Chung tay ngăn chặn hiện tượng học sinh đánh nhau

Chung tay ngăn chặn hiện tượng học sinh đánh nhau
(GD&TĐ) - Ngành Giáo dục- Đào tạo phải đẩy mạnh thi đua phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" để bên cạnh việc giáo dục về văn hóa còn trang bị kỹ năng sống cho học sinh; đồng thời tranh thủ sự đồng thuận của toàn xã hội đẩy lùi hiện tượng học sinh đánh nhau.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo: "Giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau" do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay tại Hà Nội. Đồng chí Phạm Vũ Luận Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có các đại diện của Bộ Công an; Bộ Lao động, Thương binh- Xã hội; Bộ Thông tin-Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao- Du lịch; TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; TƯ Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng đại diện của 30 Sở GD-ĐT trên cả nước.
Đi tìm nguyên nhân
Chủ tọa chương trình Hội thảo. Ảnh, gdtd.vn
Chủ tọa chương trình Hội thảo. Ảnh, gdtd.vn 
Báo cáo của ngành Giáo dục cho biết: từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, toàn quốc có khoảng trên 1598 vụ việc liên quan đến học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Nhà trường đã xử lý kỷ luật với nhiều hình thức: 881 HS bị khiển trách, 1558 HS bị cảnh cáo, 735 HS bị buộc thôi học có thời hạn từ 3 ngày đến 1 năm học.
Có rất nhiều con số thống kê cho thấy tình trạng học sinh đánh nhau đang nổi lên và có phần diễn biến phức tạp trong và ngoài nhà trường. Các vụ việc học sinh đánh nhau xảy ra nhiều hơn cả là các khu vực đông dân cư, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đồng thời hiện tượng này thường thấy ở các học sinh cuối cấp THCS và các lớp của cấp THPT. Đây là lứa tuổi mà cơ thể các em đang có sự phát triển mạnh mẽ, tâm sinh lý có nhiều sự biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết các mâu thuẫn trong sinh hoạt; và nhất là dễ bị bạn bè lôi kéo, rủ rê, kích động.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh đánh nhau có nhiều, nhưng tại hội thảo lần này có mấy nguyên nhân chính được đưa ra: thứ nhất là xuất phát từ chính bản thân các HS, trong nhiều yếu tố dẫn đến hiện tượng đánh nhau, về cơ bản vẫn là các em thiếu kỹ năng sống. 
Các nguyên nhân lớn khác dẫn tới hiện tượng này là từ hoàn cảnh gia đình, từ môi trường xã hội, môi trường giáo dục trong nhà trường...cũng như các nguyên nhân và các yếu tố khác nữa  cấu thành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh, gdtd.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh, gdtd.vn 
Hội thảo đã tập trung nghe các báo cáo tham luận đóng góp các giải pháp để giảm thiểu hiện tượng này, trong đó đáng chú ý là nhóm giải pháp của các trường học, các Sở giáo dục cho rằng: Cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho các em bằng các hoạt động tập thể sinh động, bổ ích. Bởi, các em HS hiện nay đầu tư quá nhiều thời gian cho việc học tập nên ít hoặc thậm chí không bao giờ tham gia các chương trình hoạt động tập thể; Chính các hoạt động này giúp cho các em hình thành kỹ năng sống.
Các trường tăng cường vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Các hoạt động thông tin nhiều chiều giữa gia đình, nhà trường cũng được đưa ra bàn thảo nhằm phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường quản lý học sinh; bên cạnh đó đây là cách tốt nhất để kịp thời góp ý, nhắc nhở các bậc phụ huynh có những suy nghĩ lệch lạc trong cách quan tâm, giáo dục con cái trong gia đình. 
Đại diện các ngành Công an,  VHTT-DL, TT- TT cho rằng: thắt chặt quản lý internet và các trò chơi điện tử, không để các em bị tiêm nhiễm, kích động bởi các trò chơi bạo lực sẽ làm giảm hiện tượng học sinh đánh nhau. Bên cạnh đó là phải đẩy mạnh đấu tranh chống các tai tệ nạn khác đã và đang có nguy cơ xâm nhập vào lối sống của các em. Đồng thời, các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục kỹ năng, nhân cách và văn hóa cho các em sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn được hiện tượng này....
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng điều kiện kinh tế xã hội trong những năm gần đây đã có những thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng tác động (cả hai mặt, tích cực và tiêu cực) đến hầu hết môi trường sinh hoạt và học tập của các em học sinh. Hiện tượng học sinh đánh nhau gần đây xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều đã để lại hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần không chỉ riêng đối với các em mà cho cả gia đình và cộng đồng.
Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài sự nỗ lực của ngành Giáo dục, cần có sự tham gia đồng bộ của các Ban, ngành, đoàn thể nhằm tạo ra các hoạt động vui chơi lành mạnh và môi trường trường học tập tích cực thu hút các em học sinh.
Năm học tới cần tập trung vào dạy kỹ năng sống
Phó thủ tướng nhận định: hai năm vừa qua sự phối hợp đồng bộ của ngành Giáo dục và văn hóa cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội PNVN đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; năm học tới, ngành Giáo dục cần phát huy hơn nữa những thành quả đó nhằm trang bị nhiều hơn nữa kỹ năng sống cho các em. Cụ thể:
Các trường có thể thí điểm triển khai bố trí từ 1 đến 2 giáo viên chuyên trách về dạy kỹ năng sống cho học sinh. Các giáo viên này có thể chọn ra từ đội ngũ giáo viên đang đảm trách các môn như giáo viên dạy đạo đức, Giáo dục công dân, thể thao quốc phòng... Bộ giáo dục cần có chương trình tập huấn các giáo viên dạy kỹ năng sống cho các trường.
Phó thủ tướng gợi mở: trong thời gian tới, ngành giáo dục cần tổ chức thí điểm biên chế "giáo viên tư vấn học sinh" trong các nhà trường. Phó thủ tướng minh họa: Phần Lan là nước có nền giáo dục phát triển cao, từ lâu đã có 3 đội ngũ giáo viên chuyên biệt là: giáo viên dạy chuyên môn, giáo viên tư vấn và giáo viên dạy các học sinh yếu kém. Liên hệ với thực tế hiện nay, ở tỉnh Tiền Giang đang thí điểm sáng kiến "Trung tâm hỗ trợ giáo dục ngoài giờ" tương tự như "phòng công tác HSSV" nhưng hoạt động hiệu quả hơn và chuyên về kỹ năng sống. Trung tâm này đã rất gần với loại hình giáo viên thứ 2, giáo viên tư vấn.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh, việc cần làm ngay là đầu năm học tới, ngành giáo dục cần mở ra sinh hoạt chuyên đề về: "nói không với hiện tượng học sinh đánh nhau"; trong đó phải thu hút được sự tham gia tích cực của gia đình, các ban, ngành, đoàn thể. Phía nhà trường phải thống kê được các đối tượng và tìm hiểu nguyên nhân tại sao dẫn đến hiện tượng học sinh đánh nhau để cùng đưa vào chuyên đề tìm hiểu các biện pháp giảm thiểu.
Phó thủ tướng cho rằng: Nhà trường, gia đình, dưới sự hỗ trợ các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa trò chơi điện tử; có thái độ cương quyết, không khuyến khích đối với các trò chơi điện tử có hành vi bạo lực trong thanh thiếu niên ở Việt Nam. Ngoài ra, phải gắn việc đấu tranh phòng, chống hiện tượng học sinh đánh nhau với cuộc vận động phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội trong trường học để có được hiệu quả tổng hợp và sức lan tỏa mạnh mẽ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng các ý kiến tham luận của các đại biểu tại cuộc hội thảo và chỉ ra 4 nhóm giải pháp lớn để trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch đẩy lùi hiện tượng học sinh đánh nhau.
Đầu tiên, khi xây dựng cuộc vận động chống hiện tượng học sinh đánh nhau phải gắn với các cuộc vận động khác như chống ma túy và tệ nạn xã hội trong học đường, phong trào chống phổ biến các văn hóa phẩm đồi trụy để tranh thủ sự hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động.
Trong phạm vi nhà trường phải gắn với phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; rộng hơn nữa trong xã hội, các giáo viên, cán bộ của ngành GD-ĐT khi thực hiện chương trình này phải gắn với cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mới mong có được cơ sở để xây dựng phong trào chống hiện tượng học sinh đánh nhau một cách rộng khắp.
Trong quá trình triển khai, cần có sự tham gia của tất cả các lực lượng trong xã hội mà ngành chủ công vẫn là ngành Giáo dục, lực lượng Công an phối hợp với Bộ LĐTB- XH, Bộ VHTT-DL, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội PNVN, Hội CCB, Hội Người cao tuổi...
Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thành bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống, đồng thời đang tập huấn cho trên 300 giáo viên nòng cốt dạy kỹ năng sống cho các địa phương trong cả nước. Những sáng kiến, các mô hình tiên tiến về giáo dục kỹ năng của các địa phương, các trường trong cả nước sẽ được Bộ nghiên cứu, để nhân rộng trong cả nước.
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.