Với việc triển khai Chương trình dạy học dựa trên năng lực (CBC – Competency Based Curriculum), một số phụ huynh cho biết họ bị buộc phải học cách làm bù nhìn hay đồng hồ thời trang, thậm chí là cả xe cút kít bằng bìa cứng.
Phụ huynh bị giao bài tập
Một phụ huynh Kenya than phiền trong chương trình giảng dạy mới, giáo viên giao nhiệm vụ cho phụ huynh và trẻ em chỉ là người phối hợp. Ông cho biết đang “đau khổ” về việc này.
Các phụ huynh khác lại đưa ra quan điểm nghiêm trọng hơn khi nói rằng một số người không có thời gian sau một ngày làm việc vất vả để giúp con làm bài tập về nhà. Họ cũng không có tiền để mua tài liệu học tập cần thiết cho con, đặc biệt là khi ai cũng đang khó khăn trong thời buổi giá cả tăng cao như hiện nay.
Bài tập về nhà có thể bao gồm việc gửi video clip về học sinh thực hiện các nhiệm vụ và có bài tập cần máy in. Điều này dường như đã bỏ qua thực tế là những học sinh sống ở vùng quê nghèo vốn phải đi quãng đường thật xa để tới trường. Các em thường xuyên thiếu thiết bị học tập và không được truy cập Internet vì cha mẹ không đủ khả năng tài chính.
“Ở một đất nước mà người dân phải đối mặt với nạn đói do hạn hán, chúng tôi đang phải vẽ vời trên những củ khoai tây” – một phụ huynh ở Mombasa than phiền về một bài tập về nhà của con.
Nguyên nhân dẫn đến cải cách
Trước đây ngành giáo dục Kenya áp dụng chương trình giáo dục có tên “hệ thống 8-4-4”. Điều này đề cập tới 8 năm tiểu học, 4 năm trung học và 4 năm đại học.
Hệ thống trên được đưa ra vào những năm 80 của thế kỷ trước với mục đích làm cho nền giáo dục cởi mở hơn đối với đào tạo nghề và nâng cao sự “tự thể hiện, tự giác và độc lập”.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho biết, trên thực tế, điều đó lại bị chính những giáo viên không được đào tạo bài bản cản trở. Bên cạnh đó, nó cũng bị chỉ trích vì nặng về thi cử, học sinh cho rằng học để thi hơn là để đạt được các kỹ năng và kiến thức cần thiết để áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Chính vì những thiếu sót trên mà Chương trình dạy học theo năng lực (CBC) đã được ra mắt vào năm 2017. Nó được quảng cáo là một hệ thống giáo dục thực tế và khả thi, tập trung vào việc nuôi dưỡng học sinh ngay ở giai đoạn đầu.
Ý tưởng là triển khai chương trình trên theo từng giai đoạn: Bắt đầu từ những năm học mầm non và sẽ được áp dụng khắp cả nước vào năm 2023. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến cho kế hoạch này khó đạt được.
Những người đề xuất CBC đã chỉ ra sự thành công của chương trình giáo dục này ở các nước như Australia và Phần Lan. Họ lập luận rằng nhờ có đánh giá liên tục, nó sẽ hạn chế gian lận thi cử vốn là một thách thức lớn đối với Chính phủ Kenya và sẽ cung cấp cho nhà tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp đủ năng lực.
Thử nghiệm tốn kém
Theo quan điểm của những người làm chương trình mới, sự tham gia của phụ huynh có tác động tích cực đến sự thành công trong học tập của trẻ. Một số học sinh theo chương trình mới dường như muốn chia sẻ với cha mẹ những gì mình đã học được ở trường.
Một người cha cho biết, giờ đây anh hiểu nhiều hơn về điểm mạnh và điểm yếu của con mình. Trong khi đó trước đây tất cả những gì anh làm là ký vào sổ để xác nhận rằng con đã làm bài tập về nhà.
Tuy vậy, những lời than phiền của phụ huynh dường như càng nhiều và một trong những người phản đối chương trình trên là Chủ tịch Hiệp hội Luật Kenya Nelson Havi. Ông cho rằng hệ thống giáo dục ở Kenya không nên là một thử nghiệm tốn tiền, kém hiệu quả đối với học sinh và tương lai các em.
Trước những ý kiến trên, Bộ trưởng Giáo dục George Magoha cho biết, những người đang tìm cách ngừng triển khai chương trình trên đang “mơ giữa ban ngày” bởi vì “con tàu đã rời ga”. Trong khi đó, những người ủng hộ chương trình đang kêu gọi sự kiên nhẫn. Họ hy vọng CBC sẽ dẫn đến việc tạo ra một lớp học sinh tốt hơn, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21.
Theo Bộ trưởng Giáo dục George Magoha, phụ huynh đã khiến chương trình CBC trở nên tốn kém bằng cách cho con đến học trường đắt tiền vốn yêu cầu cao khi thực hiện chương trình học. Ông lên án các bên liên quan và truyền thông khi họ đổ lỗi cho chính phủ không chia sẻ gánh nặng cho phụ huynh và không làm rõ số tiền được phân bổ để triển khai CBC.
Theo ông Magoha, chính phủ hỗ trợ cho học sinh nhưng nếu học ở nơi đắt tiền thì phụ huynh phải chi thêm. Ông cho biết, Kenya là một trong những quốc gia châu Phi hàng đầu về cung cấp tài chính và hỗ trợ cho giáo dục.
Bên cạnh đó, ông dẫn ra việc Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta từng công du Vương quốc Anh và cùng Thủ tướng Boris Johnson huy động được hơn 4,5 tỷ USD để cải thiện giáo dục toàn cầu.
Tuy vậy, do sức ép từ công chúng quá lớn, Bộ Giáo dục Kenya đã có những động thái mới. Giám đốc điều hành Viện Phát triển Chương trình giảng dạy Kenya (KICD), Tiến sĩ Charles Ong’ondo thông báo sẽ giải quyết các thách thức dựa trên phản hồi của các nhà phê bình và các bên liên quan.
Quá trình xem xét đầu tiên nhắm vào từ giai đoạn tiền tiểu học vốn đang được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 1/2022. Theo đó sẽ có những khía cạnh của chương trình giảng dạy được xem xét điều chỉnh lại và không phải cải cách.
Có thể mất vài thập kỷ để biết hệ thống nào tạo ra những học sinh tốt nhất. Tuy nhiên, nhà khoa học Albert Einstein từng nói: “Giáo dục là thứ còn lại sau khi người ta quên đi những gì đã học ở trường”.