Chúng em mãi mãi kính trọng, tôn thờ Thầy!

GD&TĐ - Sau 25 năm, đã bao thế hệ học trò trưởng thành, nhưng Thầy thì vẫn vậy, giản dị và lặng thầm truyền kiến thức, trí tuệ cho đời!

Chúng em mãi mãi kính trọng, tôn thờ Thầy!

Câu chuyện của Thiếu tá Nguyễn Thị Sơn Bình làm việc tại Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel bắt đầu như vậy về người đã truyền cho chị không chỉ tình yêu với môn Toán, mà còn giúp chị thấm thía sự cao cả, nhân văn thực sự của 2 chữ NGƯỜI THẦY.

Chị kể: Thầy tôi sinh ra, lớn lên tại một vùng đồi trung du thơ mộng, bình yên nhưng rất nghèo khó, trong gia đình một nhà giáo đáng kính; người cha mang trọng bệnh, năm người con nhỏ dại và người mẹ cũng thường xuyên đau yếu.

Chị Nguyễn Thị Sơn Bình 
Một ngày, tai nạn bất ngờ, Thầy phải nhập viện trước kỳ thi chuyên Toán khoảng hai tháng. Nhưng bằng nghị lực phi thường, Thầy đã vượt lên nỗi đau, vừa nằm viện, vừa tập viết bằng tay trái vừa ôn thi chuyên Toán.

Ngày đó, thi đỗ trường chuyên thực sự phải rất tài năng, cả tỉnh Phú Thọ chỉ chọn 20 học sinh chuyên Toán, 20 học sinh chuyên Văn, và học sinh chuyên thì được nhà nước nuôi.

Sau khi kỳ tích viết được bằng tay trái thi đỗ chuyên Toán Hùng Vương, Thầy trải qua nhiều cơ cực, không thể ở lại ký túc xá như các bạn để chỉ tập trung vào việc học.

Vì nhà nghèo, bố mẹ đau yếu, và những đứa em thơ dại, hằng ngày hết giờ học, trên chiếc xe đạp không phanh, Thầy đạp xe leo dốc, vác xe lội suối để về nhà cách trường trên 10 km, cùng các chị làm công việc đồng áng giúp đỡ gia đình.

Học sinh nghèo hồi đó không có bữa ăn sáng như ngày nay, một ngày may ra có bữa tối là được ăn no, không phải no cơm, mà là khoai, ngô, sắn luộc và tối đến kê ghế ngồi học bài một góc nhà với ngọn đèn dầu leo lắt.

Sau ba năm đèn sách, lựa chọn trở thành một nhà giáo để giúp đỡ các học sinh nghèo đã thôi thúc Thầy thi vào trường sư phạm. Khó khăn lại tiếp nối khó khăn, cha mất rồi đến mẹ mất, tốt nghiệp trường sư phạm, với đồng lương ít ỏi, Thầy phải thay cha, thay mẹ gánh vác một gia đình.

Thế mà, trong chồng chất khó khăn, bao nhiêu thế hệ học sinh ngày đó được Thầy dạy và động viên đều thi đỗ chuyên Toán và 100% trở thành công dân tốt của xã hội.

Trong số đó, tôi - người được Thầy phát hiện ra tố chất toán trong đám trẻ mải chơi, rồi chủ động tới gặp bố tôi đề xuất kèm thêm môn Toán.

Các buổi chiều và đến giai đoạn nước rút là cả các buổi tối, hai thầy trò cùng luyện Toán và phân tích tình huống bài tập. Nhà Thầy các nhà tôi hơn 5 km đường đồi, suối và Thầy thì chỉ đi chiếc xe đạp không phanh.

Đến tận bây giờ, tôi cũng không biết bằng cách nào, chỉ với 1 bàn tay và trên chiếc xe đạp không phanh, Thầy có thể về nhà vào 11 giờ đêm khi trời tối đen, đường trơn, dốc cao và có cả nước lũ.

Sau 25 năm, tôi và các thế hệ học sinh sau đó vẫn vô tình trước khó khăn trong cuộc sống của Thầy, người Thầy hàng ngày vẫn tận tụy với các thế hệ học sinh, vẫn nhận kèm các bạn yêu thích môn Toán và không lấy tiền học của bất kỳ học sinh nào.

Bây giờ, tôi đã trưởng thành, có công việc tốt, có nhiều điều kiện để giúp ích cho gia đình, xã hội; và Thầy luôn là tấm gương giúp tôi vượt qua khó khăn trong công việc, cũng như trong cuộc sống.

Tôi cũng rất vui khi Thầy chuyển công tác về Hà Nội, biết cuộc sống của Thầy hiện nay chưa đầy đủ và cũng biết Thầy vẫn như xưa, chỉ biết truyền hết tâm huyết giúp học sinh yêu thích môn Toán, từ đó dần dần sẽ thích học Toán và sẽ tự học tốt môn Toán. Chúng tôi mãi mãi kính trọng và tôn thờ Thầy!

Tôi hy vọng, các bạn học sinh đang có cơ hội học Thầy ngày hôm nay biết đến công lao của những người Thầy, hiểu được tấm lòng cao cả, hiểu được những điều mà nếu hôm nay mỗi người không cố gắng sống tốt, nghĩ tốt, hành xử tốt, học tập tốt thì cơ hội tốt sẽ không đến với họ trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ