3 yếu tố quan trọng: Đội ngũ, khảo thí và học liệu
Một số mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án NN quốc gia 2020:
Một số mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án NN quốc gia 2020:
Đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3, 70% học sinh lớp 6 và 60% học sinh lớp 10 được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp.
Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường CĐ và tới năm 2025 có 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm.
Đến năm 2018 – 2019, 100% các trường ĐH triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn.
Đến năm 2020, 70% sinh viên ĐH không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên ĐH không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp...
Chia sẻ về kết quả, đặc biệt phân tích kỹ những vấn đề còn tồn tại trong việc dạy học ngoại ngữ cũng như trong triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay chúng ta vẫn chưa chú trọng đúng mức tới thực tế, thực hành, nên nhiều học sinh, sinh viên đáp ứng chuẩn, thi đạt điểm cao nhưng khi gặp người nước ngoài vấn lúng túng trong giao tiếp, điều này cần chấn chỉnh.
“Chúng ta hướng tới học ngoại ngữ để phục vụ công việc, phục vụ cuộc sống chứ không phải học để thi lấy điểm cao. Từ đó định hướng việc dạy học của giáo viên.” – Bộ trưởng nêu quan điểm.
Nhấn mạnh các yếu tố tiên quyết, quyết định chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nội dung quan trọng đầu tiên được Bộ trưởng đưa ra là cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, từ giáo viên sư phạm làm nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo ra đội ngũ đến giáo viên các trường phổ thông đến đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ trong các nhà trường.
Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cần phải có chuẩn giáo viên; có chương trình tốt và phương thức đào tạo bồi dưỡng phù hợp. Cần ứng dụng mạnh CNTT, sử dụng phương thức đào tạo online tạo điều kiện cho các thầy cô có thể học mọi lúc, mọi nơi; chỉ cần một số ít thời gian học trực tiếp…
Cùng yếu tố giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần củng cố, nâng cao công tác khảo thí, thi cử, chứng nhận văn bằng; tập trung phát triển về học liệu ngoại ngữ, đặc biệt xây dựng các trung tập học liệu ngoại ngữ.
Ngoài các nhiệm vụ quan trọng trên, Bộ trưởng cũng đề cập đến vấn đề tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho việc dạy học ngoại ngữ và lưu ý hơn đến công tác truyền thông.
Cũng theo Bộ trưởng, Tiếng Anh và công nghệ thông tin là 2 công cụ giúp thế hệ trẻ Việt Nam hòa nhập với thế giới. Chúng ta không đưa ra thời gian cụ thể đến năm bao nhiêu Tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam, vì đó là một quá trình rất dài. Tuy nhiên, chúng ta hướng tới điều đó, nếu không đưa ra hướng phấn đấu sẽ không hiệu quả.
Khẳng định việc dạy học ngoại ngữ là nhiệm vụ hết sức cấp bách của các trường ĐH, CĐ hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đề nghị các trường ĐH, CĐ cần chủ động tăng cường dạy học ngoại ngữ cho sinh viên, kết hợp dạy ngoại ngữ tổng quát và dạy ngoại ngữ chuyên ngành; lưu ý dạy học ngoại ngữ nhằm mục đích sử dụng, không phải đi thi…
Về phía Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Bộ đã yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế tìm kiếm giảng viên tình nguyện bản ngữ để hỗ trợ các trường; đề nghị Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 xây dựng cơ sở học liệu về học Ngoại ngữ; lựa chọn học liệu, tài liệu chuẩn, tốt nhất trên thế giới, nhiều nước đã sử dụng có hiệu quả để sinh viên có thể thể truy cập học bất cứ lúc nào…
“Tới đây, khi sửa quy chế đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cũng sẽ đặt ngoại ngữ là điều kiện đầu vào, không phải chỉ là điều kiện đầu ra như trước” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội |
Khuyến khích giáo viên tự học, bồi dưỡng
Tại hội nghị, đại diện địa phương, các trường ĐH đã đưa ra nhiều giải pháp phong phú cũng như kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong thời gian tới.
Đồng tình với 3 yếu tố quan trọng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; khảo thí; học liệu, TS Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) – cho rằng:
Công tác bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ và chất lượng giảng dạy ngoại ngữ ở các bậc học.
Tuy nhiên, để mang lại kết quả như mong đợi, hoạt động bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ cần phải có sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành và toàn xã hội.
“Trước mắt, các cơ quan quản lý giáo dục cần ban hành các thể chế quy định việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên hàng năm là bắt buộc.
Theo đó, giáo viên sẽ phải đăng ký tham gia bồi dưỡng trực tuyến thường xuyên trong năm và ít nhất một lần trong năm học được cử tham gia bồi dưỡng trực tiếp tại một trong những đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ bồi dưỡng.
Việc tổ chức bồi dưỡng cần được thống nhất thực hiện bởi các cơ sở hay trung tâm bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ trọng điểm đặt tại các cơ sở đào tạo ĐH chuyên ngữ lớn, có uy tín, đủ khả năng và kinh nghiệm…
Công tác tổ chức bồi dưỡng giáo viên cần được triển khai theo mô hình bồi dưỡng mới, trên cơ sở vừa kế thừa những thành quả của hoạt động bồi dưỡng hiện nay, vừa tích hợp những cập nhật mới nhất về hoạt động bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn giảng dạy ở Việt Nam” – TS Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh.
Tâm đắc với ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, TS Nguyễn Minh Trí – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi – bày tỏ: Mong muốn nhất của địa phương là phải biến hoạt động thực tiễn của Đề án Ngoại ngữ 2020 thành quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên lâu dài, thường xuyên.
Nên khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, đi thi các chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam hoặc IEL, TOP…, miễn sao các thầy cô đạt chuẩn; đồng thời có chính sách ưu tiên bố trí sử dụng, bổ nhiệm về các vị trí chuyên môn những giáo viên đó; thậm chí hỗ trợ kinh phí tự bồi dưỡng…
Cũng liên quan đến yếu tố giáo viên, TS Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - cho rằng: Giáo viên, đặc biệt giáo viên ngoại ngữ không thể nâng chuẩn trong thời gian ngắn. Nên cần thiết phải kết hợp 2 hình thức bồi dưỡng. Theo đó, tăng cường tự học dưới hình thức online, sau đó có thời gian tập trung trong hè.
Cần xây dựng Thông tư về định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường phổ thông công lập, thay thế Thông tư liên tịch số 35/TTLT-BGDĐT-BNV, trong đó nâng tỉ lệ giáo viên/lớp ở tiểu học lên 1,5/lớp mới có thể định mức cho giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học ở cấp tiểu học. Không nên quy định giá trần cho bồi dưỡng giáo viên là 10 triệu đồng/giáo viên…
TS Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế - kiến nghị: Nên chỉ đạo dạy học ngoại ngữ theo hướng phù hợp với điều kiện vùng miền, tăng sự lựa chọn cho các sở, tỉnh, thành phố bằng cách mở rộng khung chuẩn, mở rộng các quy định, yêu cầu và tổ chức dạy học ngoại ngữ để các tỉnh có điều kiện hoặc chưa có điều kiện lựa chọn phù hợp.
Tạo động lực học tập ngoại ngữ cho học sinh bằng cách quy định ngoại ngữ là môn thi đầu và trong tuyển sinh các trường ĐH, CĐ, TCCN; tách trung tâm khảo thí đánh giá năng lực ngoại ngữ ra khỏi các trường ĐH, nhanh chóng hình thành trung tâm khảo thí quốc gia; sinh viên được tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu trước lúc cấp bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ.
Nên quy định thời gian hiệu lực cho các loại chứng chỉ bằng cấp để người học chủ động trong công việc và thường xuyên có ý thức tự học, tự bồi dưỡng, cơ quan quản lý có cơ sở để điều hành…
Việc đổi mới dạy học, thi, kiểm tra đánh giá ngoại ngữ phải gắn liền với sự thay đổi của nhiều quy định về cơ chế, chính sách như quy định tuyển dụng giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình Tiếng Anh mới; quy định về tài chính cho việc thi kiểm tra đánh giá đủ 4 kỹ năng; quy định về bồi dưỡng chuẩn hóa năng lực cho đội ngũ giảng viên ở ĐH; quy định chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển dụng lao động của các ngành nghề; quy định của Bộ Nội vụ về chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên và người lao động.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo 8 nội dung đưa vào kế hoạch 2016 – 2020 và định hướng năm tiếp theo
1. Về người dạy
Rà soát lại các chuẩn giáo viên, giáo viên trường sư phạm ngoại ngữ cũng phải có chuẩn; đối chiếu trình độ giáo viên hiện có với chuẩn để xây dựng cơ sở dữ liệu, làm căn cứ cho kế hoạch đào tạo bồi dưỡng.
Các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho giai đoạn trung hạn 2016 – 2020. Mạnh dạn mời, thu hút sinh viên, giáo viên bản ngữ.
2. Về người học
Phải chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ thực tế tại các địa phương chứ không chỉ nhấn mạnh tiếng Anh. Tuy nhiên, không nên dàn trải, phân tán mà cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trong đó Tiếng Anh là ưu tiên.
Bậc học phổ thông, từ tiểu học đến THPT, bậc học giáo dục nghề nghiệp mạnh dạn thí điểm những môn học dùng được tiếng Anh, đặc biệt các môn khoa học tự nhiên.
Đặc biệt giáo dục ĐH, dạy nghề, khuyến khích đẩy nhanh những ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật, thậm chí nhập giáo trình nước ngoài về sử dụng. Chú trọng nâng cao tiếng Anh chuyên ngành; khuyến khích ứng dụng công nghệ đào tạo mạnh để đào tạo cho HSSV.
Đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh lớp 12; công bố sớm dạng thức bài thi trắc nghiệm Tiếng Anh để học sinh, thầy cô làm quen.
Tăng cường giám sát chất lượng người học để tạo được chuẩn theo các khung năng lực. Quan tâm đến môi trường cho học tiếng Anh, hình thành các CLB…; tạo ra một xã hội học tập tiếng Anh theo hướng nhẹ nhàng, hiệu quả, làm sao việc học tiếng Anh từ áp lực trở thành động lực.
3. Về học liệu
Rà soát, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, thiết kế theo hướng thực tế và online, đưa tài liệu lên mạng cho mọi người có thể học mọi lúc, mọi nơi.
Về chương trình, SGK, giáo trình, có thể lựa chọn từ nước ngoài để sử dụng cho phù hợp. Tăng cường các video clip, học liệu hỗ trợ học tiếng Anh…
4. Về khảo thí
Rà soát lại chương trình để thống nhất trong toàn quốc, giúp cho công tác khảo thí với chương trình, giảng dạy phù hợp, nhất quán. Khảo thí, đo lường, đánh giá là hoạt động liên tục, không phải theo mùa.
Tới đây xây dựng 2 nhóm trung tâm: Trung tâm đào tạo bồi dưỡng giáo viên, bố trí phù hợp với địa phương, để tránh tình trạng từng tỉnh đào tạo, bồi dưỡng riêng và Trung tâm khảo thí quốc gia.
5. Về tài chính
Chủ trương không đầu tư dàn trải, phân tán. Ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cốt lõi, còn lại do các địa phương, cơ sở giáo dục; đặc biệt làm mạnh xã hội hóa.
6. Về cơ chế chính sách
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 rà soát lại toàn bộ các văn bản chính sách, những gì đã hợp lý thì giữ, không hợp lý thì bỏ, nếu còn thiếu thì bổ sung… Cơ chế chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện.
7. Về truyền thông và cơ sở dữ liệu
Đề nghị Đề án Ngoại ngữ 2020 là đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu một cách bài bản để mọi người chia sẻ, làm căn cứ quan trọng trong quản lý, xây dựng chính sách.
Truyền thông phải làm sao bằng các kênh khác nhau, biện pháp khác nhau để xã hội thấy được học tiếng Anh là nhu cầu tự thân. Thông tin đầy đủ, minh bạch để xã hội đồng thuận. Trong đó, công tác truyền thông nội bộ phải được đưa hàng đầu; dành kinh phí cần thiết cho truyền thông.
8. Tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý
Thủ trưởng nào, phong trào nấy, người đứng đầu đơn vị phải gương mẫu trước, phải chia sẻ với đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy…Đặc biệt, cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng, thay xét thi đua qua hồ sơ bằng xét thi đua qua người thật, việc thật…