Chuẩn hóa đội ngũ, trường lớp sẵn sàng cho năm học mới

GD&TĐ - Hiện tại, các trường đang sẵn sàng những điều kiện tốt nhất để chào đón năm học mới. Với cấp tiểu học đã cho học sinh đến trường để làm quen môi trường mới, thầy cô mới.

Cô trò Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội).
Cô trò Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội).

Chủ động bồi dưỡng chuyên môn

Thầy Vũ Ngọc Thạch - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, năm học 2022-2023, trường có hơn 1.100 học sinh, riêng khối 3 là 227 em. Sĩ số học sinh không có biến động nhiều. Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới, nhà trường tiến hành rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, lập kế hoạch bổ sung đồ dùng còn thiếu, sửa chữa thiết bị hỏng hóc.

Ngoài ra, nhà trường tiến hành tổng vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học, xây dựng cảnh quan môi trường, trồng bổ sung cây ăn quả, cây bóng mát, vườn hoa... bố trí lại góc thiên nhiên; phối hợp với phụ huynh và một số học sinh gần khu vực trường dọn dẹp, trang trí bên ngoài, bên trong các phòng học, tạo không gian học tập thoải mái và an toàn nhất cho các em.

Tất cả đều trang trí theo hướng mở, lấy học sinh làm trung tâm với sự sáng tạo riêng, phù hợp với đặc trưng của từng độ tuổi. Trong dịp hè, Thư viện nhà trường luôn mở cửa đón học sinh đến đọc sách, chơi cờ vua và nhiều hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về danh lam thắng cảnh, lịch sử của địa phương, tạo một sân chơi bổ ích, phấn khởi khi bước vào năm học mới.

Theo thầy Thạch, nhà trường tiếp tục chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ngoài việc trang bị đầy đủ xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn cho các lớp, phun khử khuẩn trường lớp, nhà trường chú trọng tuyên truyền tới phụ huynh và cộng đồng làm tốt công tác phòng chống dịch.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hải Lý tại thư viện trong dịp hè.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hải Lý tại thư viện trong dịp hè.

Thầy Vũ Ngọc Thạch nhấn mạnh, về cơ sở vật chất hiện nay, trường đã đảm bảo 100% học sinh của trường học 2 buổi/ngày. Do đó, việc triển khai chương trình mới theo lộ trình ở những năm tiếp theo tương đối thuận lợi, đảm bảo tỉ lệ 1 lớp/1 phòng học. Từ thực tế triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1, lớp 2, nhà trường xác định yếu tố quan trọng nhất góp phần triển khai thành công chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chất lượng đội ngũ giáo viên.

"Công tác chuẩn bị về đội ngũ, dự kiến giáo viên tập huấn và giảng dạy các lớp triển khai Chương trình GDPT 2018 luôn được nhà trường chú trọng và quan tâm. Nhà trường tiếp tục ưu tiên lựa chọn giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực chuyên môn tốt, có khả năng tiếp thu các phương pháp dạy học mới để đảm nhiệm giảng dạy khối lớp 3. Nhà trường đã chỉ đạo các Tổ chuyên môn tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt nghiên cứu nội dung chương trình SGK lớp 3 và cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức" - thầy Thạch nói.

Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cha mẹ học sinh biết về chương trình GDPT 2018, những điểm mới của chương trình để có tâm thế chủ động cho con bước vào năm học mới. Tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để tạo đồng thuận và ủng hộ của các lực lượng xã hội.

Chú trọng khâu tổ chức bán trú

Thầy Nguyễn Thế Hảo - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông.

Thầy Nguyễn Thế Hảo - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông.

Thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội và Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Trường THCS Lê Quý Đôn sẽ tổ chức tựu trường cho học sinh vào ngày 29/8, trước khai giảng 1 tuần để cho các em làm quen với môi trường mới. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thế Hảo cho hay, toàn trường có 38 lớp với tổng số 1.680 học sinh, riêng khối 6 là 495 em, khối 7 có 432 em. Khối 9 là 360 em, còn lại là khối 8.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên dạy SGK lớp 6, 7 theo Chương trình GDPT 2018 được nhà trường thực hiện thường xuyên, kể cả trong thời gian nghỉ hè. Trường đã chủ động mời chuyên gia của các bộ sách do nhà trường lựa chọn về tập huấn cho giáo viên. Nhà trường đã họp thống nhất để xây dựng kế hoạch bài dạy, kế hoạch dạy học.

"Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị cho tập trung học sinh từ ngày 29/8 và khai giảng vào ngày 5/9. Các điều kiện cơ sở vật chất vẫn đảm bảo; có phòng dạy riêng 2 bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật cũng như các môn trong chương trình mới với lớp 6, 7. Việc cung ứng SGK các môn cho học sinh đã được lên kế hoạch và thực hiện nghiêm túc", thầy Hảo cho biết.

Trẻ được thỏa sức sáng tạo với không gian trải nghiệm về mỹ thuật ngay tại sân Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm.

Trẻ được thỏa sức sáng tạo với không gian trải nghiệm về mỹ thuật ngay tại sân Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm.

Với cấp học mầm non, các nhà trường vẫn chăm sóc trẻ cả trong hè trên cơ sở đăng ký từ phụ huynh học sinh. Cô Nguyễn Thị Thu An – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, toàn trường năm học này có tổng số 728 học sinh; tuyển mới khoảng 200 cháu và đạt chỉ tiêu quận giao.

Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ kể cả trong hè luôn được đảm bảo theo yêu cầu. Số trẻ đăng ký ăn bán trú tại trường rất cao, nhân viên nuôi dưỡng của trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhà trường luôn chú trọng khâu bồi dưỡng giáo viên để nâng cao nghiệp vụ sư phạm, cải thiện cảnh quan sư phạm theo hướng thân thiện với thiên nhiên để trẻ được phát triển toàn diện.

"Ngay sau khi kết thúc năm học 2021-2022, nhà trường đã tổng hợp số lượng trẻ đăng ký học hè để tổ chức kế hoạch giáo dục trong hè. Đặc biệt, công tác an toàn bán trú và đảm bảo phòng chống dịch luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà trường. Với sự phối hợp giữa các bộ phận cùng sự đồng hành của các bậc phụ huynh, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ngày càng được nâng cao và nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân" - cô Thu An chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, trên địa bàn có tổng số 15 trường công lập; trong đó có 2 THCS, 6 Tiểu học, 7 Mầm non. Đến nay, công tác tuyển sinh đạt 100% chỉ tiêu giao.

Các trường THCS và Tiểu học được phân cấp tự chủ về sửa chữa nếu xuống cấp. Trong 2 tháng qua, các trường đã hoàn thiện việc lăn sơn, tôn nền và sửa chữa nhỏ theo ngân sách mỗi trường được phê duyệt. Riêng các Trường Mầm non: Hoàng Hanh, Sen Hồng, Dương Nội là trường cũ xuống cấp nên được quận triển khai sửa chữa do Ban quản lý dự án quận làm chủ đầu tư...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.