Chuẩn nghề nghiệp GV phổ thông - cứ liệu quan trọng để phát triển chương trình bồi dưỡng

PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, GĐ Chương trình ETEP phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, GĐ Chương trình ETEP phát biểu khai mạc Hội thảo

Với sự trình bầy và dẫn dắt của GS LEE Chi-kin, John, Phó Hiệu trưởng Đại học Giáo dục Hồng Kông (Trưởng nhóm chuyên gia), các chuyên gia của Chương trình ETEP, 8 trường ĐHSP chủ chốt tham gia ETEP, ĐH Giáo dục-  ĐHQG HN và một số trường ĐHSP chuyên biệt (ĐHSP Thể dục Thể thao, ĐHSP Ngoại ngữ) đã bàn thảo nhiều vấn đề về xây dựng “Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông” và “Phát triển chương trình”.

Các vấn đề: Tạo môi trường học tập thuận lợi trong lớp học; Sử dụng các phương pháp dạy và học một cách hiệu quả; Sử dụng đánh giá để hỗ trợ việc học…cũng được bàn thảo sôi nổi tại Hội thảo.  

Chuẩn giáo viên tại 1 số nước trên thế giới

GS LEE Chi-kin, John chia sẻ: Về chuẩn giáo viên, các nước đều thiết lập chuẩn theo quan điểm của họ. Ví dụ tại Úc, thì chuẩn GV được xác định với các yếu tố:  Biết học sinh và cách học sinh học;  Biết nội dung và cách dạy nội dung đó; Lập kế hoạch và thực hiện việc dạy và học hiệu quả; Tạo và duy trì môi trường học tập an toàn và hiệu qủa; Tiếp cận, đưa ra phản hồi và báo cáo về việc học của học sinh; Tham gia vào quá trình học hỏi phát triển chuyên môn; Tham gia về chuyên môn cùng đồng nghiệp, cha mẹ và cộng đồng.

Tại Hồng Kông, trường ĐH Giáo dục chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn giáo viên, hơn thế nữa, chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo GV. Việc đánh giá chất lượng mang tính độc lập, theo chuẩn quốc tế, chuẩn quốc gia thông qua rà soát thường xuyên, kiểm tra, đánh giá kết quả giảng dạy theo chuẩn.

Việc quy trách nhiệm cũng rõ ràng, nếu SV vừa tốt nghiệp đại học Sư phạm đi dạy mà chưa đạt chuẩn thì trách nhiệm thuộc về trường ĐH Giáo dục. Nếu là giáo viên  mà chưa đạt chuẩn thì Bộ GD&ĐT, nhà trường và bản thân GV đó phải có trách nhiệm. Và GV bắt buộc phải tham gia bồi dưỡng để đạt chuẩn.

90% GV phổ thông tại Hồng Kông được đào tạo trong thời gian 5 năm. Mỗi chu kỳ 5 năm rà soát chương trình đào tạo một lần. Chương trình đào tạo dựa trên kết quả đầu ra. Các vấn đề được chú trọng là: Giải quyết vấn đề, văn hóa giao tiếp, tư duy phản biện, phương pháp ra quyết định, đạo đức nghề nghiệp… ĐHSP thiết kế chương trình phù hợp với chuẩn. SV đại học SP tốt nghiệp đảm bảo chuẩn tối thiểu… Hồng Kông có khóa học dành riêng cho hiệu trưởng nhưng chứng chỉ tốt nghiệp khóa học chỉ có giá trị 3 năm.

GS LEE Chi-kin, John - Phó Hiệu trưởng Đại học Giáo dục Hồng Kông (Trưởng nhóm chuyên gia)
GS LEE Chi-kin, John - Phó Hiệu trưởng Đại học Giáo dục Hồng Kông (Trưởng nhóm chuyên gia) 

Người thầy cần có kiến thức sư phạm đa dạng

GS LEE Chi-kin, John chia sẻ, GV trong thế kỷ 21 đạt chuẩn là GV biết làm việc theo nhóm, dạy học theo nhóm. Làm việc liên môn, theo nhóm sẽ nâng cao năng lực chung của mỗi học sinh và giúp cho học sinh yếu vượt lên và phát huy tốt vai trò học sinh giỏi.

Giảng dạy theo nhóm gắn liền với học hỏi. Học sinh luôn được đặt trong quá trình học hỏi, sau đó là phản hồi đến giáo viên, giáo viên giảng dạy tốt đến đâu, ở mức nào. Điều này sẽ khiến giáo viên tự tin hơn. Từ sự phản hồi của học sinh, giáo viên sẽ biết được  học sinh lĩnh hội đến đâu. Từ đó giáo viên sẽ suy ngẫm, cần thay đổi gì để tốt hơn cho cả thầy và trò. Phản hồi - suy ngẫm là rất quan trọng trong quá trình dạy học, phát huy sự sáng tạo của học sinh.

Để phát triển năng lực học sinh, người giáo viên cần biết đặt câu hỏi, câu hỏi có tư duy cao, đồng thời tập trung vào các ý kiến cần trao đổi; Phải biết phối kết hợp các phương thức  giảng dạy trong hoạt động dạy học: Dạy học tích hợp, dạy học  phân hóa...

Muốn vậy, người thầy cần có kiến thức sâu rộng, tích hợp các môn học cũng như các vấn đề về khoa học giáo dục, am hiểu thực tiễn, phải biết rõ học sinh học thế nào, yêu cầu cao đối với người học đồng thời biết cách hỗ trợ cho học sinh một cách tốt nhất.

Người thầy cần có kiến thức sư phạm nền tảng đa dạng, tạo thói quen cho học sinh biết tự học, giúp học sinh thực hiện các hoạt động theo thứ tự phù hợp từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.

Khi đánh giá người thầy giáo theo chuẩn nghề nghiệp, phải biết rõ GV ở mức nào, đạt, khá hay là xuất sắc…Tìm hiểu được  mối liên hệ giữa đánh giá kết quả theo chuẩn đầu ra của sinh viên và đánh giá người thầy giáo theo chuẩn nghề nghiệp. 

Chuẩn GV là một trong những cứ liệu quan trọng để phát triển chương trình bồi dưỡng

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mà Chương trình ETEP đang hỗ trợ xây dựng trên cơ sở bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện các chuẩn hiện có, tiếp cận những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đổi mới giáo dục phổ thông.

Trao đổi về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng cho biết, tại Việt Nam, chuẩn nghề nghiệp GV có từ năm 2008 và được sử dụng để đánh giá chuẩn GV. Tuy nhiên, sự đánh giá chưa thực sự khách quan khi mà có đến 80% đạt loại khá, tốt, bởi đánh giá này nhắm đến thành tích, tăng lương là chính...chứ chưa phải nhắm đến mục tiêu “đo đếm” năng lực để bồi dưỡng, đào tạo. Lần này, chúng ta xây dựng chuẩn với mục tiêu sử dụng chuẩn  hoàn toàn khác, đo xem giáo viên yếu năng lực nào để kịp thời bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao, phát triển chuyên môn, kỹ năng...

Như vậy, việc xây dựng chuẩn cũng như đánh giá giáo viên theo chuẩn là rất quan trọng trong việc giúp GV phát triển năng lực thiếu khuyết, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chuẩn GV là một trong những cứ liệu quan trọng để phát triển chương trình bồi dưỡng.

Bà Võ Kiều Dung, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng, bộ chuẩn nghề nghiệp GV mới mà ETEP đang hỗ trợ xây dựng đã thể hiện được điều cốt lõi, cần có ở người thầy, đó là sự  tâm huyết, lúc nào cũng mong muốn đem hết nhiệt huyết của mình phấn đấu, cống hiến, mang lại những điều tốt nhất cho học sinh.

Chuẩn GV đang được xây dựng trên tinh thần này sẽ hỗ trợ đắc lực công cuộc đổi mới chương trình phổ thông mới, giúp trẻ phát triển nhận thức, năng lực và kỹ năng một cách toàn diện. “Qua bộ chuẩn lần này, tôi thấy nó thể hiện được nhiều vấn đề mang tính kỹ năng tối thiếu. Điều quan trọng là, nhìn vào chuẩn GV, thầy giáo thấy say sưa hơn công việc và mong mỏi  phát triển hơn nữa năng lực của mình thì chúng ta cần thể hiện rõ hơn trong chuẩn GV”.

PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, Giám đốc Chương trình ETEP cho biết, tới đây, các chuyên gia Đại học Giáo dục Hồng Kông sẽ tiếp tục hỗ trợ Chương trình ETEP về ứng dụng công nghệ thông tin; Thiết kế bài giảng eleaning, Phát triển nguồn tài liệu, tạo nguồn  học liệu mở và tiếp tục hô trợ 8 trường ĐHSP chủ chốt để nâng cao năng lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ