Trong đó việc chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác là con đường hiệu quả nhất để giúp các trường đại học đạt được mục tiêu. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đại học thông minh có vai trò rất quan trọng, góp phần định hướng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh toàn cầu hoá. Theo đó, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là mục tiêu và động lực, còn thông minh là phương thức và nền tảng cho sự phát triển đó.
Mới đây, tại Diễn đàn về quốc tế hoá giáo dục được tổ chức tại Trường Đại học Ngoại thương, với chủ đề “Các phương thức hợp tác sáng tạo trong giáo dục đại học xuyên biên giới”, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy việc đổi mới các mô hình hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức, doanh nghiệp tại nhiều quốc gia nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị cũng như tầm ảnh hưởng của các trường đại học, tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục đại học phi truyền thống.
Đặc biệt, việc phân tích các điều kiện, trao đổi về cơ hội đã khiến các trường nhìn ra thách thức, cũng như thế mạnh và điểm yếu của các mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc thúc đẩy sáng tạo xã hội và hình thành doanh nghiệp xã hội. Cũng từ những phân tích đánh giá khách quan, các chuyên gia đã đưa ra dự báo về xu hướng hợp tác mới trong giáo dục đại học xuyên biên giới; phát hiện các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và công nghệ, đóng vai trò thay đổi xu hướng hợp tác giáo dục đại học trong tương lai.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, quốc tế hoá giáo dục cũng nhằm mục đích cùng nhau góp phần tạo ra những thế hệ sinh viên - công dân toàn cầu với ý thức trách nhiệm và tác động tích cực đến xã hội, có khả năng hợp tác và thích ứng cao với sự thay đổi.
Trong kỷ nguyên 4.0, trường đại học cần phải là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với những đặc trưng cơ bản là đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học. Trong đó, sẽ có những trường đào tạo theo định hướng khởi nghiệp; có những trường đi sâu vào nghiên cứu hàn lâm, định hướng đổi mới sáng tạo.
Trong đó vai trò của công nghệ thông tin và tài nguyên số sẽ hỗ trợ hiệu quả quá trình dạy và học. Trong một không gian tri thức được số hoá và mở, mức độ quốc tế hoá không chỉ giới hạn bởi hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên mà còn cả hoạt động nghiên cứu khoa học hướng tới phục vụ cộng đồng. Quốc tế hóa giáo dục, sáng tạo xã hội trong các chiến lược phát triển của các trường đại học, tăng cường hợp tác giữa trường đại học với xã hội/cộng đồng, cùng chung tay tạo ra những sinh viên toàn cầu là điều mà các đại học cần hướng tới.