Chứng khoán tiếp tục lao dốc, nhà đầu tư tuyệt vọng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Nhiều người vay tiền để đầu tư chứng khoán gần như tuyệt vọng khi VN-Index tiếp tục lao dốc khiến nhiều người rơi vào 'lỗ kép'.

Chứng khoán bị bán tháo mạnh trong phiên 6/7.
Chứng khoán bị bán tháo mạnh trong phiên 6/7.

Phiên thứ 5 liên tiếp giảm điểm với thanh khoản thấp

VN-Index có phiên thứ 5 liên tiếp giảm điểm với thanh khoản thấp. Kết phiên giao dịch ngày 6/7 chỉ có 222 mã cổ phiếu/ 3 sàn HSX, HNX và UpCom giữ được sắc xanh với thanh khoản thị trường chỉ đạt 13.700 tỷ đồng.

Tất cả các nhóm như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, phân bón - hóa chất, dầu khí... đều giảm điểm.

Nhóm dầu khí như BSR, PVS, OIL, PVB, PVC... giảm điểm rất mạnh, đặc biệt là mã BSR trên sàn UpCom mất gần 15% điểm giá trị so với phiên trước đó. Các mã dầu khí họ P tiếp tục giảm từ 2 - 5% - tức rơi gần hết biên độ.

Nhóm phân bón - hóa chất cũng giảm rất mạnh khi DPM, DCM, DGC mất trên 3% mỗi mã. Mã PAT - công ty con của Hóa chất Đức Giang cũng giảm trên 14% giá trị so với phiên trước đó.

Nhóm ngân hàng cũng rơi vào suy thoái, nhưng lực bán tháo không dữ dội như các nhóm ngành khác.

Về dòng tiền, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán tháo mạnh nhất trong 10 ngày trở lại đây với lực bán trên 1.900 tỷ đồng, trong khi chỉ mua vào 1.100 tỷ đồng.

Các mã cổ phiếu bị nước ngoài bán mạnh nhất là Quỹ FUEVFVND với thanh khoản trên 200 tỷ đồng, tiếp đến là VHM bị bán ra với giá trị tương đương 60 tỷ đồng, các mã như GAS 80 tỷ đồng, HPG, HDB, VCB, VRE... cũng bị bán mạnh với giá trị thanh khoản hàng chục tỷ đồng mỗi mã.

Lực mua của nhóm đầu tư nước ngoài chủ yếu là cổ phiếu VND với giá trị đạt 25,42 tỷ đồng, tiếp đế là BVH với 13 tỷ, VIC 12 tỷ, NT2, HDG, DIG được thu gom ở mức thấp.

Ở chiều ngược lại, nhóm tự doanh trong nước thu mua diện rộng, nhưng giá trị thanh khoản không cao. Nhóm cổ phiếu được tự doanh mua nhiều nhất là FPT với 20 tỷ, DGC 16 tỷ, STB 13 tỷ, VPB 13 tỷ, MBB 12 tỷ... số khác được thu mua với giá trị èo uột vài tỷ đồng mỗi mã.

Theo nhà môi giới chứng khoán Nguyễn Mạnh Thiệp, Công ty Chứng khoán VPS, nhiều chỉ báo kỹ thuật cho thấy VN-Index tiếp tục giảm điểm. Đó là lực bán trong 10 - 20 phiên gần đây có xu hướng mạnh lên.

Không những vậy, chỉ số MA5 và MA20 hướng xuống. Đường DI có dấu hiệu nới rộng khoảng cách lên phía trên. Đây là dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm điểm vẫn tiếp diễn.

Ông Thiệp cho rằng, VN-Index sẽ không giảm điểm quá tiêu cực do sự phục hồi của thị trường thế giới. Đó là giá dầu giảm mạnh trong ngày 5/7 khi hợp đồng dầu tiêu chuẩn của Mỹ rớt xuống dưới 100 USD/thùng do nỗi sợ hãi suy thoái gia tăng, qua đó làm dấy lên lo lắng rằng: Kinh tế trì trệ sẽ khiến nhu cầu đối với các sản phẩm dầu khí bị hạn chế. Ngoài ra, việc lãi suất thấp hơn đà suy thoái tại Mỹ có chút tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư...

Nhiều nhà đầu tư đã “tuyệt vọng”

Tính từ đầu tháng 4/2022 đến nay, VN-Index có hơn 3 tháng giảm điểm. Trong đó, mức giảm 5 phiên gần nhất đã đưa VN-Index về vùng 1.170 điểm - tức bằng với giai đoạn tháng 3/2021 và bằng với vùng đỉnh 2018.

Với đà rơi của VN-Index hiện tại, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính từ đi vay đã gần như mất trắng cả gia tài.

Anh Nguyễn Văn Minh, trú tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: Anh tham gia thị trường chứng khoán giai đoạn từ tháng 8/2021. Khoảng cuối năm 2021 là giai đoạn “trăng mật” khi VN-Index đạt 1.500 điểm. Thời gian này, với số vốn 200 triệu đồng, anh đã lãi gấp đôi do dùng gói vay của công ty chứng khoán.

Tiếp đà hưng phấn, anh Minh đi vay thêm 500 triệu đồng đầu tư chứng khoán. Anh dùng tài khoản Margin - tức công ty chứng khoán cho vay thêm tiền để mua cổ phiếu - tổng tài sản đổ vào thị trường của anh lên đến trên 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, VN-Index đi vào thời kỳ giảm điểm, một số mã chứng khoán rơi vào Call Margin và bị các công ty tự động bán cổ phiếu để thu hồi tài sản khiến số tiền đầu tư của anh bị mất quá nửa.

Sau nhiều lần mua cổ phiếu bằng đòn bẩy Margin rồi cắt lỗ, đến nay anh Minh chỉ còn lại đúng 50 triệu đồng - tức gần như mất hết tài sản.

Anh Minh cho biết: Hiện anh đã rút khỏi thị trường và cố gắng trả món nợ do thua lỗ chứng khoán. “Nếu chưa đủ kinh nghiệm sinh tồn trên thị trường thì nhà đầu tư nên biết dừng lại đúng lúc và giữ vị thế quan sát. Khi nào xu hướng ổn định rõ ràng mới tham gia”.

Giống như anh Minh, đến thời điểm hiện tại, nhiều người không quản trị danh mục đầu tư khoa học cũng đã thua lỗ quá nửa.

Anh Nguyễn Văn Thái, ở Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, tiết lộ: Anh đầu tư hơn 600 triệu đồng và hạn chế dùng Margin. Vì vậy sau nhiều lần cắt lỗ, cơ cấu danh mục, đến nay anh vẫn còn giữ lại được trên 300 triệu đồng.

“Hiện, mình cầm tiền mặt, đợi khi nào thị trường đánh dấu sự hồi phục sẽ tiếp tục tham gia. Hi vọng sẽ lấy lại số tiền đã mất ở giai đoạn cuối năm”, anh Thái giãi bày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ