Hiện tại, môn học ngoại ngữ chưa được phổ cập hết bậc tiểu học, vẫn còn rất nhiều trường tiểu học trong cả nước chưa đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy chính thức cho HS ngay từ lớp 1, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Do đó đã có sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ của HS giữa các vùng, miền. Việc quy định bắt buộc thi môn ngoại ngữ khi tốt nghiệp các cấp và thi tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ gây khó khăn cho HS, đồng thời thiếu sự công bằng giữa HS các trường có dạy môn ngoại ngữ ngay từ lớp 1 và các trường không dạy môn ngoại ngữ hoặc dạy môn ngoại ngữ trễ hơn. Đề nghị Bộ nghiên cứu có kế hoạch phổ cập môn Ngoại ngữ vào chương trình học cấp 1 trên cả nước để việc học và thi cử của HS được thống nhất và công bằng.
Bộ GD&ĐT trả lời:
Thực hiện Luật Giáo dục 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. Theo đó, đối với giáo dục phổ thông (GDPT), tổ chức dạy và học ít nhất một ngoại ngữ phổ biến trong giao dịch quốc tế, HS được học liên tục từ lớp 3 - 12.
Đối với chương trình GDPT cấp tiểu học hiện hành, Ngoại ngữ là môn học tự chọn đối với học sinh khối lớp 3, 4, 5. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, một số địa phương đã tổ chức dạy Ngoại ngữ cho HS khối lớp 1 và 2 nhằm mục đích giúp các em làm quen môn học.
Chương trình GDPT mới, Ngoại ngữ sẽ là môn học chính thức được bắt đầu giảng dạy từ lớp 3. Ngoài ra, các địa phương có điều kiện có thể tổ chức dạy ngoại ngữ cho HS khối lớp 1 và 2.
Theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình GD PT muốn xét tốt nghiệp phải dự thi ít nhất 4 môn thi, trong đó có 3 môn thi (bài thi) bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ nhằm tạo động lực và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông.
(Còn nữa)