Chuẩn hóa giáo viên ngoại ngữ cần lộ trình phù hợp

GD&TĐ - Đó là quan điểm của tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) - khi đưa ra các đề liên quan đến người dạy trong triển khai Đề án Ngoại Ngữ quốc gia 2020 giai đoạn 2016-2020.

Chuẩn hóa giáo viên ngoại ngữ cần lộ trình phù hợp

Tránh tạo sức ép quá lớn đối với người dạy

Khẳng định việc chuẩn hoá giáo viên là cần thiết và đúng đắn; tuy nhiên, tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh cho rằng, việc áp dụng chuẩn cần một một lộ trình phù hợp dựa trên việc xem xét những năng lực thiết yếu cho hoạt động giảng dạy, mặt khác dựa trên điều kiện thực tế về trình độ mặt bằng chung của giáo viên và về những nguồn lực, yếu tố bên ngoài người dạy hiện có.

Có như vậy, các chuẩn đưa ra mới mang tính khả thi, thực tế, giúp tạo ra động lực cho người dạy học và tự học để nâng cao năng lực của mình, tránh tạo ra sức ép quá lớn lên người dạy, khiến đây đó tạo nên tâm lý chán nản, buông xuôi.

Cụ thể, theo tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh, cần xem xét những mức chuẩn về năng lực ngôn ngữ giảng dạy và phương pháp giảng dạy. Mức chuẩn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ chung có thể là một phổ chuẩn, trong đó có yêu cầu tối thiểu bắt buộc phải đạt và mức chuẩn cần hướng tới sau một khoảng thời gian nhất định.

Một người dạy có thể không có năng lực ngoại ngữ chung thật tốt, nhưng nếu họ có năng lực sử dụng ngoại ngữ đó để giảng dạy và năng lực sử dụng các nguồn lực khác phục vụ cho giảng dạy của mình tốt, thì hiệu quả giáo dục vẫn có thể được đảm bảo.

Ví dụ, giáo viên dạy tiếng Anh bậc tiểu học có thể phải yêu cầu có năng lực tiếng tối thiểu đạt bậc 3 vào thời điểm hiện tại, đạt yêu cầu về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em và chuẩn năng lực tiếng cần đạt (sau 3 năm chẳng hạn) là bậc 4.

Quan tâm đến những tác nhân khác ngoài người dạy

Người dạy không phải và không thể là yếu tố duy nhất tạo nên chất lượng và hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2015, với việc ưu tiên các tác động của Đề án tới yếu tố người dạy lại vô hình chung đang tạo nên một sức ép khá lớn lên đội ngũ này.

Đưa ra quan điểm trên, tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh đề xuất cần nhìn nhận việc tác động hợp lý, cân bằng tới các yếu tố, tác nhân khác trong quá trình giáo dục như đổi mới chương trình giảng dạy, xây dựng nguồn học liệu, phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, xây dựng người học tích cực (active learning), môi trường học tập, cộng đồng học tập, ...

Một mặt, có được tác động tổng thể tới các tác nhân khác, chứ không chỉ một hoặc số ít những mắt xích trong cả hệ thống này, thì mới tạo ra được hiệu quả tổng thể. Mặt khác, chính những thay đổi từ các tác nhân đó, cũng sẽ có tác động tích cực trở lại chính người dạy.

Ví dụ phân tích về chương trình giảng dạy mới, cho phép một chương trình, nhiều sách giáo khoa, sẽ khiến nhu cầu phát triển năng lực lựa chọn, xây dựng học liệu của người dạy trở nên cấp bách hơn. Những sự thay đổi đó có mối quan hệ tương hỗ với nhau, chứ không thể mang tính thứ tự trước sau.

Tập huấn cần giúp giáo viên có những năng lực theo yêu cầu mới

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh: Do người dạy là một mắt xích trong hệ thống các yếu tố tác động đến quá trình dạy và học, nên họ cần có năng lực sư phạm xử lý, tận dụng và đáp ứng những yêu cầu của những yếu tố đó.

Trong quá trình dạy, vai trò của người dạy không còn là nguồn chuyển giao kiến thức cho người học theo cách hiểu truyền thống nữa, mà họ có thể có những vai trò khác nhau, trong những điều kiện giáo dục khác nhau.

Vì vậy, năng lực họ cần có là năng lực tạo điều kiện, thông qua việc phối hợp với các yếu tố khác, để tạo nguồn lực cho người học của họ học tập. Do đó, việc bồi dưỡng, tập huấn cho người dạy cần làm cho người dạy hiểu về vai trò của mình, và nâng cao năng lực giúp người học học tập của họ.

Bồi dưỡng tránh nặng lý thuyết, ít thực hành

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh cho rằng, việc bồi dưỡng chuyên môn cho người dạy cần dựa trên những nhu cầu, điều kiện thực tế của người dạy, chứ không nên là những hoạt động mang tính chất chính sách, được lựa chọn từ trên xuống (top-down) từ các bậc quản lý.

Bồi dưỡng chuyên môn, về bản chất, không phải và không nên được coi là việc đào tạo lại, hay đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng cho người dạy. Mà đó chủ yếu nên là hoạt động hỗ trợ cho người dạy áp dụng những lý thuyết, phương pháp sư phạm họ đã được học trong trường sư phạm vào thực tiễn giảng dạy của họ.

Vì vậy, hoạt động này cần phải diễn ra thường xuyên, và gắn với thực tiễn giảng dạy hàng ngày của người dạy, về những vấn đề của riêng cá nhân hay tập thể người dạy ở tổ, khoa hay trường của họ.

Đề xuất này có hai điểm chính: Một là, bồi dưỡng giáo viên không nên nặng lý thuyết và ít thực hành như hiện tại, mà cần có quá trình hướng dẫn áp dụng thực tế (coaching).

Hai là bên cạnh hình thức tập huấn, bồi dưỡng tập trung như hiện tại, nên xây dựng các mô hình phát triển chuyên môn thường xuyên, hoạt động thông qua các cộng đồng chuyên môn (community of practice) giữa chính những người dạy trong đơn vị, địa phương, có sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia.

Bồi dưỡng phải dựa trên nhu cầu thực thế của người dạy

Tiếp nối đề xuất trên, tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh thêm: việc lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển chuyên môn cần theo hướng từ cơ sở đưa lên (bottom-up), tức là dựa trên nhu cầu thực tế của người dạy.

Nhưng để làm được như vậy, cần có một khung năng lực chung quy định, định hướng cho người dạy về những năng lực cần thiết, phù hợp với mục tiêu, chương trình giảng dạy và với thời đại, điều kiện của đất nước, và ngành.

Đề án 2020 đã có một sản phẩm mang tính định hướng như vậy là Khung chuẩn giáo viên Tiếng Anh (ETCF), nhưng khung chuẩn này cần được hoàn thiện và phổ biến rộng rãi hơn. Dựa trên việc người dạy hiểu và áp dụng những khung năng lực như vậy, họ sẽ biết mình đang ở đâu, và mình nên đi đến đâu, họ có năng lực gì và còn thiếu những gì, để từ đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn của mình, có động cơ và nhu cầu bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.

Quá trình lập kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho người dạy theo hướng từ dưới đi lên (bottom-up teacher training plans) có thể thực hiện được nhờ dựa trên cơ sở áp dụng khung chuẩn năng lực chung như vậy.

Thói quen tự học vô cùng quan trọng

Cuối cùng, theo tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh, cần nuôi dưỡng động cơ, nhu cầu và thói quen tự học, tự bồi dưỡng và học tập trọn đời (life-long learning) của người dạy. Điều này có thể có được nhờ kết hợp giữa việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn theo hướng bottom-up, phù hợp với nhu cầu cụ thể, thiết thực của người dạy như kể trên, với những cơ chế, chính sách quản lý phù hợp về hoạt động này.

Ví dụ, người dạy cần được xem xét tham gia định kỳ, luân phiên trong các đợt tập huấn, bồi dưỡng theo nhu cầu, lựa chọn của họ như một phần trong nhiệm vụ chuyên môn của họ, gắn với những hoạt động thực hành, phối hợp với các thành viên khác trong cộng đồng chuyên môn của họ hình thành những kế hoạch, chiến lược cụ thể áp dụng những nội dung bồi dưỡng, tập huấn đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.