Chương trình tài năng: Hướng đi mới tạo sự đột phá

GD&TĐ - Song song với chương trình đào tạo (CTĐT) truyền thống, một số cơ sở giáo dục đại học bắt đầu triển khai CTĐT tinh hoa với yêu cầu chuẩn đầu ra cao hơn về ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm.

Sinh viên Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng với cuộc thi truyền thống Robot Dò Mê Cung.
Sinh viên Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng với cuộc thi truyền thống Robot Dò Mê Cung.

Nhiều chương trình được xây dựng trên cơ sở hợp tác và chuyển giao CTĐT từ trường đại học có uy tín trên thế giới, hướng đến nguồn nhân lực chất lượng tốt phục vụ quá trình phát triển đất nước. 

Thúc đẩy hợp tác quốc tế

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng hiện đào tạo 2 chương trình tiên tiến (CTTT) gồm ngành Điện tử Viễn thông, Hệ thống nhúng và IoT. Nhà trường đã áp dụng một cách có chọn lọc CTĐT của hai trường ĐH hàng đầu tại Mỹ (ĐH Washington và ĐH bang Portland). Tương tự, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế triển khai chương trình Vật lý tiên tiến từ năm 2006 với sự hợp tác của Trường ĐH Virginia.

Nội dung CTĐT tập trung trang bị cho sinh viên kiến thức ngành toàn diện đồng thời tăng cường cung cấp các kỹ năng mềm như giao tiếp, trình bày trước đám đông, quản lý dự án, kỹ năng lãnh đạo cũng như nhấn mạnh ý thức, trách nhiệm của sinh viên với nghề nghiệp, môi trường và xã hội. Để tham gia chương trình này, một trong những yêu cầu đối với sinh viên là trình độ tiếng Anh. Theo đó, chuẩn tiếng Anh sau năm học thứ nhất là IELTS 5.0, cuối khóa là IELTS 6.0.

Đặc thù dễ nhận thấy, các CTTT đều có đặc điểm chung là giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và sử dụng hầu hết giáo trình của trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Do đó, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy – học, nghiên cứu được Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng ưu tiên đầu tư theo hướng hiện đại, đầy đủ tiện nghi như máy chiếu, điều hòa… sinh viên CTTT còn được cung cấp riêng phòng thí nghiệm phục vụ cho các môn cơ sở ngành và chuyên ngành cũng như nghiên cứu sáng tạo. Phòng học và hội thảo trực tuyến từ xa phục vụ thảo luận nhóm và hội thảo trực tuyến. Các giảng viên giảng dạy CTĐT này được tuyển chọn với tiêu chí giỏi tiếng Anh và giàu kinh nghiệm (gần 100% giảng viên cơ sở ngành và chuyên ngành là GS, PGS, TS).

Chương trình cũng mời nhiều giáo sư thỉnh giảng đến từ các trường ĐH hàng đầu thế giới. Sinh viên học tập ở 2 CTĐT này còn được hỗ trợ, tạo điều kiện thực tập tại tập đoàn, doanh nghiệp, công ty có uy tín cao trên thế giới như Intel, Bosch, Texas Instrument, Renesas... Chỉ tính 10 năm đầu triển khai chương trình Vật lý tiên tiến, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đã mời 23 giảng viên các nước Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Mexico, Đài Loan (Trung Quốc)… với 54 lượt giảng dạy, mỗi đợt kéo dài trong 1 tháng.

2 CTTT của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng còn thường xuyên tổ chức buổi seminar chuyên đề do các công ty như Intel, Thiết kế Renesas Việt Nam, Instruments, eSilicon Việt Nam, Robert Bosch Engineering Solutions Việt Nam…

GS.TS Trần Văn Nam – nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng đánh giá: Từ CTTT, Trường ĐH Bách khoa đã thiết lập nhiều mối quan hệ với các tập đoàn quốc tế, doanh nghiệp lớn... Đây là kênh hỗ trợ hiệu quả cho nhà trường trong công tác đào tạo cán bộ, cập nhật chương trình đào tạo, hình thành các bộ môn chuyên ngành mới, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học. Việc các giáo sư nước ngoài đến giảng dạy tại ĐH Đà Nẵng cũng là cơ hội để giảng viên trẻ và giảng viên bộ môn tiếp xúc, trao đổi, học tập và chuyển giao công nghệ giảng dạy tiên tiến. Đây cũng là cơ sở để các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cập nhật, sửa đổi bổ sung CTĐT theo chương trình của đối tác, mở các chương trình mới hoặc phát triển chuyên ngành khác.

Phiên khai mạc đánh giá ngoài CTTT ngành Điện tử Viễn thông, Chương trình tiên tiến ngành Hệ thống nhúng và IoT (Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến) theo tiêu chuẩn AUN-QA, phiên bản 4.
Phiên khai mạc đánh giá ngoài CTTT ngành Điện tử Viễn thông, Chương trình tiên tiến ngành Hệ thống nhúng và IoT (Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến) theo tiêu chuẩn AUN-QA, phiên bản 4.

Đòn bẩy nâng cao chất lượng

2 chương trình đào tạo CTTT ngành Hệ thống nhúng và IoT, Điện tử Viễn thông của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vừa thực hiện kiểm định ngoài chu kỳ 2 bởi tổ chức  kiểm định Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á. Trước đó, năm 2017, 2 CTĐT này được tổ chức này đánh giá với số điểm cao nhất trong các chương trình đã được đánh giá tại Việt Nam và đứng thứ hai của khu vực Đông Nam Á theo tiêu chuẩn AUN – QA.

GS Evan Goldstein - Khoa Kỹ thuật Điện, Trường Đại học Washington, giáo sư thỉnh giảng cho CTTT ngành Điện tử Viễn thông, chuyên ngành Hệ thống số tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, khi đánh giá về cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm, đã nói ngắn gọn: “Nhờ có quan hệ đối tác chính với Intel, cơ sở vật chất của chương trình và các phòng thí nghiệm rất đầy đủ và không cần điều chỉnh gì đáng kể”. Chính nhờ đầu tư mạnh về phòng lab nên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng bắt đầu “lôi kéo” được kỹ sư từ các doanh nghiệp về cùng làm việc với sinh viên và giảng viên tại trường.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Với sự dịch chuyển của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trong đào tạo theo mô hình dạy – học theo dự án, doanh nghiệp có cơ hội cùng tham gia. Sinh viên vì vậy ngoài được trang bị kỹ năng nghề còn đồng thời xây dựng được văn hóa doanh nghiệp ngay từ đầu nên thích ứng nhanh với môi trường doanh nghiệp.

Còn theo bà Mai Trang Thanh – Chủ tịch Công ty Honeywell tại Thái Lan và khu vực Đông dương, nhờ chương trình đạo tạo tiên tiến, nhân sự mà công ty tuyển dụng được từ Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa và Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đều có khả năng thích ứng cao trong các môi trường làm việc luôn thay đổi nhanh về công nghệ và các kỹ năng đáp ứng nền kinh tế số.

GS Phạm Quang Hưng, Đại học Virginia – Hoa Kỳ, Giáo sư Danh dự của Đại học Huế cho rằng: CTTT ngành Vật lý ở Trường ĐH Sư phạm – Đại học Huế dựa trên chương trình Vật lý của Đại học Virginia với tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong những môn Vật lý và Toán chuyên ngành. Đây là thử thách không đơn giản nhưng rất thú vị vì phải tìm phương pháp giảng dạy của Đại học Virginia phù hợp với môi trường của Trường ĐH Sư phạm – Đại học Huế; không đơn giản trong việc thu hút những giáo sư nước ngoài về Huế. Những khó khăn, gian nan của sinh viên dần trở thành lợi thế khi họ tốt nghiệp và tiếp tục học cao học hoặc làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài và được đánh giá rất cao về tư duy, tính năng động, khả năng ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ