Tác giả bài viết là ông Teruo Fujii- Hiệu trưởng thứ 31 của Đại học Tokyo kể từ tháng 4 năm 2021. Ông cũng là giáo sư đầu ngành về Kỹ thuật và Hệ thống vi lỏng ứng dụng, và là thành viên điều hành của Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (CSTI) của Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Ông cho biết, trong nhiều thập kỉ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, các trường đại học tại Nhật Bản luôn tuân thủ kiên định một kiểu mô hình trường học: Cung cấp chương trình giáo dục chất lượng cao; Mức học phí phù hợp để bất cứ ai cũng có cơ hội được đi học; Đảm bảo sinh viên được tốt nghiệp đúng hạn; Hỗ trợ sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia ngay vào thị trường lao động.
Mô hình giáo dục này đóng vai trò then chốt trong việc định hình sự phát triển của Nhật Bản sau chiến tranh. Quay trở lại với hiện tại thì chương trình giáo dục đại học ở Nhật Bản đang "đứng trước ngã ba".
Chương trình giáo dục cần có sự thay đổi mô hình giảng dạy khẩn trương khi tình hình thế giới ngày càng phức tạp cũng như sự suy giảm dân số ở Nhật đang ở mức báo động. Chúng ta cần phải thích nghi, trong khi đó vẫn giữ cam kết phải đóng góp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao và những sáng kiến trong môi trường học thuật.
Quốc tế hóa là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Trong khi một số quốc gia phương Tây đang có những chính sách mới để giảm số lượng sinh viên quốc tế thì tại một số quốc gia khác, đặc biệt ở khu vực Châu Á đang cố gắng thu hút sinh viên các nước đến du học.
Có thể lấy các trường đại học ở Hàn Quốc và Thái Lan làm ví dụ, các trường học tại nước bạn đã thực hiện một số cải cách như tăng số lượng các khóa học bằng tiếng Anh. Singapore cũng đã chủ trương nới lỏng các quy định về cư trú để tăng sức hấp dẫn cho các sinh viên có ý định du học tại đây.

Hiện tại Nhật Bản đang đặt mục tiêu có thể gửi 500.000 sinh viên đi du học vào năm 2033 (con số này trước đại dịch Covid 19 là 220.000 sinh viên), trong khi tiếp nhận 400.000 sinh viên quốc tế (con số vào năm 2023 là 280.000 sinh viên). Nhật Bản cũng đặt mục tiêu có thể tuyển dụng được ít nhất 60% sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp tại đây (so mục tiêu năm 2022 là 44%).
Những mục tiêu này phản ánh sự suy giảm tuyển sinh trong nước và tình trạng lực lượng lao động ngày càng thu hẹp cũng như mong muốn thúc đẩy sinh viên tại Nhật Bản có tư duy toàn cầu hóa thông qua du học.
Số lượng người 18 tuổi ở Nhật Bản dự kiến sẽ giảm từ mức hiện tại là 1,1 triệu người xuống chỉ còn 820.000 người vào năm 2040, nếu dự đoán của chính phủ là chính xác thì các trường đại học tại Nhật Bản dư ra 20% hiệu năng trường học vào năm 2050.
Hầu hết sinh viên quốc tế hiện tại của Nhật Bản đều đến từ các nước láng giềng trong khu vực. Trong đó Trung Quốc, Việt Nam và Nepal là những quốc gia có số học sinh du học tại đây nhiều nhất. Các trường đại học Nhật Bản cần phải mở rộng phạm vi tiếp cận, đặc biệt tại các quốc gia đông dân ở Đông Nam Á và Nam Á như Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh, cũng như các quốc gia ở Châu Phi để có thể đạt mục tiêu tìm thêm 120.000 sinh viên vào năm 2033.

Tại Đại học Tokyo, có gần 33% sinh viên cao học là công dân đến từ các nước bên ngoài Nhật Bản tuy nhiên tỷ lệ này khi nhắc đến sinh viên học đại học chỉ có 3,4%.
Chúng tôi sẽ phải nỗ lực hết sức để có thể nâng cao con số đó. Phía nhà trường buộc phải tăng học phí lên 20% cho cả sinh viên trong nước và quốc tế để có thể cải thiện môi trường giáo dục và nghiên cứu của mình. Mức học phí cho cả sinh viên trong nước và quốc tế lần cuối được điều chỉnh là cách đây những 20 năm và thấp hơn đáng kể so với hầu hết các cơ sở giáo dục hàng đầu trên thế giới, học phí cho 1 năm là khoảng 4.000 Đô la Mỹ (khoảng 101 triệu VNĐ), mức học phí trên đã bao gồm các chính sách ưu tiên giảm giá và miễn trừ cho sinh viên có thu nhập thấp.
Trong khi tình hình thế giới có nhiều biến động chính trị, các trường đại học vẫn giữ trách nhiệm đặc biệt trong việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới.

Tổ chức đã chia sẻ nhiều câu chuyện đau thương của những người sống sót sau bom nguyên tử để nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và tàn khốc của vũ khí hạt nhân đã đem đến cho loài người. Giải thưởng này là lời nhắc nhở về trách nhiệm đặc biệt của Nhật Bản trong việc ủng hộ một thế giới không có vũ khí hạt nhân
Sự kiện trên đã khiến trường đại học Tokyo của chúng tôi nhận ra rằng mình có trách nhiệm đóng góp vào lời kêu gọi này, không chỉ bằng cách phản ánh lịch sử mà còn thể hiện qua việc thiết kế các hệ thống quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình trên thế giới.
Chiến sự tại Ukraine hay ở Gaza đều cho chúng ta thấy hòa bình có thể mong manh đến mức nào. Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc, các trường đại học cần phải cam kết hỗ trợ giải quyết những cuộc xung đột như vậy theo cách tìm ra những giải pháp mang tính chất học thuật thông qua việc thu thập kiến thức về nguyên nhân và tác động dẫn đến chiến tranh ở các khu vực trên thế giới.
Tokyo đang tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại hòa bình toàn cầu. Ví dụ như chúng tôi đã chào đón 45 sinh viên, nhà nghiên cứu người Ukraine và các thành viên gia đình của họ kể từ khi chiến tranh với Nga bắt đầu. Hơn nữa, chúng tôi đã thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các học giả và chuyên gia để khám phá những nỗ lực hợp tác có thể có với các tổ chức quốc tế, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo hòa bình thế giới, chúng ta còn đang có rất nhiều thách thức toàn cầu cần giải quyết như biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và những mục tiêu phát triển về công nghệ.
Khu vực Đông Á cũng đang vật lộn với những vấn đề của riêng mình, từ sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đến biến động chính trị tại Hàn Quốc. Điều này càng nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế và chiến lược phát triển trong chương trình giáo dục đại học
Vì những thách thức như vậy đòi hỏi các giải pháp tinh tế và hợp tác sâu rộng, trường đại học Tokyo chúng tôi cam kết thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, tạo ra những cơ hội mới nghiên cứu. Dự kiến vào năm 2027, Đại học Tokyo sẽ thành lập một trường Thiết kế nhằm đào tạo sinh viên trên nhiều lĩnh vực khác nhau để cung cấp nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho thế giới.
Để chứng minh tiềm năng trong việc hợp tác liên ngành có thể đem lại nhiều lợi ích to lớn, tôi xin nhắc đến quan hệ đối tác giữa Viện Nghiên cứu Động đất và Viện Sử học tại Nhật Bản đã có những thành quả trong việc phát triển cơ sở dữ liệu khoa học để dự báo các mối nguy hiểm do động đất và núi lửa. Với quốc gia dễ đối mặt với tình trạng động đất, sóng thần như Nhật Bản, những nghiên cứu trên đã góp phần không nhỏ trong việc kết nối các trường đại học với nhu cầu của xã hội.
Chúng ta cũng cần một cách tiếp cận thống nhất đối với trí tuệ nhân tạo (AI). Các trường đại học phải chuẩn bị cho sinh viên không chỉ chuyên môn kỹ thuật mà còn cả tư duy phản biện và khuôn khổ đạo đức cần thiết để điều hướng AI khi ứng dụng vào các tình huống xã hội. Bằng cách thay đổi, chúng ta có thể chuẩn bị cho sinh viên những kiến thức và khả năng cần thiết để đón nhận những nhiệm vụ khó khăn trong tương lai