Mới đây, trên mạng xã hội, chị Phan Thủy (ở Rạch Giá, Kiên Giang) chia sẻ câu chuyện về cậu con trai 4 tuổi sử dụng điện thoại quá nhiều nên bị mắc hội chứng rối loạn TIC tạm thời.
Theo chia sẻ của chị Thủy, con trai chị rất hiếu động và nghịch ngợm. Lúc trước, cứ mỗi lần bé nghịch phá, chị thường cho con xem hoạt hình trên điện thoại và chơi game để bé ngồi yên một chỗ.
Bé sử dụng điện thoại từ lúc 2 tuổi đến giờ không có biểu hiện gì nhưng 1 tháng trở lại đây, bé có biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi. Càng ngày, các biểu hiện này càng gia tăng.
Lo lắng cho sức khỏe của con, chị Thủy đưa bé đi đến khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1, chuyên khoa thần kinh. Sau khi thăm khám, các bác sỹ kết luận bé bị rối loạn TIC tạm thời.
|
Kết quả khám bệnh và đơn thuốc của con chị Phan Thủy |
Chia sẻ trên mạng xã hội, chị Thủy nhấn mạnh: "Bác sĩ bảo, có bé uống thuốc sẽ hết, có bé hết sẽ bị tái đi tái lại, nhưng cũng có bé sẽ vĩnh viễn bị nháy mắt và nhíu mũi như thế. Mình sinh con ra không có tật, tự dưng bây giờ thành như thế. Ai làm mẹ mà không lo".
Sau khi chia sẻ câu chuyện của con trai mình, chị Thủy mong muốn gửi lời cảnh tỉnh với các bà mẹ đang cho con chơi điện thoại, ipad nhiều thì nên dừng lại.
Chiều 8/8, trao đổi với VietNamNet, chị Phan Thủy khẳng định, câu chuyện trên là hoàn toàn có thật.
Bà mẹ này chia sẻ thêm: “Từ lúc 2 tuổi, con trai mình rất thích xem điện thoại. Hồi đầu, vì muốn cho con tiếp xúc với tiếng Anh, học thêm nhiều thứ trên mạng nên thường hướng con xem những bộ phim hoạt hình và các kênh bổ ích. Nhưng dần dần, bé xem rất nhiều thứ và xem khoảng 5-6 tiếng/ngày.
Cách đây 1 tháng, con có triệu chứng giật cơ mặt, nháy mắt liên tục mỗi khi xem điện thoại. Mình nghĩ con chỉ trêu đùa nhưng không phải. Đến khi đi khám mình mới biết bé bị mắc triệu chứng TIC tạm thời".
Liên quan đến sự việc trên, bác sĩ Nguyễn Thanh Nam, Trưởng khoa nhi - BV Bạch Mai, khẳng định: “Để khẳng định bé có dùng điện thoại, tivi xem trong một thời gian dài, liên tục sẽ bị triệu chứng TIC là chưa chính xác”.
Bác sĩ Nam cho biết thêm: “Thực ra để biết bé có triệu chứng TIC xuất phát từ đâu cần phải theo dõi, đánh giá qua một quá trình chứ không thể kết luận vội vàng. Bởi trước đây đã từng có những bé không xem điện thoại, ti vi mà vẫn mắc hội chứng trên”.