(GD&TĐ) - Tích hợp là một trong những quan điểm đã trở thành xu thế phát triển chương trình giáo dục phổ thông ở nhiều nước trên thế giới. Thực tiễn đã chứng tỏ, việc thực hiện quan điểm tích hợp sẽ làm tăng tính hiệu quả của hoạt động giáo dục.
Đây cũng là một trong những quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam sau năm 2015. Tuy nhiên, vẫn có những nhầm tưởng tích hợp với phép “cộng” giản đơn nhiều môn học.
3 hoạt động tích hợp cơ bản
Việc định nghĩa chương trình tích hợp đã là đề tài bàn bạc từ đầu thế kỉ XX. Theo PGS. TS Trần Trung Ninh (Trường ĐHSP) Hà Nội, hơn một trăm năm qua, các nhà lí thuyết đã đưa ra ba loại hoạt động tích hợp cơ bản: tích hợp đa môn, tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn
Tiếp cận tích hợp đa môn tập trung trước hết vào các môn học. Các môn liên quan với nhau có chung một định hướng về nội dung và phương pháp dạy học nhưng mỗi môn lại có một chương trình riêng. Tích hợp đa môn được thực hiện theo cách tổ chức các “chuẩn” từ các môn học xoay quanh một chủ đề, đề tài, dự án, tạo điều kiện cho người học vận dụng tổng hợp kiến thức của các môn học có liên quan.
Theo cách tiếp cận tích hợp liên môn, giáo viên tổ chức chương trình học tập xoay quanh các nội dung học tập chung: các chủ đề, các khái niệm, các khái niệm và kĩ năng liên ngành, liên môn. Tích hợp liên môn còn được hiểu như là phương án, trong đó nhiều môn học liên quan được kết lại thành một môn học mới với hệ thống những chủ đề nhất định xuyên suốt qua nhiều cấp lớp. Ví dụ: Địa lí, Lịch sử, Sinh học, Xã hội, Giáo dục công dân, Hoá học, Vật lí được tích hợp thành môn “Nghiên cứu xã hội và môi trường” tại Anh, Australia, Singapore, Thái Lan.
Trong cách tiếp cận tích hợp xuyên môn, giáo viên tổ chức chương trình học tập xoay quanh các vấn đề và quan tâm của người học. Học sinh phát triển kĩ năng sống khi áp dụng các kĩ năng môn học và liên môn vào ngữ cảnh thực tế. Hai con đường dẫn đến tích hợp xuyên môn là học tập theo dự án và thương lượng chương trình học.
“Tích hợp chương trình giảng dạy nhằm tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa các môn học khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, hình thành hệ thống kiến thức thống nhất, từ đó bồi dưỡng năng lực khoa học và kĩ năng sống cho học sinh, tạo hứng thú và động lực cho việc học” - PGS. TS Trần Trung Ninh thể hiện quan điểm.
Khẳng định vốn tri thức của mỗi con người là sự tích hợp các lĩnh vực khoa học, GS. TS Đinh Quang Báo - Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo Đề án “Đổi mới Chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau 2015 cho rằng, dạy học tích hợp đã trở thành nguyên lí cơ bản của giáo dục hiện đại. Từ quan điểm này, GS. TS Đinh Quang Báo cho rằng, phần nội dung môn học trong mô hình câu trúc SGK không nên trình bày đơn vị bài học theo tiết học, mà nên theo chủ đề nội dung ứng với các tình huống tích hợp. Cố gắng để các chủ đề này được sắp xếp làm sao không phá vỡ quá nhiều logic nội tại của nội dung khoa học mỗi môn học, phân môn trong SGK.
Tích hợp có lộ trình
Để việc tích hợp đạt hiệu quả cao, theo PGS. TS Trần Trung Ninh, nên có sự phối hợp đồng bộ giữa chương trình các môn học và vận dụng linh hoạt các phương pháp tích hợp với mỗi lĩnh vực kiến thức cần đạt được. Bên cạnh đó, tăng cường các giờ thực hành, hoạt động ngoại khoá theo chủ đề,... Giảm giờ dạy lí thuyết của giáo viên, tăng thời lượng hoạt động học tập của học sinh. Xây dựng hệ thống bài tập mở, bài tập gắn với thực tiễn, bài tập có nội dung vận dụng kiến thức liên môn...
GS.TS Nguyễn Lộc - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì lưu ý, đối với dạy học tích hợp, SGK cần có những nội dung mang tính hướng dẫn cơ bản đến các thao tác cho giáo viên và học sinh; như xác định mục tiêu, chủ đề tích hợp, kĩ năng cơ bản; lời nói đầu giới thiệu cấu trúc các mạch nội dung, cách học, đặc thù, cách tìm kiếm thông tin... SGK nên có danh mục các từ khóa, thuật ngữ, khái niệm cốt lõi hướng dẫn đánh giá, hướng dẫn tái tạo lại kiến thức đã học từ các môn học liên quan.
Chỉ đề cập đến xây dựng chương trình các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội cấp tiểu học, ThS Nguyễn Hồng Liên (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng, xây dựng chương trình tích hợp cần đảm bảo sự tích hợp về nội dung, những kĩ năng cốt lõi cần hình thành cho học sinh, đa dạng về phương pháp dạy học và chú trọng vào sự tham gia tích cực của học sinh. Đánh giá kết quả học tập cần nhấn mạnh vào quá trình tiến bộ của học sinh và tài liệu dạy học không bị bó hẹp trong tài liệu SGK. Việc lựa chọn nội dung cần chú ý hơn đến tính ứng dụng, thực tiễn, phù hợp và gần gũi hơn với cuộc sống của HS; tránh sự lệ thuộc quá lớn vào logic của khoa học bộ môn làm cho kiến thức đưa vào nhà trường quá mang tính hàn lâm, nặng nề...
Khẳng định tích hợp là yêu cầu chung của quá trình dạy học, giúp giảm được nội dung kiến thức, tránh được sự chồng chéo, “cắt khúc” giữa các bộ môn, giữa các lớp học với nhau, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đồng thời lưu ý, xử lý vấn đề tích hợp phải phù hợp với điều kiện dạy học, năng lực dạy học của giáo viên. Vì vậy, trên thế giới có nhiều mức độ xử lý tích hợp khác nhau thông qua chương trình, SGK. “Chúng ta sẽ xử lý ở những bước ban đầu rồi dần dần trải qua thời gian sẽ tích hợp ở mức độ cao hơn” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
“Giáo dục tích hợp được quán triệt khi thiết kế và thực hiện các yếu tố cấu thành quá trình với các mức độ khác nhau dựa trên logic phát triển năng lực ở học sinh. Tích hợp kết hợp với phân hoá sâu dần để có một chương trình giảm số môn học bắt buộc, tăng các môn học, chủ đề tự chọn, nhưng học sinh lại có được nguồn tri thức rộng, gắn với thực tiễn và được rèn luyện kĩ năng, chuẩn bị tâm thế hướng nghiệp, hướng nghề, hướng đến phát triển trình độ cao” GS.TS Nguyễn Lộc - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. “ Đối với bộ môn Hoá học không nên tích hợp ba môn Vật lí - Hoá học - Sinh học thành một môn học mới vì kiến thức chuyên sâu trong nội bộ mỗi môn học là rất lớn và không phải hoàn toàn tương đồng. Cũng không chỉ tích hợp Hoá học với các môn khoa học tự nhiên có nhiều kiến thức liên quan như Vật lí, Sinh học mà còn có thể tích hợp với các bộ môn khác cũng ít nhiều có sự liên hệ nhất định như Toán học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục công dân” GV Ngô Thị Ngọc Mai - Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định. |
Hiếu Nguyễn