Chỉ trong thời gian ngắn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chính thức được hai tổ chức xếp hạng đại học uy tín nhất thế giới vinh danh nhờ chất lượng đào tạo và nghiên cứu các ngành kỹ thuật, công nghệ. Trước đó, vào tháng 2/2019, 3 nhóm ngành gồm: Điện - Điện tử; Cơ khí - Hàng không và Chế tạo, Khoa học máy tính - Hệ thống thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được QS World xếp hạng trong top 400 - 550 thế giới. Tiếp đó, ngày 11/9/2019, trường này tiếp tục lọt vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, theo công bố của tuần báo Times Higher Education (THE).
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, GDĐH của Việt Nam đã có bước tiến quan trọng và ngày càng hội nhập sâu rộng quốc tế. Đặc biệt, trong hai năm gần đây, các trường đại học của chúng ta có sức bật rất tốt và gây được tiếng vang lớn khi liên tục khẳng định vị thế trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Điều đó càng khẳng định, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT về phát triển GDĐH, trong đó có chính sách về tự chủ là đúng hướng và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Từ câu chuyện trên, các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, các trường đại học của chúng ta cần chú trọng hơn nữa đến nâng cao chất lượng GD-ĐT, đặc biệt là công tác kiểm định chất lượng; trong đó có kiểm định quốc tế. Đây phải thực sự là nhu cầu tự thân và trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các trường.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Vấn đề tự chủ ĐH sẽ được triển khai rộng rãi; do đó, công tác kiểm định chất lượng càng cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Nói như PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, kiểm định chất lượng và công bố kết quả kiểm định chất lượng chính là thể hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH với xã hội. Trường ĐH muốn nhận được sự tin tưởng của xã hội, của nhà đầu tư phải thể hiện được trách nhiệm giải trình thông qua kiểm định và xếp hạng.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng, từ câu chuyện xếp hạng ĐH trên thế giới, Việt Nam cũng nên tổ chức xếp hạng các trường ĐH trong nước. Tất nhiên, chúng ta không lấy đó là mục đích cuối cùng nhưng rõ ràng nếu có xếp hạng, các trường sẽ biết mình đang ở đâu. Quan trọng hơn là các trường sẽ nhận diện được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình để có những điều chỉnh phù hợp. Qua đó, nhằm củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT, đồng thời từng bước đáp ứng các chuẩn mực trong nước và quốc tế trong đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học.