Thông tin về chương trình môn Khoa học tự nhiên được PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên - chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại.
3 trục nội dung
Chương trình môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên sự kết hợp của 3 trục cơ bản là: Chủ đề khoa học - Các nguyên lý/khái niệm chung của khoa học - Hình thành và phát triển năng lực. Trong đó, các nguyên lý/khái niệm chung sẽ là vấn đề xuyên suốt, gắn kết các chủ đề khoa học của chương trình.
Chủ đề khoa học chủ yếu của chương trình môn Khoa học tự nhiên gồm:
Chất và sự biến đổi của chất: chất có ở xung quanh ta, cấu trúc của chất, chuyển hoá hoá học các chất;
Vật sống: Sự đa dạng trong tổ chức và cấu trúc của vật sống; các hoạt động sống; con người và sức khoẻ; sinh vật và môi trường; di truyền, biến dị và tiến hoá;
Năng lượng và sự biến đổi: năng lượng, các quá trình vật lý, lực và sự chuyển động;
Trái Đất và bầu trời: chuyển động trên bầu trời, Mặt Trăng, hệ Mặt Trời, Ngân Hà, hóa học vỏ Trái Đất, một số chu trình sinh – địa – hóa, Sinh quyển.
Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Các nguyên lý chung của khoa học tự nhiên trong chương trình môn Khoa học tự nhiên gồm:
Tính cấu trúc, sự đa dạng, sự tương tác, tính hệ thống, sự vận động và biến đổi. Các nguyên lý chung, khái quát của khoa học tự nhiên là nội dung cốt lõi của môn Khoa học tự nhiên.
Các nội dung vật lý, hoá học, sinh học, Trái Đất và bầu trời được tích hợp, xuyên suốt trong các nguyên lý đó.
Các kiến thức vật lý, hoá học, sinh học, Trái Đất và bầu trời là những dữ liệu vừa làm sáng tỏ các nguyên lý tự nhiên, vừa được tích hợp theo các logic khác nhau trong hoạt động khám phá tự nhiên, trong giải quyết vấn đề công nghệ, các vấn đề tác động đến đời sống của cá nhân và xã hội.
Hiểu biết về các nguyên lý của tự nhiên, cùng với hoạt động khám phá tự nhiên, vận dụng kiến thức khoa học tự nhiên vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn là yêu cầu cần thiết để hình thành và phát triển năng lực khoa học tự nhiên ở học sinh.
Các phương pháp giáo dục chủ yếu
Các phương pháp giáo dục chủ yếu được lựa chọn theo các định hướng sau: dạy học bằng tổ chức chuỗi hoạt động tìm tòi, khám phá tự nhiên; rèn luyện được cho học sinh phương pháp nhận thức, kỹ năng học tập, thao tác tư duy; thực hành thí nghiệm, hoạt động trải nghiệm trong môi trường tự nhiên, thực tiễn đời sống cá nhân và xã hội; tăng cường phối hợp hoạt động học tập cá nhân với học hợp tác nhóm nhỏ; kiểm tra, đánh giá, đặc biệt đánh giá quá trình được vận dụng với tư cách phương pháp tổ chức hoạt động học tập.
Dạy học môn Khoa học tự nhiên chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề.
Phát triển kỹ năng tiến trình rất quan trọng trong hình thành và phát triển năng lực tìm tòi, khám phá tự nhiên, hình thành và phát triển thế giới quan khoa học cho học sinh. Trong đó, quan sát, đặt câu hỏi với nêu giả thuyết, lập kế hoạch và thực hiện, xử lý và phân tích dữ liệu, đánh giá, trình bày báo cáo là những kỹ năng cần được rèn luyện thường xuyên và có trọng số thích đáng trong đánh giá kết quả học tập.
Các hoạt động học tập của học sinh chủ yếu là học tập chủ động, tích cực chiếm lĩnh tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường, thông qua một số phương pháp dạy học chủ yếu: tìm tòi, khám phá; phát hiện và giải quyết vấn đề; dạy học theo dự án; bài tập tình huống; dạy học thực hành và thực hiện bài tập; tự học,... Trong đó, nhấn mạnh hơn tới dạy học thông qua các bài thực hành thí nghiệm và khảo sát thực tế.
Đánh giá kết quả giáo dục
Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết ở cơ sở giáo dục, các kỳ đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế. Kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.
Việc đánh giá quá trình do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.
Việc đánh giá tổng kết do cơ sở giáo dục tổ chức. Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Điều kiện thực hiện chương trình
Giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên cần được bồi dưỡng về phương pháp dạy học tích hợp, dạy học phân hoá; kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; bồi dưỡng kiến thức vật lý, hoá học, sinh học để vừa nắm vững các nguyên lý khoa học tự nhiên, các nguyên lý ứng dụng công nghệ, vừa hiểu sâu các khái niệm, quy luật tự nhiên,...
Khoa học tự nhiên có điều kiện giáo dục những vấn đề toàn cầu như phát triển bền vững và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, dân số, bảo vệ môi trường, an toàn, năng lượng, giới và bình đẳng giới, bảo vệ đa dạng sinh học,...
Tiềm năng này của môn Khoa học tự nhiên cần được khai thác qua các chủ đề tích hợp với sự cố gắng thể hiện của chương trình, sáng tạo của giáo viên. Giáo viên cần nhận ra đây là điều kiện thuận lợi để linh hoạt, sáng tạo lựa chọn các hình thức, phương pháp và biện pháp dạy học phù hợp.
Khoa học tự nhiên chú trọng thực hành thí nghiệm. Vì vậy, nhà trường phổ thông cần được đầu tư trang thiết bị, vật liệu, hoá chất, phòng học bộ môn. Cùng với các trang thiết bị này, giáo viên phải được tập huấn kỹ năng làm việc trong phòng thực hành và các quy tắc an toàn.
Giáo viên cần dành thời gian thích đáng giới thiệu cho học sinh cách sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, các cách học phổ biến và đặc thù môn học, các quy tắc an toàn cho bản thân khi thực hành thí nghiệm, các trang thiết bị, dụng cụ học tập và cách sử dụng an toàn, cách thực hiện một số kỹ năng, các nguồn tra cứu tài liệu tham khảo.
Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các nhà trường còn hạn chế, việc tổ chức cho học sinh tiếp cận, tìm hiểu thế giới tự nhiên gặp nhiều khó khăn thì cần lưu ý tổ chức cho học sinh tham quan các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ở những địa phương. Ở những nơi khó khăn, có thể tổ chức cho học sinh quan sát qua các phương tiện nghe nhìn hiện đại.
Trong quá trình dạy học, các mạch nội dung được tổ chức sao cho vừa tích hợp theo nguyên lý của tự nhiên, vừa đảm bảo logic bên trong của từng mạch nội dung.
Xây dựng môn học Khoa học tự nhiên trên cơ sở các kiến thức vật lý, hóa học, sinh học và khoa học Trái Đất là phù hợp với định hướng dạy học tích hợp, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện về kiến thức, hình thành kỹ năng và phát triển năng lực của học sinh.