Hôm nay 16/3, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH đào tạo và phát triển ngôn ngữ ISE tổ chức Hội thảo Dạy và học tiếng Anh tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dự hội thảo có ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng lãnh đạo các Sở GD&ĐT, thầy cô giáo đến từ 24 tỉnh thành phố cả hai miền Nam Bắc.
Tại buổi hội thảo, GS TS Hoàng Văn Vân - Phó ban biên soạn chương trình tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: Tiếng Anh là môn học bắt buộc được dạy từ lớp 3 đến lớp 12, được phân bổ thời lượng 4 tiết/ 1 tuần. Chương trình lấy năng lực giao tiếp làm mục tiêu, kiến thức ngôn ngữ làm phương tiện để hình thành các kĩ năng giao tiếp.
Chương trình mới thiết kế các nội dung ngôn ngữ và các hoạt động giao tiếp xoay quanh các chủ điểm, chủ đề, lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, đảm bảo tính liên thông giữa các cấp, các lớp, đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo và tính mở của chương trình.
Mục tiêu của chương trình, kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, tạo cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kì hội nhập.
Sau khi hoàn thành chương trình tiếng Anh cấp tiểu học, học sinh có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh thông qua 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó ưu tiên hai kĩ năng nghe và nói
Học sinh sẽ có kiến thức cơ bản và tối thiểu về tiếng Anh bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Thông qua tiếng Anh có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và nền văn hóa của các quốc gia nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới.
Hình thức học tiếng Anh sẽ qua tương tác, giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, học sinh với tranh ảnh, học sinh với học liệu, sách giáo khoa. Ngoài ra, các em còn học qua trực quan, qua khám phá, qua trò chơi.
GSTS Hoàng Văn Vân trình bày tham luận tại hội thảo. |
Các giáo viên tổ chức các hoạt động giao tiếp đa dạng, giữa các cá nhân, các cặp nhóm và cả lớp. Giáo viên tổ chức các hoạt động giao tiếp sinh động, vừa dủ thời gian để thu hút sự chú ý của học sinh. Khuyến khích và hỗ trợ học sinh giao tiếp bằng tiếng Anh cả trong và ngoài lớp học.
Bà Đỗ Thị Minh Nguyệt đến từ Nhà xuất bản Pearson Education chia sẻ: Nội dung dạy học từng lớp lấy năng lực giao tiếp, thể hiện ở các kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết trong ngữ cảnh cụ thể làm điểm xuất phát để xác định kiến thức và chủ đề cụ thể dùng để phát triển năng lực giao tiếp.
Việc lựa chọn chủ đề và kiến thức ngôn ngữ có thể được lặp lai và mở rộng. Phần kiến thức ngôn ngữ và chủ đề mang tính gợi ý.
Nhấn mạnh tiếng Anh là một cuộc phiêu lưu thú vị và dáng nghớ, bà Nguyệt chia sẻ về 2 phương pháp sư phạm trong chương trình tiếng Anh mới là phương pháp 5Ps và phương pháp AfL.
Phương pháp 5P đặc trưng của chương trình (Presentation, Practice, Production, Personalisation, Pronounciation) giúp học sinh hình thành và phát triển kĩ năng giao tiếp ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất.
Còn Phương pháp AfL (Assessment for Learning) xuyên suốt giúp mỗi bài học và chương trình giúp giáo viên có thể thường xuyên và liên tục kiểm tra tiến bộ của học sinh dưới nhiều hình thức khác nhau, đồng thời giúp học sinh hình thành và phát triển kĩ năng tự đánh giá bản thân.