Về vấn đề đẩy mạnh tự chủ đối với các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ ĐH, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lựa chọn 23 cơ sở giáo dục ĐH thực hiện thí điểm tự chủ. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm hoạt động tự chủ của các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019); trong đó, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH.
Về chuẩn hóa chức danh và tiêu chuẩn đối với giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Chức danh và tiêu chuẩn của giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, Điều lệ trường ĐH… Theo đó, giảng viên trong cơ sở giáo dục ĐH là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ; Chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư; trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ trở lên.
Để từng bước chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BGDĐT quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập, như: Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét; được thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai dự án “Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” (ETEP), với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới có mục tiêu chung: Phát triển các trường ĐH sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Bộ GD&ĐT đang xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên hệ thống trường sư phạm trên cả nước.
So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục còn khiêm tốn. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH; đồng thời ban hành các quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với các vấn đề mà cử tri quan tâm nhằm phát triển, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.