Nên có quy định cụ thể về hoạt động ngoài giờ dạy
Cô Lê Thị Phương Châu - Trường Tiểu học An Cựu, TP Huế (Thừa Thiên Huế) bày tỏ quan điểm đồng tình và cho rằng, dự thảo đã đưa ra nhiều quy định mới phù hợp với thực tế về thời gian làm việc, định mức tiết dạy, chế độ nghỉ hằng năm cũng như các hoạt động khác của giáo viên.
Dự thảo nêu rõ thời gian làm việc, tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian nghỉ ngơi và dành cho gia đình. Việc giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên mầm non, vùng khó khăn, hải đảo... cũng được đánh giá cao bởi đây là những đối tượng gặp nhiều khó khăn, vất vả trong công tác giảng dạy.
Gắn bó hơn 20 năm với ngành Giáo dục, cô Nguyễn Thị Nguyệt - Trường Tiểu học Tân Dân (Chí Linh, Hải Dương) chia sẻ, mỗi cấp sẽ gặp những khó khăn khác nhau. Cấp tiểu học, học sinh còn nhỏ, khả năng tập trung không lâu, mọi quy tắc đều mới mẻ. Lên THCS, các em bắt đầu tuổi ương bướng, thích chứng tỏ bản thân nên khó có thể uốn nắn theo nguyên tắc cứng nhắc.
“Dự thảo Thông tư quy định giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần; giáo viên THCS 19 tiết/tuần, giáo viên THPT 17 tiết/tuần. Tính chất công việc và yêu cầu về bằng cấp của giáo viên tiểu học cũng không thua kém giáo viên trung học. Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần tính toán lại định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học xuống dưới 23 tiết/tuần thì sẽ hợp lý hơn”, cô Nguyệt bày tỏ mong muốn.
Theo thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), về cơ bản dự thảo đưa ra nhiều quy định chi tiết với cán bộ quản lý, giáo viên ở từng cấp học tương ứng với định mức tiết dạy. Dự thảo cần khuyến khích và hỗ trợ giáo viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ và kỹ năng giảng dạy.
Đồng thời, dự thảo thông tư cần bổ sung thêm các chế độ phúc lợi như bảo hiểm y tế, xã hội cùng các hỗ trợ khác nhằm đảm bảo sức khỏe và đời sống tinh thần giáo viên. Nên có quy định cụ thể về việc phân bổ thời gian cho các hoạt động ngoài giờ dạy chính thức như họp hội đồng, tập huấn và tham gia các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.
Mong mỏi của giáo viên
Thầy Trần Văn Hiếu - Trường Tiểu học Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường, Nam Định) cho biết, theo dự thảo nếu là giáo viên kiêm nhiệm phụ trách quản lý phòng học chức năng sẽ được giảm 3 tiết/môn/tuần. Tuy nhiên, ở một số nơi chi trả phụ cấp độc hại cho thầy cô, nếu không có phụ cấp này nên chăng, Bộ GD&ĐT nghiên cứu để tăng số tiết miễn giảm lên thành 4 tiết/môn/tuần sẽ hợp lý hơn.
Tương tự, cô Đào Thị Luyến - Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, công việc của giáo viên tiểu học rất lớn vì phải dạy nhiều môn, nhất là những thầy cô kiêm nhiệm. Với định mức tiết dạy giữ nguyên theo quy định hiện hành là 23 tiết/tuần, giáo viên khó có thời gian nghiên cứu bài dạy, chưa kể phải chấm chữa bài cho học sinh, đặc biệt là giáo viên lớp 1.
Là nhà quản lý giáo dục, cô Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, thực hiện chế độ làm việc của giáo viên phổ thông có bất cập ở số lượng biên chế và tỷ lệ, cơ cấu giáo viên trong nhà trường. Số lượng biên chế được giao hằng năm so với số thực tế trong đơn vị thường bị thừa hoặc thiếu là nguyên nhân gây khó khăn cho nhà trường trong việc phân công nhiệm vụ từng giáo viên.
“Nhìn chung, dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT đã khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông thời gian qua; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục trong việc phân công, bố trí và sử dụng giáo viên”, cô Hiền Lương khẳng định.
Ngoài ra, vị nữ Hiệu trưởng kiến nghị, dự thảo Thông tư nên giữ nguyên định mức tiết dạy với cán bộ quản lý như thông tư hiện hành (hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần). Bởi hiện nay, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn và các công việc khác, đặc biệt là quản lý hành chính.
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu, đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: Yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 và đổi mới giáo dục nói chung (bao gồm cả trường dự bị đại học) xuất hiện nhiều công việc mới như: Hướng nghiệp, tổ chức phối hợp giáo dục Nhà trường - Gia đình - Xã hội, tham vấn học đường, phát triển văn hoá trường học nên việc quy định về định mức “những công việc ở Điều 8, 9, 10” ở dự thảo chưa hợp lý. Cần có quy định mô tả về phạm vi công việc tương ứng.
Thực tế, nhiều nhà giáo ngần ngại vì các nội dung công việc ngoài chuyên môn đang chiếm thời gian khá nhiều. Ngoài ra, nữ chuyên gia nêu quan điểm quy định về việc bồi dưỡng cần được thay đổi. Chẳng hạn, giáo viên có những hoạt động bồi dưỡng định kỳ, thường xuyên ngay trong quá trình giảng dạy, bao gồm cả sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, dạy thử...
“Một trong những vướng mắc hiện nay ở nhiều địa phương là chưa hiểu đúng, chú trọng về mảng phát triển đội ngũ, khiến các trường gặp khó. Tôi hy vọng ở quy định tăng định mức học tập và bồi dưỡng giáo viên, bao gồm cả quy định quy đổi giờ lao động và đầu tư của cơ quan chủ quản. Tôi cũng mong chờ quy định này bao quát đối với hệ thống trường ngoài công lập, kết nối với Luật Nhà giáo sắp được ban hành”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.