Chung sức với tuyến đầu chống dịch

Chung sức với tuyến đầu chống dịch

Tỷ lệ đi học trở lại khá cao cho thấy sự đồng thuận lớn từ chính quyền, nhà trường và phụ huynh, học sinh. “Được gặp thầy cô, bạn bè, được chia sẻ những bài học thú vị… hạnh phúc biết bao”, nhiều em cho biết.

Để có được niềm vui trở lại cuộc sống học đường bình thường, biết bao công sức của cán bộ và nhân dân cả nước đã bỏ ra trong trận chiến phòng chống dịch. Trong đó, có sự đóng góp của thầy và trò từ các trường học trên cả nước.

Không ở tuyến đầu chống dịch nhưng thời gian qua, mỗi đơn vị trường học, tùy vào điều kiện, năng lực của mình, không chỉ nỗ lực dạy học từ xa mà còn làm tốt công tác hậu phương. Thầy trò các trường ĐH Y như Hà Nội, TPHCM, Phạm Ngọc Thạch... đã tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch ở các trung tâm kiểm soát bệnh tật. Giảng viên, sinh viên các trường đại học như: Tôn Đức Thắng, Lạc Hồng, Tây Nguyên, Kiên Giang, Quốc tế (ĐHQG TPHCM)… vào cuộc nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm như nước rửa tay diệt khuẩn, buồng khử khuẩn, máy rửa tay tự động, robot diệt khuẩn… đưa vào phục vụ cộng đồng.

Ở khối phổ thông, các giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tận tay gói hàng trăm bánh chưng tiếp sức cho các chốt kiểm soát phòng chống dịch; Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum) may khẩu trang tặng bà con dân bản, tự nguyện đóng góp kinh phí mua nước uống đóng chai tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại chốt liên ngành phòng chống dịch.

Tinh thần sẻ chia cùng tuyến đầu chống dịch của đội ngũ thầy cô và các anh chị lớp trên đã lan tỏa những tác động tích cực đến những học trò tuổi nhỏ. Không chỉ viết thư, vẽ tranh động viên lực lượng y, bác sĩ, chiến sĩ trên tuyến đầu, học sinh tiểu học, THCS, thậm chí cả mầm non ở nhiều nơi dành tặng heo đất tiết kiệm phục vụ mặt trận chống dịch. Ở Bình Phước, có em Trần Đức Phương và Bùi Lê ThảoVy, học lớp 9 ở thôn Tân Hiệp, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng; Quảng Nam có học sinh Nguyễn Xuân Hiền lớp 6/3, Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Đại Phong, Đại Lộc); Đăk Song, Đăk Nông có học sinh Chu Ngọc Hân (lớp 6D, Trường THCS NguyễnTrãi) và Chu Trí Nhân (lớp 2A, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh)… chuyển đến mặt trận chống dịch những đồng tiền dành dụm được từ quà sáng, lì xì, học bổng… Và nhiều, nhiều em học sinh tặng heo đất chống dịch như thế, ở TPHCM, Hà Tĩnh, Đồng Nai…

Những sản phẩm nghiên cứu thiết thực, chiếc bánh chưng, chai nước hay con heo đất nghĩa tình… của thầy và trò đã đi vào cuộc chiến chống Covid-19 không chỉ như một lời cảm ơn chân thành nhất gửi đến tuyến đầu, mà còn hiện thực hóa những bài học về sẻ chia trong cuộc sống.

Rồi ngày mai, ngày kia, với sự nỗ lực của cả nước, sẽ có thêm nhiều học sinh, sinh viên ở trường học khác được đến trường. Cuộc sống dần trở lại nhịp điệu bình thường, nhưng cuộc chiến chống dịch vẫn chưa dừng lại. Cho trọn vẹn những ngày vui, song hành với dạy tốt, học tốt, thầy và trò còn phải tiếp tục bảo đảm an toàn vệ sinh học đường và làm tốt hơn nữa công tác hậu phương chống dịch như những ngày qua. 

“Hơn lúc nào hết, bối cảnh khó khăn của mùa dịch bệnh trở thành môi trường giáo dục trải nghiệm tốt nhất cho giáo viên và học sinh, sinh viên thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh và lòng nhân ái của mình. Chưa đủ lực để làm hậu phương về vật chất nhưng chắc chắn, trường học phải là hậu phương tinh thần số một cho tuyến đầu chống dịch, lan tỏa tốt nhất tinh thần sẻ chia, nhân ái và lòng biết ơn”, một hiệu trưởng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.