Hóa thạch hổ phách giữa kỷ Phấn trắng trong suốt được tìm thấy ở thung lũng Hukawng, Myanmar, lưu giữ xác những con chuồn chuồn kim đực trong tư thế giương cao cặp chân lớn về phía nhau để thu hút con cái, Longroom hôm qua đưa tin. Phát hiện hé lộ hành vi tán tỉnh bạn tình phức tạp của chuồn chuồn kim cổ đại ở thời khủng long.
Hóa thạch chuồn chuồn vô cùng hiếm do cơ thể mềm của loài côn trùng rất khó bảo quản. "Ở chuồn chuồn, con đực phải thuyết phục con cái ghép đôi và con cái phải sẵn sàng tiếp xúc với cơ quan sinh dục của con đực", nhóm nghiên cứu ở Viện địa chất và cổ sinh vật học Nam Kinh thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, cho biết.
Các nhà nghiên cứu đặt tên cho con chuồn chuồn kim cổ đại mắc kẹt trong khối hổ phách là Yijenplatycnemis huangi. Con vật có phần chân lớn gọi là đốt ống (tibia), dùng để thu hút con cái. "Y. huangi có những đốt ống hình khoang cực dài, giúp xua đuổi những tình địch khác đồng thời hấp dẫn con cái, làm tăng cơ hội ghép đôi thành công", nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Chuồn chuồn kim hiện đại cũng có phần chân tương tự nhưng kém phát triển hơn. "6 đốt ống cực lớn của Y. huangi cũng đóng vai trò phát tín hiệu trong nghi thức tán tỉnh bạn tình. Đốt ống của Y. huangi bất đối xứng và có dạng hình khoang", các nhà nghiên cứu nói.
Phần chân tiến hóa đặc biệt của chuồn chuồn kim sẽ giúp con đực dễ được chú ý hơn. Hình dáng và màu sắc của chân cũng tương tự cánh côn trùng cổ đại. "Có một đốm nhỏ hình mắt ở giữa chân sau của chuồn chuồn kim, trông rất giống chấm hình mắt trên cánh bướm", các học giả nhận xét.
Đốm hình mắt ở chuồn chuồn kim có thể nhằm đe dọa những động vật lớn hơn và xua đuổi kẻ thù. Nhưng chúng cũng có thể được dùng để quyến rũ con cái giống như những chấm trên lông chim công.