Công khai chất lượng đào tạo: Cần nghiêm túc thực hiện

GD&TĐ - Việc Bộ GD&ĐT thanh tra đột xuất 4 trường ĐH liên quan đến chất lượng tuyển sinh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo với các trường ĐH về công tác bảo đảm chất lượng. Công khai chất lượng đào tạo, kiểm định chương trình và xây dựng chuẩn đầu ra là điều Bộ GD&ĐT bắt buộc các trường phải thực hiện.

SV Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thực hành
SV Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thực hành

“Chiếc áo khoác” nhiều màu sắc

Tại hội nghị về công tác tuyển sinh 2019 và thực hiện Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung một số điều, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng cho biết việc công khai chất lượng đào tạo của nhiều trường đang khá mập mờ, có trường chất lượng đào tạo chỉ như chiếc “áo thường” lại công bố đó là “hàng hiệu”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý cần sớm chấm dứt và các trường phải nghiêm túc thực hiện cam kết với người học về điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, chịu trách nhiệm giải trình với xã hội.

Thực tế, việc công khai chất lượng đào tạo đã được Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện từ lâu bằng nhiều tiêu chí. Trong đó có 3 tiêu chí chính là: tỉ lệ sinh viên có việc làm, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và kiểm định chương trình đào tạo. Tuy nhiên, theo Cục quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này mới có 121/251 cơ sở giáo dục đạt được tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Toàn hệ thống mới có 6 cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo chuẩn của các tổ chức quốc tế, cá biệt còn đến 20 trường chưa hoàn thành công tác tự đánh giá. Đặc biệt, công tác kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo khá yếu khi chỉ có 144 chương trình đào tạo trong tổng số hàng nghìn chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Để làm được việc này, các trường ngoài việc thay đổi cơ chế quản lý; đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ giảng dạy; cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo đáp ứng thực tế nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên thì trách nhiệm giải trình với xã hội, cam kết với sinh viên phải được thực hiện một cách nghiêm túc.

Hiện nay vẫn còn không ít trường không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Bộ GD&ĐT, như công khai tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm; đảm bảo chất lượng, đội ngũ giảng viên cơ hữu/sinh viên/cơ sở vật chất. Đặc biệt đáng lo ngại là nhiều trường khi làm đề án tuyển sinh đã kê khống số lượng giảng viên cơ hữu, điều kiện cơ sở vật chất... Về báo cáo đầu ra, nhiều trường thống kê tỉ lệ việc làm của sinh viên quá sơ sài (chỉ hỏi sinh viên và chờ phản hồi), thiếu đơn vị độc lập xác minh khiến các con số đưa ra “rất ảo”.

Ông Trần Quang Xuyến - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Phương  tỏ ra bức xúc: “Doanh nghiệp chúng tôi đánh giá sản phẩm đào tạo của các trường đại học bằng chính năng lực, kỹ năng tiếp cận công việc của các em chứ không chăm chăm ở tấm bằng và xếp loại. Việc các trường công bố 80 - 90% sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên môn là điều chúng tôi vẫn nghi ngờ. Thực tế, test đầu vào và phỏng vấn nghiệp vụ chuyên môn 10 em thì 6 em yếu và thiếu rất nhiều vấn đề, các em rất khó để đáp ứng được công việc đúng ngành nghề mình theo học nếu như không được doanh nghiệp bỏ tâm sức đào tạo lại. Đây là thực trạng cần thẳng thắn nhìn nhận”.

Do đó, theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, sắp tới các trường buộc phải công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường và phải chịu trách nhiệm trước xã hội với những thông tin công khai đó. Các trường đồng thời phải tập trung kiểm định chất lượng, trong đó đặc biệt quan tâm kiểm định các chương trình đào tạo.

 Gia tăng hậu kiểm

Khoản 5 điều 33 Luật Giáo dục ĐH sửa đổi quy định rõ: Nếu một chương trình đào tạo trong quá trình đào tạo không thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng hoặc kiểm định chất lượng nhưng không đạt thì phải dừng quá trình tuyển sinh tiếp theo. Còn đối với cơ sở giáo dục đào tạo, nếu không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Tất cả những điều nêu trên tất nhiên phải gắn với trách nhiệm giải trình và công khai trước xã hội của các trường đại học. Tuy nhiên, nhiều trường vì áp lực tuyển sinh đã gần như bỏ lơ các quy định này.

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại mà các cục, vụ chức năng của Bộ GD&ĐT chỉ ra, ông T.L.T - Phó Hiệu trưởng một trường đại học tại TPHCM: Công tác bảo đảm chất lượng đào tạo của nhiều trường đang có vấn đề, nhất là các trường ngoài công lập. Không chỉ bất cập từ khâu tuyển sinh kiểu “cứ nộp hồ sơ là trúng tuyển”, nhiều trường còn xem nhẹ các quy định của Bộ GD&ĐT về 3 công khai; “giật gấu, vá vai” đội ngũ giảng viên để mở ngành, tuyển sinh.

“Kiểu tuyển sinh bằng mọi giá, tuyển bằng mọi cách miễn sao đạt được chỉ tiêu năm học đề ra, bất chấp hệ lụy sinh viên có theo học nổi không, nhân lực đào tạo ra có đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp không là cách làm chưa phù hợp. Hai năm nay, các trường ĐH được Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở các điều kiện do Bộ GD&ĐT đưa ra. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều trường vẫn xem nhẹ các điều kiện về đảm bảo chất lượng. Ở đây, tôi không nói đến yếu tố kinh doanh trong giáo dục. Nhưng rõ ràng khi anh chỉ chăm chăm và quay cuồng với một mục tiêu duy nhất: tuyển sinh đủ chỉ tiêu rồi tính đến đội ngũ, thì rất khó để có một nguồn nhân lực chất lượng thật sự sau quá trình đào tạo” - vị hiệu phó trên chia sẻ.

Đến nay vị trí xếp hạng của các trường đại học tại Việt Nam so với khu vực và thế giới vẫn còn rất thấp (mới có ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội lọt Top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới), cũng như số lượng ít ỏi các công trình khoa học, bài báo được công bố trên các ấn phẩm khoa học hay tờ báo, tạp chí quốc tế có uy tín. Về phương diện đào tạo, tỉ lệ sinh viên rơi rụng hàng năm của các trường khá cao (từ 10 - 20%) do học không nổi, định hướng ngành nghề sai,... ít nhiều cũng phản ánh thực trạng “bỏ lơ” chất lượng trong đào tạo của nhiều trường.

Đó là chưa kể, nhiều trường ĐH - CĐ dù có quy mô sinh viên khá lớn nhưng điều kiện cơ sở vật chất toàn thuê mướn, công tác tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, nghiên cứu cho sinh viên, giảng viên gần như chỉ có trên giấy và những lời quảng cáo hoa mỹ... Điều đó ít nhiều kéo chất lượng đầu ra của sinh viên xuống thấp.

Trước thực trạng trên, tại Hội nghị về công tác tuyển sinh 2019 mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An khẳng định: Sắp tới, ngoài việc xây dựng, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu GDĐH chi tiết đến từng sinh viên, từng giảng viên, Bộ GD&ĐT sẽ gia tăng việc kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm trong tuyển sinh, đào tạo để trả lại chất lượng đào tạo thật sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ