Chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa: Kết quả được báo trước

GD&TĐ - Việc chuỗi cửa hàng Món Huế tại Hà Nội và TPHCM đột ngột ngừng hoạt động là điều không quá khó hiểu. Có ý kiến cho rằng, việc định hướng sai đối tượng khách hàng nên thua lỗ là khó tránh.

Chuỗi cửa hàng Món Huế tại Hà Nội đã ngừng hoạt động nhiều ngày nay
Chuỗi cửa hàng Món Huế tại Hà Nội đã ngừng hoạt động nhiều ngày nay

Đóng cửa, nợ nần

Cho đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống cửa hàng của Món Huế tại Hà Nội và TPHCM đều đã đóng cửa, ngừng hoạt động. Nguyên nhân được cho là Món Huế đã nợ các nhà cung cấp thực phẩm tới hàng chục tỷ đồng. Những ngày vừa qua, đã có rất nhiều người tới trụ sở của Công ty Huy Việt Nam (công ty mẹ của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế) tại TPHCM để căng băng rôn, tố cáo doanh nghiệp này nợ tiền nhiều tháng không trả.

Được biết, khu phức hợp ăn uống hội tụ các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng, Great Bánh mì & cafe, Cơm Thố Cháy, Iki sushi và Shilla Korean BBQ Restaurant của Huy Việt Nam trên đường Ngô Đức Kế (quận 1) đã đóng cửa cách đây 20 ngày. Địa điểm của Món Huế tại vòng xoay Cống Quỳnh (quận 1) cũng chỉ còn một người trực mặt bằng.

Một số nơi khác dù còn biển hiệu nhưng chủ nhà đã dán thông báo tìm người thuê mới, có mặt bằng đã tháo dỡ nội ngoại thất. Trong khi đó, tại Hà Nội, hàng loạt cửa hàng Món Huế tại các đường Cửa Nam, Trần Duy Hưng, Hàng Bài… cũng đã đóng cửa và chỉ có 1 người trực mặt bằng.

Tại chuỗi cửa hàng ở Hà Nội không ghi nhận có người đến đòi nợ. Nhưng trụ sở của Công ty Huy Việt Nam trong TPHCM thì luôn… nóng. Mỗi ngày có tới hàng trăm người tới căng băng rôn tố cáo, đòi nợ. Được biết, những người đến đòi nợ đều là nhà cung cấp thực phẩm cho Món Huế. Người ít thì khoảng 100 triệu đồng, người nhiều thì lên tới tiền tỷ.

Anh Thuận, một nhà cung cấp rau củ quả cho chuỗi cửa hàng Món Huế cho biết, khoảng một tuần qua thì phía công ty không nhận thêm hàng cũng không trả tiền. Được biết, đơn vị của anh Thuận bị Món Huế nợ gần 1,3 tỷ đồng tiền hàng hóa trong 9 tháng qua.

Các nhà cung cấp cho biết, cuộc họp gần nhất để đối chiếu công nợ với Món Huế diễn ra vào tháng trước. Công ty này đã ghi nhận biên nợ và cam kết sẽ trả 50 triệu đồng mỗi tháng với các khoản nợ dưới 500 triệu đồng, và 100 triệu đồng mỗi tháng với các khoản trên mức này.

Không chỉ có các nhà cung cấp bị nợ tiền, một số nhân viên của Món Huế chưa nhận lương đã 2 - 3 tháng. Một số chủ mặt bằng cũng cho biết bị chuỗi này nợ tiền. Thậm chí, một ứng dụng gọi món ăn hàng đầu thị trường cũng phải tắt dịch vụ đặt món tại hệ thống Món Huế cách đây 2 tháng vì không đòi được nợ.

Kết quả được báo trước

Món Huế ra đời ở thời điểm bùng nổ các chuỗi F&B ở Việt Nam. Đó là giai đoạn bung hàng loạt các thương hiệu chuỗi như King BBQ, Sumo BBQ, là thời kỳ qua đỉnh của những cái tên mạnh trong “làng” fastfood như KFC, Lotteria... và đang ở giai đoạn bão hòa. Điểm rơi của thị trường ở thời điểm ra mắt chính là hạn chế đầu tiên Món Huế vướng phải.

Món Huế chọn cho mình một phân khúc sản phẩm tương đối kén người ăn, đó là đặc sản vùng miền. Đặc sản, các món ăn đặc trưng của Huế rất được khách du lịch ưa chuộng, như nem lụi, bún bò, bánh bột lọc... Dù hương vị đa dạng, nhưng vẫn được xem là thức ăn chơi, không thuộc phân khúc hàng phổ biến để “tiện thì ghé vào” như những thương hiệu F&B khác.

Được định vị như vậy, việc mở hàng chục cửa hàng, quyết tâm lấy độ phủ về địa điểm để thu hút số đông người qua đường vào cửa hàng đã là một lựa chọn sai về mặt chiến lược. Chi phí mặt bằng ở các con phố lớn tại các thành phố lớn sẽ là một gánh nặng cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, điều cốt lõi nhất vẫn chính là chất lượng sản phẩm. Món Huế không có được điều này. Suốt gần 6 năm xuất hiện trên thị trường, người dùng luôn không đánh giá cao chất lượng các món ăn của Món Huế.

Trong thời gian vừa ra mắt, đã có hàng loạt bình luận trên mạng xã hội về chất lượng hơn 60 món ăn trong thực đơn của Món Huế. Theo họ, Món Huế đã tự mình xếp mình ở trên phân khúc khách hàng mục tiêu khi mà chất lượng của thực đơn rất bình thường, không có món ăn tiêu biểu, nhưng giá lại rất trên trời. So sánh cùng với các nhà hàng chuyên món Huế như Nét Huế hay Bún Bò Huế O Xuân, Món Huế có mức giá thực đơn cao hơn từ 20 - 30%.

Không thể không nhắc đến mục tiêu chiến lược của chủ nhân chuỗi Món Huế - Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam. Có vẻ, điều mà Huy Việt Nam muốn hướng tới là thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua các vòng gọi vốn cho các sản phẩm tiềm năng ban đầu hơn là thực sự tập trung xây dựng sản phẩm chiến lược và duy trì sự phát triển bền vững. Sau 3 lần gọi vốn trong vòng 3 năm, Huy Việt Nam huy động được 65 triệu USD, mở rộng lên đến 110 cửa hàng trên toàn quốc. Một sự tăng trưởng quá nóng.

Ngoài Món Huế, Huy Việt Nam còn vận hành nhiều chuỗi thương hiệu nhà hàng khác như Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Banhmi & Cafe, trà sữa TP Tea, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki sushi... Tất cả các thương hiệu này đến nay đều hoặc không thể phát triển, hoặc sức hút quá kém trên thị trường.

Để thực hiện mục tiêu vươn ra nước ngoài, doanh nghiệp này thành lập các công ty mẹ tại Hồng Kông và đảo Cayman – nơi được xem là thiên đường trốn thuế nằm ở phía Tây vùng biển Caribe. Nếu Huy Vietnam được thành lập tại Hồng Kông năm 2012 là công ty mẹ của Công ty Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam - đơn vị đang bị tố nợ tiền các nhà cung cấp hàng chục tỷ đồng, thì Huy Vietnam Group thành lập tại Cayman là cổ đông chi phối chuỗi nhà hàng Món Huế.

Theo cổng thông tin doanh nghiệp, người đại diện của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam giờ là cái tên Nguyễn Quỳnh Anh. Các thông tin về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp này cũng như những thông tin về người phụ trách của doanh nghiệp cũng như chuỗi cửa hàng Món Huế đều chưa thể xác minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.