Tình yêu định mệnh
Một chiều mùa đông năm 2010, khi đang may nốt chiếc áo dài tại cửa tiệm nằm trong khuôn viên chợ TP.Hà Tĩnh, chị Trần Thị Phượng (SN 1988), trú tại Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, TP.Hà Tĩnh nhận được cú điện thoại của “người lạ”. Đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông trầm ấm cho biết mình tên Nguyễn Đình Tiến (SN 1982), trú tại Cẩm Thịnh Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, là bạn một người bạn của Phượng. Chị không thể ngờ đó chính là cuộc điện thoại định mệnh.
Trong căn nhà trọ tại số 08 đường Hà Tông Chính, TP.Hà Tĩnh, Phượng kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện tình đầy nước mắt, sóng gió nhưng cũng tràn ngập hạnh phúc của chị với Tiến – chàng trai bị mù 2 mắt.
Một đám cưới đầm ấm đã được tổ chức trong sự chúc phúc của 2 bên gia đình.
Sau cuộc điện thoại định mệnh, Phượng và Tiến thường xuyên liên lạc với nhau. Giọng nói trầm ấm, cách nói chuyện chân thật của Tiến như lực hút vô hình khiến trái tim Phượng rung động. Vui, buồn, những sinh hoạt hàng ngày… đều được 2 người chia sẻ cùng nhau qua chiếc điện thoại. Dù rằng, chưa 1 lần gặp mặt, chưa một lần nói ra nhưng cả 2 đều hiểu rằng đã dành cho nhau thứ tình cảm sâu sắc nhất.
Thời gian cứ thế trôi qua, tình cảm của cả 2 lớn dần lên. Một ngày mưa mùa đông năm 2011, khi không thể tiếp tục dối lòng, Tiến thú nhận mình là một người mù. Tim Phượng như bị ai bóp nghẹt không phải vì thất vọng mà cô đau khi nghĩ rằng quãng thời gian qua Tiến đã phải dằn vặt đến như thế nào mới dám nói ra sự thật.
Năm lên lớp 6, trong một lần chơi đùa, Tiến bị bạn ném đá trúng vào mí mắt trái. 3 tháng sau, anh bắt đầu cảm thấy đau và mắt có dấu hiệu bị teo nhỏ lại. Tức tốc ra Hà Nội nhưng các bác sĩ đều lắc đầu cho biết, anh bị teo nhãn cầu và không thể chữa trị. Mất đi một mắt, sinh hoạt của anh khó khăn hơn rất nhiều nhưng bất hạnh vẫn chưa dừng lại ở đó. 1 tháng sau, mắt phải của anh tiếp tục có dấu hiệu đau nhức và mờ dần. Lần thứ 2 anh phải đối diện với sự thật là chiếc mắt còn lại bị bong võng mạc đồng nghĩa với việc anh trở thành một người mù khi chỉ vừa tròn 12 tuổi.
Dù bị mù cả 2 mắt nhưng Tiến sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại smatphone và làm tất cả ông việc nhà phụ giúp vợ.
Cuộc đời không ánh sáng buộc anh phải bỏ học. Quãng thời gian tiếp đó là những ngày đen tối, đau đớn nhất mà anh phải trải qua. Sau cú sốc tinh thần, năm 1997, Tiến quyết định gia nhập hội người mù Hà Tĩnh để tìm niềm an ủi và động lực trong cuộc sống. Tại đây, anh được học chữ nổi và sau đó về làm tổ nghề tăm, chuổi cùng những bạn bè, anh em có chung hoàn cảnh.
Năm 2004, anh rời Hà Tĩnh ra Hà Nội làm xoa bóp, tẩm quất tại hội người mù. Tại đây, anh được tiếp xúc với nhiều bạn bè cùng độ tuổi có chung số phận nhưng vẫn vươn lên để học tập khiến anh quyết tâm làm lại từ đầu. Anh đăng ký học lại THCS và sau khi tốt nghiệp THPT anh tiếp tục đăng ký học khoa Luật kinh tế của Viện đại học mở Hà Nội.
“Lúc quen biết Phượng tôi còn đang đi học ở Hà Nội. Mặc cảm mù lòa khiến tôi không dám nói cho cô ấy biết về hoàn cảnh của mình cũng như tình cảm mà tôi dành cho cô ấy nhưng không ngờ khi biết được sự thật chính cô ấy lại chủ động dành tình cảm yêu thương cho tôi. Tình yêu của cô ấy đã thắp sáng lại cuộc đời tôi”, Tiến xúc động.
Vợ là đôi mắt, chồng là trái tim
Bỏ qua những lời tán tỉnh, sự theo đuổi của những chàng trai khác, biết được hoàn cảnh của Tiến, Phượng càng yêu thương và muốn lấy anh làm chồng. Quyết định của cô đã bị người thân, gia đình kịch liệt phản đối, thậm chí bạn bè của Phượng còn nói rằng cô bị điên. Thế nhưng, Phượng vẫn không thay đổi suy nghĩ. Để thuyết phục gia đình, cô đã nhiều lần quỳ gối cầu xin cha mẹ cho cô được kết hôn cùng người cô yêu. Sự cương quyết, kiên định của con gái khiến gia đình Phượng đành “bất lực” chấp nhận.
Một đám cưới đơn giản, đầm ấm được tổ chức trong sự chúc phúc của 2 bên gia đình. Ngày Phượng về nhà chồng, gia đình, bạn bè ai cũng lo lắng cho tương lai của Phượng nhưng cô chỉ mỉm cười – một nụ cười mãn nguyện.
Cứ mỗi sáng, Phượng phải dậy từ rất sớm nấu cơm rồi chở chồng đi làm và chở con đi học
Cưới xong, cô khăn gói cùng chồng ra Hà Nội học nghề tẩm quất, massage. Ban ngày, Tiến đi học, Phượng đi làm. Cứ như thế, Phượng cùng chồng vượt qua 4 năm đại học đầy khó khăn. Một bé trai khỏe mạnh ra đời là kết tinh tình yêu cổ tích của cô gái 8x xinh xắn cùng chàng trai mù lòa.
Trong căn nhà trọ 2 vợ chồng Phượng thuê để làm nghề tẩm quất tại TP.Hà Tĩnh, Phượng cười rất tươi khi được chúng tôi hỏi đến về những sinh hoạt hàng ngày của 2 vợ chồng. Phượng nói: “Em giờ là đôi mắt của anh Tiến còn anh ấy chính là trái tim của em”.
Hàng ngày, bất kể mua hay nắng cứ 6h sáng, Phượng lại dắt xe máy ra chở chồng ra bến để bắt xe buýt đi làm rồi lật đật chở con đi học. Là đôi mắt của chồng nên mọi việc trong nhà đều có bàn tay của Phượng. Có nhiều lúc mệt nhoài vì phải làm cho khách đến 1, 2h sáng rồi 5h đã phải dậy chuẩn bị bữa sáng cho chồng con nhưng Phương không than trách một lời. Cô nói rằng, được làm những việc cho người mình thương yêu đó chính là hạnh phúc.
Phượng chia sẻ, cô cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên Tiến và chăm sóc cho anh.