính là người này, người kia.

Ở đây, việc “ẩn danh” sẽ khơi gợi được trí tưởng tượng hơn cho người đọc. Đôi khi, họ có thể thấy nhân vật đang được kể kia chính là mình khi có sự đồng cảm về ký ức.

Với việc “ẩn danh”, các tác giả cũng cảm thấy thoải mái hơn trong việc chia sẻ câu chuyện của mình. Ví dụ như những tác giả kể câu chuyện về lần đầu “nếm trái cấm”, sẽ rất rắc rối cho cuộc sống riêng tư của họ nếu những cái tên lộ diện. Kể cả nếu họ đồng ý để tên, chưa chắc họ sẽ thoải mái chia sẻ đến tận cùng câu chuyện.

Bìa sách "1987"
Bìa sách "1987" 

Lý do đắn đo lời mời với cô mèo 1987 Trương Hồ Phương Nga

- Tò mò hỏi có ai bạn phải thuyết phục nhiều không? Có người nào các bạn thất bại khi không mời được họ góp mặt trong cuốn sách này?

* Trong số các bạn 87 tham gia, có Lê Cát Trọng Lý là tôi vất vả nhất khi tìm cách liên lạc bởi cô ấy đang du học ở Đan Mạch. Sau một thời gian dài email, nhắn qua facebook, fanpage không được, tôi gần như bỏ cuộc. Thế nhưng bạn Lê Mew – họa sĩ của cuốn sách – đã giúp tôi thử lần cuối khi nhờ “bắc cầu” hết người này người kia để tìm ra email chị quản lý của Lý.

Sau khi giới thiệu dự án, tôi hồi hộp chờ đợi và vài ngày sau bất ngờ nhận được mail. Lý rất hứng thú với cuốn sách này nhưng vấn đề là cô ấy quá bận với việc học, khó có thể sắp xếp viết được nhiều. Tôi để Lý tự do với những cảm xúc. 10 ngày trước khi sách được đi in, Lý đã hồi âm bằng một lá thư rất chân thật, nhiều tâm tư. Tôi quyết định Lê Cát Trọng Lý sẽ là người có lời nói mở đầu cuốn sách, đại diện cho một thế hệ vừa bước sang tuổi 30.  

Có một số người tôi cũng thất bại khi mời họ tham gia cuốn sách này. Ví dụ như một người bạn 87 sống ở Nhật. Cậu ấy có trải nghiệm là từng sống tại thành phố mà chịu ảnh hưởng sóng thần cách đây vài năm. Lúc sóng thần ập tới, cậu là người chứng kiến hết và trải qua thời gian rất khó khăn. Tuy nhiên, cậu ấy lại không sẵn sàng chia sẻ những ký ức đau buồn đó.

Cũng có những người sẵn sàng chia sẻ câu chuyện nhưng từ chối xuất hiện trong bức ảnh kỷ yếu 87 của cuốn sách.

Còn có những nhân vật mà tôi đắn đo trong việc mời họ tham gia dù chưa biết có được nhận lời hay không. Ví dụ như Trương Hồ Phương Nga.  Cuộc đời của Nga có khi còn làm được một cuốn sách riêng nhưng trong khuôn khổ dự án này và thời điểm này, sẽ rất nhạy cảm cho cả Nga, độc giả và cả những tác giả khác. Có lẽ nếu có duyên, sẽ hẹn Nga ở cuốn sách dành cho tuổi 40.

Tôi tôn trọng tất cả những quyết định và dù thế nào đi chăng nữa, những ai tình cờ đến với dự án sách này đều là một cái duyên.

Nguyên Minh Ngọc chia sẻ: Tôi thấy tiếc thì đó là việc khi cuốn sách sắp hoàn thành, tôi lại gặp thêm được nhiều bạn mới cùng sinh năm 87 và lại được nghe thêm nhiều câu chuyện đầy cảm hứng
Nguyên Minh Ngọc chia sẻ: Tôi thấy tiếc thì đó là việc khi cuốn sách sắp hoàn thành, tôi lại gặp thêm được nhiều bạn mới cùng sinh năm 87 và lại được nghe thêm nhiều câu chuyện đầy cảm hứng

Điều gì khiến chủ biên Nick M “tởn đến già” khi làm “1987”?

- Nhiều người rất tài giỏi nhưng khi thể hiện qua phương thức viết thì lại khó khăn. Vì vậy dường như một số người không trực tiếp viết mà kể và được các bạn ghi chép lại. Nếu ai đó e ngại rằng nội dung chủ đề câu chuyện có khác nhau, nhưng văn phong viết, cách thức thể hiện thì đều cùng là một người thì có khi trùng lặp, không mang dấu ấn nhân vật, với tư cách là chủ biên của cuốn sách, quan điểm của bạn sẽ là gì?

* Tôi không thấy có vấn đề gì với chuyện đó bởi những người không viết trực tiếp mà chỉ kể thì tôi vẫn hướng họ kể một câu chuyện hoàn chỉnh, có đầu có đuôi và vẫn phải chấm, phẩy đúng lúc (Cười lớn). Việc của tôi chỉ là “bóc băng” (nghe lại và viết ra), sau đó gửi lại để họ chỉnh sửa. Chuyện đó sẽ hơi vất vả cho tôi nhưng về dấu ấn nhân vật, văn phong thì sẽ không sợ giống nhau.

 Tôi giống như người giúp họ cái khâu dễ nản nhất thôi, còn câu chuyện, phong cách thì vẫn là của họ. Tuy nhiên, nếu có làm lại hình thức này trong một quyển sách mới thì chắc phải lâu nữa tôi mới dám tiếp tục vì sau đợt làm cho “1987”, tôi cũng “tởn đến già” rồi. Những ai làm phóng viên chắc cũng biết “bóc băng” là cái khâu mà ai cũng ngại.

- Sau khi hoàn thành cuốn sách, điều gì khiến bạn nhớ nhất? Có điều gì khiến bạn thấy tiếc khi không đưa được vào cuốn sách 1987 không?

* Điều khiến tôi nhớ nhất chính là các tác giả. Họ là những người bạn thời ấu thơ của tôi, những người bạn mới quen hay thậm chí là những người bạn vài năm mới gặp một lần. Nhưng điểm chung là những câu chuyện của họ đều truyền cảm hứng cho tôi. Và tôi rất mãn nguyện khi những cảm hứng đó cũng truyền được hai bạn họa sĩ Lê Mew và Capri Kira để tạo nên những bức ảnh minh họa ấn tượng, trải dài theo 4 giai đoạn mà thế hệ 87 trải qua suốt 30 năm qua.

Nếu có điều gì khiến tôi thấy tiếc thì đó là việc khi cuốn sách sắp hoàn thành, tôi lại gặp thêm được nhiều bạn mới cùng sinh năm 87 và lại được nghe thêm nhiều câu chuyện đầy cảm hứng. Nhưng biết đâu đó, chẳng cần phải đợi tới tuổi 40, nếu “1987” được đón nhận thì có thể tôi sẽ phát triển nó thành một dự án lớn hơn nữa, theo một concept mới.   

- Có điều tác giả rất tâm đắc, viết gửi bạn nhưng khi đọc duyệt, bạn lại thấy nó không đạt không? Khi đó bạn sẽ làm gì?

* Có một số bài viết mà tác giả tâm đắc nhưng khi gửi tôi, tôi không thể duyệt được vì có thể nó sẽ hơi mang tính cá nhân quá cao. Trong cuốn sách này, tôi muốn tạo nên những câu chuyện gần gũi với số đông. Nếu là một trải nghiệm thiểu số thì nó phải thật đặc biệt, ví dụ như việc đi học lớp 1 ở nước Mỹ xa xôi của Ngô Phương Lan khi cô ấy 6 tuổi. Những trường hợp như vậy, tôi luôn trao đổi thẳng thắn và dứt khoát với các tác giả để họ hiểu.

Hình minh họa câu chuyện cuối cùng trong sách "1987" - “Ba-lô trên thảm đỏ” – cũng là tên cuốn sách tiếp theo của Nguyên Minh Ngọc
Hình minh họa câu chuyện cuối cùng trong sách "1987" - “Ba-lô trên thảm đỏ” – cũng là tên cuốn sách tiếp theo của Nguyên Minh Ngọc

“Tôi cần 1  tuần liền chỉ ngủ, xem phim và lê la trên phố!”

- Người làm sách thì đương nhiên mong sách của mình bán chạy, bán càng nhiều càng tốt. Với bạn thì sao?

* Tôi hiện quá mệt để nghĩ được sách có bán chạy hay không. Sau gần một năm theo đuổi dự án này, có lẽ tôi cần một tuần liền không làm gì, chỉ ngủ, xem phim và lê la trên phố.

Tôi mong “1987” có thể lan tỏa nhưng không kỳ vọng nó được tất cả mọi người yêu thích. Tôi làm cuốn sách này với mục đích lưu lại những câu chuyện của 30 năm qua với những người bạn truyền cảm hứng và hy vọng các thế hệ khác có thể bước lên chuyến tàu tuổi thanh xuân cùng chúng tôi (với chúng tôi, 30 vẫn đang tuổi thanh xuân nên tôi không muốn dùng thêm từ “trở về”). Sách bán chạy thì tốt, còn không thì ít nhất chúng tôi cũng có một tác phẩm để sau này nhìn lại thấy tự hào về tuổi trẻ của mình. 

- Sau cuốn sách 1987, bạn có dự định làm một cuốn sách khác không?

* Tên câu chuyện cuối cùng trong sách 1987 – “Ba-lô trên thảm đỏ” – cũng chính là tên cuốn sách tiếp theo của tôi. Ở cuốn sách tiếp theo, tôi sẽ thử “liều một phen” viết một mình vì đó là những trải nghiệm của riêng tôi trong gần một thập kỷ làm báo. Những chuyến đi xa kèm địa điểm chơi vui – ăn ngon, những cuộc phỏng vấn – trò chuyện với các ngôi sao Hollywood, những lần tác nghiệp trên thảm đỏ quốc tế… sẽ là những câu chuyện mà tôi kể trong cuốn sách mới. 

- Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

"Tôi không bao giờ ép mình làm một thứ gì đó mà mình thấy không thoải mái, để rồi phải than vãn, tiếc nuối. Tuổi 30, tôi chưa có gia đình, chưa mua được nhà, chưa mua được xe, lại còn chưa có công ăn việc làm ổn định (tôi rất sợ từ “ổn định”) nhưng tôi hài lòng với cuộc sống như hiện tại. Những chuyến đi xa, những món ăn hấp dẫn, những buổi chiều cắm tai nghe đạp xe thong dong quanh Hồ Tây hay những ly rượu vang ngon bên tiếng nhạc hoài cổ của đĩa than khiến tôi hạnh phúc." - Nguyên Minh Ngọc  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ