'Chung' sổ đỏ với trường, nhiều giáo viên ở Đắk Nông có nguy cơ mất nhà

GD&TĐ - Hồi tưởng lại quá khứ về ước mong lập làng giáo viên để chia ngọt, sẻ bùi, người dân ở đây không khỏi rưng rưng nước mắt vì mối lo mất nhà.

Toàn cảnh khu vực đất 21 hộ giáo viên nằm trong 'sổ đỏ' Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Ảnh: TT
Toàn cảnh khu vực đất 21 hộ giáo viên nằm trong 'sổ đỏ' Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Ảnh: TT

Được cấp đất từ thời chưa tách tỉnh, giờ đây, 21 hộ dân là giáo viên đối diện nguy cơ mất nhà vì toàn bộ diện tích đất của họ đang nằm trong “sổ đỏ” của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, xã Nam Dong, huyện Cư Jut (Đắk Nông).

Xin đất “lập làng” giáo viên

Hồ sơ vụ việc bà Hồ Thị Hòa (55 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong) và 20 hộ dân khác (cũng là giáo viên) gửi cho phóng viên Báo GD&TĐ là những tờ giấy viết tay có xác nhận của nhà trường, chính quyền địa phương cách đây hơn 1/4 thế kỷ.

Giấy tờ đất của bà Hồ Thị Hòa gồm 3 tờ giấy đôi, ố vàng dù được giữ gìn cẩn thận. Bà Hòa nói rằng đó là minh chứng duy nhất cho tính pháp lý về căn nhà và đất của gia đình mình và 20 hộ đã từng xin đất, khai hoang để dựng nhà từ 31 năm về trước.

Năm 1987, do gia cảnh ở Nghệ An gặp khó khăn, bà Hồ Thị Hòa theo người chú vào huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) để làm rẫy. Sau đó theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Năm 1989, bà Hòa tốt nghiệp, được tỉnh Đắk Lắk cử về dạy tại Trường PTCS Nam Dong (nay là Trường Tiểu học Lê Hồng Phong - PV).

“Năm đó, có 12 giáo viên trẻ được cử về, sống chung với các hộ dân trên địa bàn. Ngày đi dạy, lúc rảnh phụ giúp người dân sản xuất nông nghiệp. Không chỉ thầy cô giáo mà cả người dân, phụ huynh gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn giữa chốn rừng thiêng nước độc lúc bấy giờ”, bà Hòa nghẹn ngào nhớ lại.

Đến năm 1992, sau khi lập gia đình, sinh con, bà Hòa làm đơn lên UBND xã Nam Dong xin cấp một mảnh đất để khai hoang dựng nhà, làm thêm hoa màu cải thiện cuộc sống.

“Thực tế, gia đình tôi được UBND xã cấp một lô đất, diện tích 1.000 m2, sát trường Nam Dong. Năm 1994, do khó khăn, tôi còn làm đơn xin xã chứng thực diện tích đất nêu trên để làm khế ước và được ngân hàng cho vay 10 triệu đồng”, run run chỉ vào các chứng từ còn lưu giữ như báu vật, bà Hòa kể.

Chung cảnh ngộ, năm 1992, bà Lê Thị Bốn (58 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hà (65 tuổi), đều là giáo viên Trường PTCS Nam Dong (nay đã nghỉ hưu - PV) cũng làm đơn và được Chủ tịch UBND xã Nam Dong phê “căn cứ vào quy hoạch đất nhà trường, vậy cô Nguyễn Thị Hà (và cô Lê Thị Bốn) có gia đình, cấp 1.000 m2 đất”.

Hồi tưởng lại quá khứ về ước mong lập làng giáo viên để chia ngọt, sẻ bùi, người dân ở đây không khỏi rưng rưng nước mắt vì mối lo mất nhà.

“Năm 1995, rất nhiều giáo viên trẻ về giảng dạy ở trường, trong khi nhà tập thể quá chật chội. Từ 3 giáo viên ban đầu được UBND xã cấp đất, chia nhỏ thành nhiều lô san bớt cho các thầy cô giáo dựng nhà để lập làng giáo viên Nam Dong”, bà Hà nhớ lại.

Các cô giáo trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ. Ảnh: MP

Các cô giáo trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ. Ảnh: MP

Thấp thỏm chờ xin ý kiến các cấp vì vướng luật

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2001, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đóng tại thôn 6, xã Nam Dong, huyện Cư Jut (tỉnh Đắk Nông) được UBND tỉnh Đắk Lắk (chưa tách tỉnh Đắk Nông - PV) cấp “sổ đỏ”. Sổ này bao gồm toàn bộ diện tích đất có nhà của 21 hộ giáo viên.

Ông Đỗ Văn Tuyến, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng TN&MT huyện Cư Jut cho biết, sự việc nhà đất của 21 giáo viên đã xảy ra nhiều năm, trải qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo, nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm.

Ngày 18/11/2021, Phòng TN&MT huyện Cư Jut đã có văn bản trả lời các giáo viên về việc đã xác minh nguồn gốc đất và yêu cầu họ chuyển đi.

Văn bản nêu: UBND xã Nam Dong đã có báo cáo nêu rõ, các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất là mượn đất của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Việc xác nhận trong các giấy tờ của các hộ nói trên là chủ trương cấp ở vị trí khác. Toàn bộ diện tích đất của các hộ giáo viên đang ở đã cấp sổ đỏ cho nhà trường.

Còn theo người dân, thời bấy giờ đất đai bao la, vì nhu cầu có nhà ở để ổn định cuộc sống và thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học nên họ xin đất ở trường, dựng nhà. Đất còn lại cải tạo thành mảnh vườn nhỏ trồng rau cải thiện cuộc sống.

Khu vực nhà ở của các giáo viên. Ảnh: TT

Khu vực nhà ở của các giáo viên. Ảnh: TT

Nay nguy cơ bị thu hồi đất của họ đã hiện hữu. Không giấu được nỗi lo bị thu hồi đất, một người dân vốn là giáo viên tâm sự: “21 người chúng tôi, có nhiều người cống hiến trong ngành Giáo dục hơn 30 năm, nhiều người đã mất, nhiều người đã nghỉ hưu, bị bệnh nan y… Nếu bị thu hồi căn nhà duy nhất, tuổi già chúng tôi biết nương tựa vào đâu?”.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND huyện Cư Jut cho biết: Đau đáu về việc xử lý đất cho các giáo viên, nhưng vướng luật. Lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu Thanh tra Sở TN&MT phối hợp với huyện xác minh, có hướng giải quyết thấu tình, đạt lý cho các giáo viên.

“Tôi đã yêu cầu Phòng TN&MT rà soát lại toàn bộ nguồn gốc đất, quá trình sang nhượng để báo cáo tỉnh có phương án giải quyết, vì đất cấp cho tổ chức (nhà trường) thuộc thẩm quyền của tỉnh”, Chủ tịch UBND huyện Cư Jut nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 10 Âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 10 Âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.