Chứng kiến bố mẹ ly hôn tranh chấp tài sản và chì chiết nhau trên tòa, cô bé 15 tuổi bật khóc nói một câu khiến thẩm phán đau lòng

GD&TĐ - Trước khi triệu tập, thẩm phán đã đề nghị không nên mang theo người thân hoặc con cái lên tòa, nhưng họ vẫn bất chấp làm điều ngược lại. Cuối cùng, cô bé 15 tuổi đã chứng kiến điều mình không nên thấy.

Chứng kiến bố mẹ ly hôn tranh chấp tài sản và chì chiết nhau trên tòa, cô bé 15 tuổi bật khóc nói một câu khiến thẩm phán đau lòng

"Không có bữa tiệc nào mà không tàn, hữu duyên vô phận là chuyện thường tình nhưng không thể vô tình vô nghĩa. Quá khứ là điều không thể thay đổi, không cần phải làm rõ ai đúng ai sai. Duyên phận kết thúc thì cũng là lúc buông bỏ cho đối phương và cho chính mình".

Đây là đoạn văn được thẩm phán Phùng Vỹ Cường tại tòa án dân sự Lâm An, Chiết Giang, Trung Quốc viết cho một cặp vợ chồng ly dị. Họ đã lên tòa vì tranh chấp tài sản sau khi ly hôn, thậm chí từ mặt nhau và không ngừng chỉ trích đối phương ngay trước mặt con gái. Vị thẩm phán sau khi giải quyết vụ này đã chia sẻ bài viết trên trang web của Tòa án Hàng Châu và được nhiều cư dân mạng chia sẻ.

Lý do tại sao thẩm phán lại viết ra những lời này, bởi vì trong lúc hai người không ngừng chỉ trích đối phương thì ánh mắt của đứa con gái 15 tuổi đã khiến vị thẩm phán động lòng.

Cặp vợ chồng được giấu tên, sống ở Hàng Châu, Trung Quốc đều sinh vào những năm 1970. Họ quen biết nhau thông qua sự giới thiệu của bạn bè, sau đó yêu nhau và đi đến hôn nhân gần 20 năm. Từng ngày trôi qua, sự đam mê và lãng mạn dần mất đi khi cả hai bắt đầu tranh luận về một số vấn đề nhỏ nhặt trong gia đình, cơm áo gạo tiền đã chia cắt tình cảm của họ.

Do sự khác biệt về cách sống và quan điểm ngày càng lớn hơn, hai vợ chồng đều cảm thấy họ bị đối phương đối xử tệ bạc. Từ việc cãi nhau rất lớn đến lúc cả hai chẳng buồn nói thêm lời nào và dần dần trở thành chiến tranh lạnh.

Đầu năm nay, cả hai quyết định ly hôn và gửi đơn lên tòa án. Tòa nhận thấy cả hai không còn tình cảm và phán quyết họ chính thức "đường ai nấy đi". Đứa con gái 15 tuổi được giao cho người mẹ nuôi dưỡng, người cha đồng ý chu cấp 500 nhân dân tệ (gần 1,7 triệu đồng) mỗi tháng và chịu nửa chi phí ăn học.

Còn lại, chi phi y tế, căn nhà đứng tên 2 người sẽ thuộc về người phụ nữ, và cô ta phải trả lại 310.000 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ đồng) cho người đàn ông. Sau khi phán quyết của tòa án được đưa ra, người vợ đã không chi trả một đồng nào, người chồng nhiều lần yêu cầu nhưng không có kết quả. Anh lại tiếp tục đưa vụ việc lên tòa án và thẩm phán phải vào cuộc triệu tập cả hai.

Sau khi nhận được thông tin, thẩm phán Phùng Vỹ Cường đã liên tiếp gọi điện thoại cho người phụ nữ và yêu cầu thi hành đúng phán quyết được đưa ra. Tuy nhiên, người phụ nữ tiếp nhận câu chuyện với thái độ lạnh nhạt, thờ ơ. Cô nói, cuộc sống đang khó khăn, một mình cô phải nuôi con, công việc hiện tại không kiếm được nhiều tiền nên không thể chi trả.

Thẩm phán Phùng cho biết, ông từng làm việc tại tòa dân sự ở An Huy nhiều năm và xử lý rất nhiều vụ kiện tụng gia đình. Đối với trường hợp này, ông cho biết cách duy nhất chính làm trung gian hòa giải.

Lần đầu tiên vị thẩm phán gặp người phụ nữ và nói chuyện, ông cố gắng thuyết phục cô tìm cách kiếm tiền và nói rằng nếu cô không trả, tòa buộc phải lấy tài sản của cô. Sau đó ông cũng tìm người đàn ông để đưa ra những phương án hợp lý.

Hơn 20 ngày, thẩm phán đã liên tục gọi điện thoại triệu tập cả hai, cuối cùng họ cũng đồng ý đến tòa hòa giải. Sợ diễn biến trên tòa phức tạp, thẩm phán đề nghị không dẫn theo người thân hay con cái. Tuy nhiên, bất chấp sự can ngăn của ông, người phụ nữ vẫn dẫn theo đứa con gái 15 tuổi lên tòa và không ngừng chỉ trích chồng cũ. 

Sau đó, cô đột nhiên yêu cầu người chồng đưa sổ hộ khẩu cho mình. Người chồng nói: "Cô cần sổ hộ khẩu làm gì?", người phụ nữ đáp: "Con cần đi trại hè, tôi phải đăng ký cho nó". Người đàn ông từ chối mà không nghĩ về vấn đề vợ cũ đang nói: "Không, cô đừng lấy hộ khẩu rồi bí mật thay đổi thông tin đăng ký. Tôi không tin cô".

Ngay lập tức, người phụ nữ không kiềm được sự tức giận đã ném bút và nâng giọng: "Anh không tin tôi? Tôi đã bỏ bao nhiêu thứ cho cái gia đình này, tôi đang làm việc là vì ai?". Người đàn ông lạnh lùng vẫy tay: "Thôi, đừng có mà kể công". Người phụ nữ tiếp tuc: "Tôi biết là tôi xấu xí, tôi mập, anh không thể chấp nhận chứ gì?", người đàn ông cũng không vừa: "Đừng nói những điều vô nghĩa. Là do cô không tốt, tôi chịu đựng hết nổi rồi".

Họ đã tranh cãi không hồi kết và động tay động chân. Sau khi cảnh sát đứng ra can thiệp, người phụ nữ tiếp tục không giữ được bình tĩnh và cắn một nhân viên cảnh sát. Lúc này, một nhân viên khác nhanh chóng khóa tay người phụ nữ.

Trong khung cảnh hỗn loạn, đứa con 15 tuổi đột nhiên đứng dậy và chạy đến phụ nữ kia ra và nói: "Đừng đẩy mẹ con, đừng đánh bà ấy". Thẩm phán nhanh chóng an ủi: "Chúng tôi sẽ không làm gì tổn hại đến mẹ cháu, chúng tôi cần đưa cô ấy đến chỗ khác để lấy lại bình tĩnh". Cô bé 15 tuổi nước mắt lưng tròng nhìn vào thẩm phán không nói nên lời. Sau đó, người phụ nữ được đưa ra khỏi tòa, cô bé ngồi xuống và khóc.

Thẩm phán đã đến gần, cô bé ngước lên và nói: "Ngày trước lúc bố mẹ còn cãi nhau, họ vẫn ở chung nhà. Sau này họ không cãi nhau nữa, nhà của cháu cũng không còn". Thẩm phán Phùng cho biết: "Cô bé đó đã khóc một lúc, nhưng vẫn hiểu được công việc của chúng tôi". Bản thân thẩm phán cũng là người cha, nên ông hiểu được sự tan vỡ trong hôn nhân có ảnh hưởng to lớn như thế nào trong lòng cô bé. Vì vậy, ông đã từng ngăn cản cặp vợ chồng kia không được đem con đến tòa án.

Trong bài viết của thẩm phán, ông cho biết người phụ nữ kia cuối cùng bị giam giữ 15 ngày vì có hành vi cản trở nghiêm trọng đến việc thi hành công vụ và gây rối loạn tòa án. Thẩm phán Phùng quyết định đưa con gái cho người dì để chăm sóc trong thời gian này. Suốt thời gian tạm giữ, thẩm phán đã đến phòng tạm giam thăm người phụ nữ 2 lần, cô cũng thể hiện sự ăn năn hối cải và xin lỗi ông. Cuối cùng, bà cũng chấp nhận những phán quyết của tòa. Vụ kiện kết thúc, nhưng tâm trí của vị thẩm phán vẫn bị ám ảnh bởi ánh mắt của đứa con ngày hôm ấy.

Theo Tin tức online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ