Cần chấn chỉnh ngay dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”
Liên tiếp các vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội như: mất an toàn trong trường học; bạo hành trẻ; giáo viên xử lý tình huống sư phạm thiếu kinh nghiệm; phụ huynh hành hung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo... xảy ra trong trường học gần đây. Có người cho rằng, những hiện tượng đó cảnh báo một lỗi mang tính hệ thống, trở thành xu thế đang lan rộng, ông thấy sao?
Tôi chỉ đồng ý một nửa với nhận định trên. Việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên trong trường học của chúng ta dường như chưa được coi trọng đúng mức cần thiết. Tuy nhiên, nói các hiện tượng tiêu cực đang lan rộng thành xu thế thì tôi không hoàn toàn tán đồng.
Phải thấy rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta có hàng chục triệu giáo viên, học sinh; những vụ việc diễn ra là con sâu làm rầu nồi canh. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng nhắc nhở chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống, kĩ năng trong trường học.
Bộ GD&ĐT đang nhanh chóng xây dựng quy chế ứng xử trong trường học. Theo ông, việc làm này có làm kịp thời?
Thực ra, có một đặc điểm chung của việc ban hành văn bản quản lý của chúng ta, không chỉ riêng ngành Giáo dục, đó là: văn bản quản lý thường ban hành chậm và đi sau thực tế cuộc sống. Đây cũng là khách quan vì luôn có độ trễ nhất định trong việc ban hành chính sách.
Việc Bộ GD&ĐT quyết định ban hành quy chế ứng xử trong trường học trong bối cảnh hiện nay, tôi cho là cũng đúng lúc và cần thiết.
Sau các sự việc xảy ra, có người cho rằng, nghề giáo là nghề nguy hiểm, ông nghĩ sao?
Mỗi nghề đều có đặc thù riêng, nghề nào cũng được cho là có yếu tố “nguy hiểm” nhất định. Nhưng, trong trường hợp này, chúng ta thấy hơi bất bình thường ở chỗ, trường học vốn được cho là môi trường an toàn, thân thiện, thì gần đây lại có vẻ không an toàn nữa.
Hệ thống giáo dục của ta phải nói là tốt, có nhiều đóng góp; nhưng từ những hiện tượng mặt trái không mong muốn, dù chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm hơn để có giải pháp chấn chỉnh, làm sao để môi trường trường học đúng là môi trường an toàn, thân thiện; thầy cô và học sinh đúng là mối quan hệ đẹp trong xã hội, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý của chúng ta từ trước đến nay.
Với sự thay đổi nhanh chóng trong tư duy, nhận thức về giáo dục, theo ông, người thầy nên xác lập vị trí như thế nào cho hợp lý?
Tôi cho rằng, có 2 khía cạnh: Một là liên quan đến kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của thầy cô và hai là quan hệ thầy trò. Hiện nhiều thầy cô vẫn bị ảnh hưởng bởi phương pháp cũ là truyền thụ kiến thức một chiều, tạo thành hệ quả về mặt ứng xử: thầy cô nói học trò phải nghe mang tính áp đặt.
Nhưng giờ học sinh lại không như trước. Các em có rất nhiều thông tin, học sinh có yêu cầu riêng của mình, có quyền riêng đã được pháp luật công nhận và cho phép.
Có thể thấy, ngay trong gia đình, hiện nay bố mẹ muốn yêu cầu con một điều gì đó nhiều khi đã không dễ dàng, đặc biệt với lứa tuổi THCS, THPT; phụ huynh không thể áp đặt ý muốn của mình mà phải xem con mong muốn gì, suy nghĩ ra sao...
Trong nhà trường cũng vậy, không thể thầy cô mãi là truyền đạt, yêu cầu một chiều theo truyền thống. Truyền thống đó đã không phù hợp và yêu cầu nhà trường, thầy cô phải đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo dục, cũng như quản lý học sinh.
Không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm cho ngành Giáo dục
Có một thực tế là dường như tất cả những vấn đề xảy ra trong nhà trường, liên quan đến giáo viên, học sinh, dư luận đều có xu hướng “đổ lỗi” cho giáo dục. Theo ông cách nhìn này có khách quan không?
Rõ ràng, trách nhiệm của ngành Giáo dục trong vấn đề này là không thể chối bỏ. Tuy nhiên, nếu đổ hoàn toàn trách nhiệm cho ngành Giáo dục là không đúng. Bởi vì, hoạt động của nhà trường, mối quan hệ trong trường học là tổng hòa các mối quan hệ trong xã hội, từ quan hệ học sinh với thầy cô, cán bộ quản lý với giáo viên, cán bộ quản lý với học sinh, phụ huynh với thầy cô giáo, với nhà trường...
Cũng cần biết rằng, theo quy định, quản lý hệ thống THCS trở xuống giao trách nhiệm, phân cấp cho UBND cấp quận/huyện.
Ở đây rõ ràng có sự phối kết hợp của nhiều đối tượng, nhiều chủ thể, nhiều cơ quan quản lý khác nhau, từ chính quyền địa phương, ngành Giáo dục, các tổ chức đoàn thể xã hội đều có tác động. Tuy nhiên, không thể phủ nhận trách nhiệm chủ đạo của ngành Giáo dục.
Ông nhấn mạnh vai trò của ngành Giáo dục, nhưng trên thực tế, ngành Giáo dục không có quyền tuyển dụng, sử dụng giáo viên; trong khi đội ngũ là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục?
Tôi cho đây là một bất cập thực tế đang diễn ra. Như đã trao đổi ở trên, chúng ta có phân cấp quản lý giáo dục. Các trường thuộc hệ thống từ bậc học THCS trở xuống thì giao trách nhiệm cho UBND cấp quận/huyện quản lý, quản lý cả 2 nguồn lực của ngành Giáo dục, đó là con người và cơ sở vật chất.
Về con người, ngành Giáo dục không có quyền tuyển dụng, bổ nhiệm; cơ sở vật chất cũng do UBND đầu tư xây dựng sửa chữa. Ngành Giáo dục chỉ quản về mặt chuyên môn theo ngành dọc.
Rõ ràng là với cơ chế phối hợp như vậy thì ngành Giáo dục không được chủ động trong việc tổ chức hoạt động của mình. Đây là bất cập đang diễn ra trong thực tế, cần quan tâm nghiên cứu, có cơ chế, phương thức thế nào đó để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với hoạt động của ngành Giáo dục.
Bộ Nội vụ công bố dự thảo về việc hoàn thiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, Sở GD&ĐT là một trong các sở, ngành giao cho địa phương quyết định hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp lại theo từng tình hình. Ông nhận định về dự thảo này như thế nào?
Đây là thông tin mà chúng tôi nghe cũng hơi buồn, mặc dù mới là dự thảo. Chúng ta coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, điều này được khẳng định liên tục qua Nghị quyết Đảng nhiều kỳ đại hội, nhiều thời gian khác nhau. Đây là một chủ trương rất nhất quán của Đảng ta. Quan điểm GD-ĐT là quốc sách hàng đầu được thể chế hóa trong Luật, trong Hiến pháp; chúng ta có luật riêng về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp...
Thực tế đây không phải là quan điểm về chủ trương mà còn là yêu cầu về thực tiễn. Bởi giáo dục có trách nhiệm tạo ra sản phẩm hết sức đặc biệt, đó là đội ngũ lao động, nguồn nhân lực, thế hệ công dân trong tương lai. Nếu coi nhẹ vai trò của giáo dục, chúng ta không thể kỳ vọng có thế hệ công dân tốt, một lực lượng lao động tốt trong tương lai.
Quan điểm coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu còn được thể chế hóa qua các chủ trương khác của chúng ta. Như ngành Giáo dục cùng với Khoa học công nghệ là hai lĩnh vực hoạt động duy nhất được quy định tỷ lệ chi trong ngân sách, được xác định trong luật. Giáo dục được dành 20% ngân sách chi thường xuyên – 1/5 ngân sách quốc gia, nguồn chi rất lớn.
Ở đây, cách thức quản lý dẫn đến tổ chức hoạt động, dẫn đến kết quả của hoạt động đó. Nếu không coi trọng đúng mức giáo dục, không có một cơ quan quản lý chuyên biệt về giáo dục ở mỗi một cấp hành chính thì rõ ràng sự phối kết hợp, chỉ đạo không nhất quán, không thường xuyên. Giờ có cơ quan chuyên trách về giáo dục ở địa phương, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề giáo dục; nếu không có cơ quan chuyên trách, liệu kết quả sẽ còn như thế nào, đó là câu hỏi cần đặt ra.
- Xin cảm ơn ông!