Chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8

GD&TĐ - 70 nhà giáo dự chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8 năm 2024 chào mừng 70 năm ngành GD-ĐT Hà Nội.

Giáo viên trình bày nhưng giải pháp đổi mới sáng tạo trước Hội đồng.
Giáo viên trình bày nhưng giải pháp đổi mới sáng tạo trước Hội đồng.

Giải thưởng nhiều ý nghĩa

Ngày 16/10, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức khai mạc hội đồng xét duyệt vòng chung khảo Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8, năm 2024.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - dự khai mạc và tham gia với vai trò Ban giám khảo của giải. Cùng dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội cùng đại diện các Phòng GD&ĐT, các nhà trường và các nhà giáo tham gia xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024.

img-0408-6433.jpg
Hội đồng xét duyệt giải thưởng là các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục.
viber-image-2024-10-16-15-02-14-196-9179.jpg
Văn nghệ chào mừng của học sinh Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa).

Phát biểu khai mạc, bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, đây là lần thứ 8, giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” được tổ chức nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Giải thưởng cũng nhằm khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường. Đồng thời quan tâm, động viên nhà giáo có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, giúp đỡ những học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu phát triển tài năng.

"Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8, năm 2024 đặc biệt có ý nghĩa khi toàn ngành GDĐT Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội", bà Trần Lưu Hoa nói.

Theo ông Đỗ Văn Nam, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, giải thưởng đã được các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc triển khai sâu rộng đến các nhà giáo thông qua các buổi lễ phát động, xây dựng tiêu chí, đăng ký thi đua giải thưởng, tạo không khí thi đua sôi nổi.

viber-image-2024-10-16-15-02-14-125-748.jpg
Bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu khai mạc.
viber-image-2024-10-16-15-02-14-093-2662.jpg
Hội đồng xét duyệt giải thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng các thí sinh.

Từ tháng 10/2023 đến tháng 5/2024, các đơn vị đã triển khai tổ chức xét duyệt giải thưởng. Qua các vòng khen thưởng cấp trường, cấp quận, huyện, đã có 197 nhà giáo tiêu biểu các cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT được đề nghị xét duyệt trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp Ngành.

Tại cấp Ngành, Hội đồng xét duyệt đã tổ chức chấm vòng Sơ khảo với sự tham gia của 32 nhà giáo cấp học Mầm non, 32 nhà giáo cấp học Tiểu học, 32 nhà giáo cấp học THCS, 95 nhà giáo cấp học THPT và 6 nhà giáo khối GDTX. Kết quả Hội đồng đã chấm và chọn ra 70 Nhà giáo tiêu biểu tham gia xét duyệt vòng Chung khảo cấp Ngành.

Hội đồng xét duyệt Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8, năm 2024 sẽ làm việc trong 4 ngày, với 4 cấp học. Cụ thể: Ngày 16/10, Hội đồng xét duyệt cấp Tiểu học, ngày 17/10 Hội đồng xét duyệt cấp THCS, ngày 22/10 Hội đồng xét duyệt cấp Mầm non và 23/10 Hội đồng xét duyệt cấp THPT.

img-0687-6648.jpg
Cô Hà Linh Hương, giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo.
img-0477-8493.jpg
Cô Tạ Thị Vui, Trường Tiểu học Vân Canh (huyện Hoài Đức) trình bày sáng kiến tạo môi trường giáo dục số, hình thành kĩ năng “Công dân số” cho học sinh.

Ấn tượng với những đổi mới, sáng tạo

Tại vòng chung khảo, 70 nhà giáo tiêu biểu trực tiếp báo cáo những đổi mới, sáng tạo trước Hội đồng xét duyệt và trả lời một số câu hỏi mà Hội đồng đưa ra. Có thể kể đến sáng kiến tạo môi trường giáo dục số, hình thành kĩ năng “Công dân số” cho học sinh của cô Tạ Thị Vui, Trường Tiểu học Vân Canh (huyện Hoài Đức).

Hay sáng kiến Thiết kế và sử dụng đồ dùng dạy học sáng tạo, đồ chơi học tập gần gũi với học sinh của cô giáo Nguyễn Thùy Linh, Trường Tiểu học Quảng An (quận Tây Hồ). Cô đã xây dựng website https://lophoccolinh.wordpress.com để chia sẻ học liệu, lan tỏa các kĩ thuật dạy học mới, các phương pháp tổ chức dạy học hiệu quả tới đồng nghiệp và phụ huynh, học sinh.

Trong khi đó, cô Hà Linh Hương, giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) giới thiệu trang web Trạng Nguyên Tiếng Việt 3 với kho tài liệu hơn 200 câu hỏi với nhiều hình thức làm bài đa dạng giúp học sinh khám phá, lĩnh hội tri thức một cách hào hứng. Trang web đã được áp dụng thực tiễn và được đánh giá cao về chất lượng bài tập cũng như các tính năng sử dụng.

img-0472-9953.jpg
Nhiều sáng kiến của các thầy cô có tính ứng dụng cao, có tính lan tỏa.
img-0850-6213.jpg
Thầy Trần Hồng Quân, Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) trình bày sáng kiến trước Hội đồng.

Là nam giáo viên cấp tiểu học duy nhất tham gia xét duyệt giải thưởng, thầy Trần Hồng Quân, Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) chia sẻ kinh nghiệm tạo tài khoản email miễn phí cho các bộ, giáo viên, nhân viên trong trường, giúp các thầy, cô giáo sử dụng email đồng bộ và có dung lượng bộ nhớ lên đến 600 Tb.

Đồng thời lên ý tưởng và xây dựng chương trình Bản tin Trung Yên 2024 theo từng tháng thay cho báo cáo giấy; xây dựng các kênh truyền thông cho trường Tiểu học Trung Yên tạo hiệu ứng mở giúp tăng tương tác giữa nhà trường và gia đình, giúp truyền thông những chương trình của trường đến với gia đình.

img-0961-2324.jpg
Cô Bùi Bích Phương, giáo viên Trường Tiểu học Gia Quất (quận Long Biên) trình bày biện pháp "hóa thân thành nhân vật" trong các tiết học.
viber-image-2024-10-16-15-37-58-556-4417.jpg
Cô Trần Thu Hồng, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Tiết học lịch sử địa phương song ngữ tại khu phố cổ.
viber-image-2024-10-16-15-38-04-908-3591.jpg
Nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo được Ban Giám khảo đánh giá cao.

Còn cô Trần Thu Hồng, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ kinh nghiệm kết hợp giáo viên chủ nhiệm và giáo viên Tiếng Anh người nước ngoài tổ chức Tiết học lịch sử địa phương song ngữ tại khu phố cổ giúp các em vừa tiếp thu được kiến thức lịch sử địa phương, vừa được tự tin thể hiện khả năng nói Tiếng Anh của mình.

Chú trọng giáo dục học sinh từ những việc làm nhỏ nhất như biết chào hỏi, biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi, cô Hồng đã giúp những nét đẹp này đã trở thành thói quen của các em. Ngoài ra, cô còn tạo chuyên mục “Nét đẹp thanh lịch của học sinh Thăng Long” trên website của trường, ghi lại những hành động đẹp và ý nghĩa của học sinh.

Để lan tỏa những mô hình, sáng tạo tiêu biểu, các buổi xét duyệt Giải thưởng sẽ được livetream trên fanpage Công đoàn Giáo dục Hà Nội. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến diễn ra vào sáng 14/11/2024 tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Sau khi mùa xét giải thưởng thứ 8 khép lại, các nhà giáo Thủ đô tiếp tục được cùng chia sẻ những báo cáo, sản phẩm tâm huyết, sáng tạo của 70 nhà giáo tham gia chung khảo lần thứ 8 này qua Kỉ yếu số được cập nhật trên trang fanpage và trang facebook của Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ