Lần này là chuyến công tác châu Âu tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12) tại Brussel, Bỉ; tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 tại Copenhagen, Đan Mạch và thăm song phương các nước Áo, Bỉ, Đan Mạch và EU.
Có thể thấy, Thủ tướng đang thực hiện một chương trình công tác đối ngoại cấp cao với cường độ rất lớn. Chuyến công tác châu Âu tiếp nối chuyến công tác Indonesia, thăm quốc gia đa đảo này theo lời mời của Tổng thống Joko Widodo, dự cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN nhân dịp hội nghị thường niên Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới trong hai ngày 11 và 12/10. Ngay trước đó là chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản từ ngày 8 đến 10/10. Mở đầu cho chuỗi hoạt động đối ngoại này là chuyến công tác Hoa Kỳ dự và phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, một chuyến công tác với 15 hoạt động liên tục trong vòng 10 tiếng đồng hồ.
Áp lực công việc quốc gia đại sự, hành trình trên máy bay kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ, những chuyến bay được tính toán để làm sao đến nơi là làm việc ngay, cho thấy cường độ làm việc của người đứng đầu Chính phủ căng đến như thế nào. Song ông luôn giữ được thần thái tươi tỉnh trong các cuộc tiếp xúc, làm việc sau đó, dù là với nguyên thủ các nước, các chính trị gia, các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài hay ngay cả trong các cuộc trò chuyện thân mật với người trong nhà khi ông tới thăm Đại sứ quán, gặp gỡ cán bộ, nhân viên cũng như bà con kiều bào.
Phong cách chủ động, cởi mở chân tình của ông luôn tạo được sự tin cậy, đồng cảm nơi người đối thoại. Xin gợi lại phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe khi chủ trì cuộc tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo mới đây nhất “ Tôi xin nhiệt liệt chào mừng Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là bạn bè thân thiết của tôi đến thăm Nhật Bản”.
Một nhà ngoại giao lão thành nhận xét đấy là những lời lẽ vượt ngoài ngôn từ ngoại giao thông thường, không chỉ bày tỏ sự đánh giá rất cao về mối quan hệ đối tác tin cậy với Việt Nam mà còn chứa đựng tình cảm cá nhân trân trọng của người đứng đầu Chính phủ một cường quốc dành cho Thủ tướng chúng ta. Trong mối bang giao giữa các quốc gia, quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn.
Lại nhắc tới phát biểu của Thủ tướng Zinzo Abe trong chuyến thăm Nhật vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Để Việt Nam đạt được sự tăng trưởng bền vững, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ nỗ lực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong các lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cải cách hành chính, phát triển công nghiệp, nâng cao năng suất lao động, năng lượng...” làm minh chứng.
“Chuyến thăm góp phần thắt chặt quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sinzo Abe; tạo dựng quan hệ giữa lãnh đạo các bộ, ngành của ta với các thành viên Nội các mới của chính quyền Thủ tướng Sinzo Abe”, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm Nhật Bản đưa ra nhận định.
Trở lại với chuyến công tác châu Âu lần này, ASEM là diễn đàn đối thoại quan trọng đối với các thành viên Á- Âu, nhất là khi chủ đề của Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 này là “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu” nhằm đề ra các giải pháp phát huy vai trò của ASEM trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối Á - Âu, đề cao luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển của thế giới và hai châu lục.
Hợp tác Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (Hợp tác P4G) theo sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch nhằm phát triển quan hệ đối tác công - tư trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
Chủ đề cùa hội nghị thượng đỉnh Hợp tác P4G đầu tiên năm nay được kỳ vọng sẽ đưa ra tầm nhìn, định hướng lớn và các giải pháp hành động cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới vừa được cảnh báo từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, rằng nhiệt độ của trái đất vào năm 2030 sẽ tăng 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp và nếu vượt ngưỡng này thế giới sẽ phải đối mặt với những thảm họa môi trường.
Trong các đối tác của Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) đang là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ ba, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ; là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, sau Mỹ; là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.
Hai bên hiện đang tích cực thúc đẩy ký Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư IPA trong năm 2018 này. Chuyến thăm EU của Thủ tướng nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ nước ta với EU trong bối cảnh hai bên duy trì thường xuyên tiếp xúc cấp cao và trao đổi đoàn các cấp.
Đối với Cộng hoà Áo, quan hệ Việt Nam - Áo phát triển trên nhiều lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, văn hoá - giáo dục. Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN - EU.
Việt Nam mong muốn Áo, giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU từ cuối năm 2018, ủng hộ tăng cường quan hệ với Việt Nam, tiếp tục duy trì viện trợ phát triển cho Việt Nam.
Với vương quốc Bỉ, sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước phát triển tích cực, trong các khuôn khổ hợp tác ở nhiều lĩnh vực và nhiều cấp từ liên bang tới vùng và cộng đồng. Hiện Bỉ đang quan tâm thiết lập quan hệ sâu rộng với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với Đan Mạch, năm 2018 là năm Việt Nam và Đan Mạch kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Quan hệ hai nước đang phát triển tích cực, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN - EU.
Chuyến công tác châu Âu từ 14 đến 21/10 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam sẽ củng cố và tăng cường mối quan hệ đang trên đà phát triển tích cực của Việt Nam với các đối tác./.