Phát triển hợp tác xã giúp giảm nghèo hiệu quả

GD&TĐ - Hiện nay, mô hình hợp tác xã (HTX) đang từng bước trở thành nhân tố tích cực đem lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.

Phát triển hợp tác xã giúp giảm nghèo hiệu quả
Phát triển hợp tác xã giúp giảm nghèo hiệu quả

Tạo công ăn việc làm cho số lượng lớn lao động nông thôn

Trước đây, bà con nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chủ yếu chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh liên kết trong sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa.

Với mục tiêu khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.

Trong giai đoạn 2021-2022, trên địa bàn huyện Định Hóa có 16 HTX được thành lập mới. Riêng 7 tháng năm 2023, toàn huyện có thêm 7 HTX được thành lập, nâng tổng số HTX đang hoạt động lên 47 đơn vị, tạo việc làm thường xuyên cho gần 800 lao động nông thôn.

Phát triển HTX giúp người dân tăng thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.
Phát triển HTX giúp người dân tăng thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.

Hợp tác xã chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng, huyện Định Hóa được thành lập năm 2017. Những năm về trước, sản phẩm mỳ gạo Bao thai Định Hóa ở xã Kim Phượng chưa có bao bì, nhãn mác, giá thành thấp, nên khó tiêu thụ. Từ năm 2017, HTX được thành lập, sản phẩm mỳ gạo đã đổi mới phương pháp sản xuất, được đóng gói, thiết kế nhãn mác, chất lượng nâng lên.

Hiện nay, HTX có 17 thành viên, sản phẩm chính là mỳ gạo Bao thai Định Hóa và mỳ phở, mỗi tháng tiêu thụ được khoảng 4 tấn mỳ các loại. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mở rộng tới Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Phước. Tạo thu nhập trung bình cho các thành viên hợp tác xã là 5 triệu đồng/người/tháng.

Còn tại huyện Đại Từ, để sản phẩm chè làm ra có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, chị Đào Thị Thức đã thành lập HTX Chè Nhật Thức tại xóm Khuôn 2, xã Phục Linh, huyện Đại Từ với 20 thành viên. Sau nhiều năm, HTX đã phát triển và xây dựng được thương hiệu chè Nhật Thức với rất nhiều loại trà khác nhau.

HTX Chè Nhật Thức nâng tầm cho cây chè, tạo sinh kế cho bà con.
HTX Chè Nhật Thức nâng tầm cho cây chè, tạo sinh kế cho bà con.

Hiện tại, HTX chủ yếu sản xuất chè theo hướng VietGAP. Ngoài diện tích chè của HTX, đơn vị còn liên kết với 80 hộ dân ngoài hợp tác xã để thu mua nguyên liệu chè tươi về sản xuất, chế biến. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 50 tấn chè khô các loại, mang về doanh thu 2,5 tỷ đồng, đảm bảo thu nhập cho 25 xã viên với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có 61 HTX đang hoạt động theo Luật HTX. Trong đó có 16 HTX thành lập mới từ năm 2021 đến nay, thu hút 1.300 thành viên và người lao động tham gia. Các HTX tạo việc làm ổn định cho thành viên và người lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Thoát nghèo nhờ tham gia HTX

Một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong thu hút thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là HTX chè La Bằng (xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), khi mới thành lập HTX chỉ có 13 thành viên, chuyên sản xuất các sản phẩm về chè. Sau nhiều năm, HTX có bước phát triển nhanh chóng.

Du khách nước ngoài tìm hiểu và trải nghiệm các quy trình sản xuất chè tại HTX chè La Bằng.
Du khách nước ngoài tìm hiểu và trải nghiệm các quy trình sản xuất chè tại HTX chè La Bằng.

Hiện nay, HTX chè La Bằng có tổng diện tích chè là 30ha, trong đó có 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 6ha đã được chứng nhận mã vùng trồng. Ngoài 15 hộ thành viên HTX, hiện HTX còn liên kết với gần 200 hộ dân sản xuất chè để cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX.

Với quy mô diện tích nói trên, trung bình mỗi năm HTX chè La Bằng sản xuất và bán ra thị trường khoảng 60 tấn chè búp khô, mang về nguồn doanh thu 4,9 tỷ đồng trong năm 2022, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. Nhờ tham gia HTX, trong những năm gần đây, đã có nhiều hộ thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Có thể thấy, hoạt động của HTX đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi trình độ sản xuất của người dân, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Thông qua thành lập và hoạt động của HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan toả sản phẩm đến với thị trường không những trong địa bàn tỉnh mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ