Chất lượng học tập được nâng cao
Học sinh dân tộc (HSDT) thiểu số chưa thông thạo tiếng Việt là rào cản rất lớn trong quá trình nắm bắt tri thức, bởi các em không có đủ vốn từ vựng cần thiết để có thể hiểu được nội dung các môn học.
Tuy nhiên việc áp dụng GDSN trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (TMĐ) tại các trường HSDT thiểu số đã giúp các em mạnh dạn tự tin và thích đến trường hơn.
Sự hòa nhập với thầy cô và bạn bè khiến cho khoảng cách trên lớp học được thu hẹp lại. Hiện nay, nhiều địa phương có đông người dân tộc sinh sống đã lựa chọn giải pháp GDSN cho HSDT. Trong đó 3 tỉnh áp dụng khá thành công là Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh.
Tại các trường tham gia chương trình GDSN thực tế cho thấy chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt không chỉ là ở những môn khoa học tự nhiên, mà cả ở những môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn Tiếng Việt.
Tỉ lệ xếp loại khá giỏi của học sinh học song ngữ cao hơn hẳn so với học sinh dân tộc không học thử nghiệm. Theo khảo sát đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục dân tộc, HS được theo chương trình GDSN có tỷ lệ chuyên cần rất cao, đạt tỉ lệ từ 99% - 100%.
Trong quá trình học tập, HS song ngữ tham gia hoạt động học tập sôi nổi, có ý thức tự học, chất lượng học tập mang tính bền vững và hiệu quả cao hơn so với học sinh phổ thông đại trà ở mọi khía cạnh:
Tiếp thu kiến thức, phát triển năng lực, phát triển trí tuệ; mạnh dạn tự tin trong giao tiếp. HS song ngữ có ý thức rèn luyện về mọi mặt, tham gia các hoạt động của trường mạnh dạn, tự tin, tích cực và có hiệu quả; không có HS vi phạm nội quy của trường. Về rèn luyện 100% học sinh lớp song ngữ đều xếp loại đầy đủ.
Ông Hà Đức Đà - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục dân tộc - nhận xét: Chương trình GDSN học sinh được tiếp cận giáo dục bằng chính ngôn ngữ của mình.
Bằng TMĐ, học sinh giao tiếp với giáo viên, với bạn bè; tiếp thu kiến thức và học tiếng Việt. Việc sử dụng TMĐ giúp cho học sinh mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong học tập.
Sự mạnh dạn và tự tin đã giúp các em phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Trẻ em DTTS dễ dàng diễn đạt suy nghĩ của mình bằng TMĐ, điều này là hết sức khó khăn khi các em phải thực hiện bằng tiếng Việt.
Đến lớp 3, khi năng lực tiếng Việt của các em đã được nâng cao, khi đó các em có thể diễn đạt suy nghĩ của mình bằng 2 ngôn ngữ. Sự tác động hỗ trợ tự nhiên giữa 2 ngôn ngữ giúp cho năng lực TMĐ và tiếng Việt của các em ngày càng hoàn thiện.
Những thử nghiệm thành công
Tại tỉnh Gia Lai, thầy Nguyễn Trọng Hoàng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ia Phí (huyện Chư Păh, Gia Lai) - cũng cho biết: Nhờ áp dụng phương pháp GDSN nên TMĐ đã hỗ trợ rất tốt cho tiếng Việt.
Trẻ em được tiếp cận giáo dục bằng chính ngôn ngữ của mình và thông qua ngôn ngữ của mình trước khi được tiếp cận tiếng Việt. Sự chuyển di ngôn ngữ giữa TMĐ và tiếng Việt giúp cho trẻ em DTTS nhanh chóng tiếp cận và học tốt tiếng Việt.
Vì vậy xóa bỏ được rào cản ngôn ngữ nên việc tiếp thu kiến thức của học sinh được thuận lợi, giúp các em phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.
Trong quá trình học nhờ có TMĐ nên các em hiểu sâu và hiểu rõ hơn các khái niệm, các thuật ngữ khó khi mà vốn từ tiếng Việt của các em còn hạn chế.
Nhờ có phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, không gian lớp học cũng luôn được thay đổi tạo cho trẻ một tinh thần thoải mái khi lĩnh hội kiến thức. Trong đó, thời lượng sử dụng mỗi ngôn ngữ cũng thay đổi theo từng khối lớp.
Cô Nguyễn Tố Uyên - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Phố (huyện Bắc Hà, Lào Cai) chia sẻ: Sau 6 năm triển khai thực hiện chương trình GDSN, Trường Tiểu học Bản Phố đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận:
Học sinh học chương trình song ngữ tích cực hơn trong việc tiếp thu kiến thức luôn cố gắng phấn đấu, biết giúp đỡ nhau trong học tập, đoàn kết và dám nói lên những suy nghĩ hay ý kiến của mình để chia sẻ.
Các em hiểu bài nhanh, gặp từ khó khả năng giải nghĩa nổi trội hơn hẳn, hiểu nội dung bài và trả lời câu hỏi cũng như kĩ năng làm bài tốt hơn học sinh không học lớp song ngữ.
Học sinh song ngữ tham gia hoạt động học tập sôi nổi, tham gia các hoạt động của trường mạnh dạn, tự tin, nhanh nhẹn, vui chơi tự nhiên thoải mái vô tư, đặc biệt trong kĩ năng sống các em đã hiểu và vận động gia đình thay đổi các thói quen nề nếp cũ không tốt, lạc hậu.
Học sinh ở lớp song ngữ được phát triển toàn diện trên cả 5 lĩnh vực (thể chất, nhận thức, phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, tình cảm xã hội và thẩm mỹ).
Đặc biệt là ngôn ngữ TMĐ phát triển rõ rệt, khả năng giao tiếp bằng TMĐ khá lưu loát; Việc duy trì tỉ lệ chuyên cần ở tất cả các lớp được đảm bảo; học sinh thích đi học, không có học sinh bỏ học giữa chừng; gia đình, cộng đồng rất ủng hộ và tạo điều kiện cho con em đến trường đầy đủ; Học sinh có kết quả học tập khá tốt thể hiện ở cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết).
Tỉ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi chiếm 65% trở lên, không có học sinh chưa hoàn thành về môn học và các hoạt động giáo dục khác, 100% đạt đủ về năng lực và phẩm chất. Tham gia các cuộc thi đều đạt giải.