Chung sức khắc phục tình trạng HS bỏ học

Chung sức khắc phục tình trạng HS bỏ học

(GD&TĐ) - Theo thống kê hàng năm, tỷ lệ HS bỏ học nhiều nhất vào thời gian sơ kết học kỳ I cùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán chiếm khoảng 30% trong tổng số HS bỏ học của cả năm. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện cho con em đi học hoặc không có điều kiện quan tâm, chăm sóc việc học hành, một số phải bỏ học sớm tham gia lao động, hoặc những HS có học lực quá yếu, kém...

Theo số liệu trong Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010-2011 của các Sở GD-ĐT vừa qua thì tỉ lệ HS bỏ học ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó HS bỏ học cao là Long An, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Còn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng bỏ học nhiều vẫn tập trung chủ yếu tại những vùng đặc biệt khó khăn của một số tỉnh như: Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang... 

Theo dõi tình hình HS bỏ học trong vài năm gần đây, thấy rằng trong một năm học có 2 đợt HS bỏ học nhiều nhất, đó là vào dịp sau nghỉ hè và dịp sơ kết học kỳ I cùng với nghỉ Tết Nguyên đán. Theo số liệu thống kê tại Hội nghị giao ban lần thứ nhất vừa qua của các vùng, tỷ lệ HS bỏ học nhiều nhất trong những năm qua vẫn là các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, trong đó HS ở bậc tiểu học 0,34%, THCS 2,28% và THPT là 3,53%, trong đó HS bỏ học cao nhất là các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn tập trung chủ yếu vẫn ở các huyện nghèo như: Nà Tầu, Mùn Chung, Mường Luân, Chà Giang, Mường (Điện Biên), Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai (Lào Cai).

Còn ở các tỉnh Bắc Trung Bộ tuy chưa có số liệu cụ thể, nhưng theo dự đoán do trong năm có nhiều thiên tai nặng nề, lũ chồng lên lũ khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo đói nên nguy cơ HS bỏ học ở khu vực này sẽ tăng lên là điều khó tránh khỏi... Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng HS bỏ học được xác định là bởi điều kiện kinh tế khó khăn, sức học hạn chế; ở một số vùng sâu vùng xa, còn có nguyên nhân không nhỏ là do địa bàn cách trở, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là với những em HS tiểu học... Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, các ảnh hưởng của xã hội, bạn bè lôi kéo...

Nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng HS bỏ học, trách nhiệm trước hết đương nhiên thuộc về ngành GD, với sự hỗ trợ của Đảng uỷ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trong xã hội, bên cạnh sự nỗ lực không thể thiếu của chính gia đình các em HS bỏ học.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp (Trưởng vùng thi đua vùng 6), ngay từ đầu năm học 2010 - 2011, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có sáng kiến hỗ trợ kịp thời để HS nghèo đến trường, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng, vận động HS bỏ học đi học trở lại, đồng thời có nhiều biện pháp để hỗ trợ các địa phương khó khăn và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, chăm lo HS yếu kém để các em theo kịp chương trình...

Ngoài ra, một số Sở GD-ĐT bằng nhiều cách hỗ trợ các HS nghèo, gặp khó khăn như miễn giảm tiền học phí nên đã vận động được nhiều HS bỏ học quay trở lại trường. Bên cạnh đó, nhiều Sở GD–ĐT khác trong vùng cũng đã tổ chức một số giải pháp khác như: phân loại HS, bàn giao chất lượng HS từ lớp dưới lên lớp trên, từ cấp dưới lên cấp cao hơn để nắm bắt chất lượng HS, tổ chức giảng dạy nhằm chống HS bỏ học...

Nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng HS bỏ học, trách nhiệm trước hết đương nhiên thuộc về ngành GD, với sự hỗ trợ của Đảng uỷ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trong xã hội, bên cạnh sự nỗ lực không thể thiếu của chính gia đình các em HS bỏ học
Nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng HS bỏ học, trách nhiệm trước hết đương nhiên thuộc về ngành GD, với sự hỗ trợ của Đảng uỷ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trong xã hội, bên cạnh sự nỗ lực không thể thiếu của chính gia đình các em HS bỏ học

Ông Liêu Thành Công, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết, các khối lớp 9, 10, 11 có tỉ lệ HS bỏ học cao hơn các khối khác. Có thể có những nguyên nhân mới dẫn đến tình trạng HS bỏ học, như hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nhưng một số HS THPT lại có nhu cầu khá lớn về vật chất tiêu dùng cá nhân; phần còn do tác động từ người thân, bạn bè rủ rê đi làm ở các KCN dễ có tiền may quần áo mới, sắm ĐTDĐ, xe máy nên các em bỏ học đi làm.

Mặt khác, sau Tết, nhiều xí nghiệp thiếu lao động phổ thông nên tuyển cả lao động là HS chưa qua THPT, chưa được đào tạo nghề. Để ngăn chặn tình trạng HS bỏ học từ nay đến hết năm học, kinh nghiệm cho thấy các trường và các cấp quản lý GD phải căn cứ vào đặc điểm hoàn cảnh của từng địa phương, từng trường để chủ động đề ra giải pháp cụ thể, sát hợp. Mỗi GV phải nhận thức được sâu sắc trách nhiệm của mình.

Quan tâm hơn đến tuyên truyền và tìm biện pháp giúp đỡ khi kết quả học tập của HS còn yếu (chẳng hạn cho HS có điểm dưới trung bình ở học kỳ 1 được nợ điểm, treo điểm để có cơ hội phấn đấu tiếp trong học kỳ 2 và đến cuối năm có thể hoàn thành được yêu cầu). GV chủ nhiệm phải nắm bắt và báo cáo kịp thời diễn biến hoàn cảnh của HS để nhà trường, địa phương giúp các em có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế (như trợ giúp học phí, tiền mua sách giáo khoa và các khoản đóng góp khác hoặc trợ cấp thiếu ăn cho các em HS nhà nghèo có nguy cơ bỏ học...).

Ngoài ra, các cấp chính quyền cũng cần phải có những chỉ đạo sát sao và cụ thể đối với việc ngăn chặn HS bỏ học, thu hút HS bỏ học vào học nghề hoặc được tiếp tục học tập ở các trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng, tránh tình trạng để HS bỏ học chơi bời lêu lổng, sa ngã vào tệ nạn xã hội...

Ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo khảo sát của Bộ GD&ĐT cho thấy các tỉnh miền núi phía Bắc cũng là những khu vực tỷ lệ HS bỏ học cao kể từ đầu năm học đến nay ở một số huyện nghèo như: Nà Tấu, Mùn Chung, Mường Luân, Chà Cang, Mường Nhé (tỉnh Điện Biên); Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai (Lào Cai)...

Ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán vừa qua là thời điểm quan trọng nhất của năm học. Để đối phó với tình trạng HS bỏ học, Lào Cai đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đoàn thể nhằm tuyên truyền và vận động HS trở lại lớp. HS bán trú các xã vùng biên được bộ đội biên phòng hỗ trợ lương thực thực phẩm bằng cách trồng rau, tăng gia sản xuất. Đồng thời chúng tôi cũng phát động phong trào “Hũ gạo tình thương” nhằm hỗ trợ những HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn. Với những HS có học lực yếu, kém, GV bộ môn phải có trách nhiệm kèm cặp các em và có trách nhiệm để HS đến trường. Không để HS nào bỏ học vì học lực kém. Do vậy tình trạng HS bỏ học của toàn tỉnh đã giảm hẳn so với năm trước...”.

Với những vùng bị ảnh hưởng trong đợt lũ vừa qua, nhiều tỉnh đã có những sáng kiến kịp thời để đưa HS ra lớp đủ. Ông Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết, Sở đã chỉ đạo tới từng điểm trường, đặc biệt là những trường nằm trong vùng thiệt hại về lũ nặng.

Cụ thể, GV phải kịp thời nắm bắt hoàn cảnh của từng HS mình để có những đề xuất phù hợp. Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, phải báo cáo kịp thời để Sở cũng như địa phương có thể hỗ trợ kịp thời. Nếu HS thiếu sách sẽ được cấp sách, thiếu học phí sẽ được hỗ trợ học phí hay vì đói mà bỏ học thì sẽ được hỗ trợ lương thực...

 Để ngăn chặn kịp thời tình trạng HS bỏ học từ nay đến hết năm học 2010 - 2011, cần phải có những biện pháp đồng bộ, hiệu quả từ nhiều cấp, nhiều ngành là rất cần thiết, trong đó ngành GD phải luôn đóng vai trò then chốt, trọng tâm. Đây là một việc làm cần huy động sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận của toàn xã hội chứ không thể là trách nhiệm riêng của ngành GD mà lâu nay không ít người vẫn nghĩ.

Nguyễn Trung Quân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.