Nghệ thuật quản lý của hiệu trưởng

GD&TĐ - Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, Chuẩn hiệu trưởng đã có những tác động tích cực đến nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ. 

Hiệu trưởng cần có đủ năng lực giám sát giáo viên và tập huấn cho giáo viên của mình là tốt nhất
Hiệu trưởng cần có đủ năng lực giám sát giáo viên và tập huấn cho giáo viên của mình là tốt nhất

Tuy nhiên để Chuẩn phát huy hết vai trò trong giai đoạn hiện nay cần khắc phục những hạn chế để Chuẩn thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hết những ưu thế trong công tác quản lý.

Quản lý là một khoa học và nghệ thuật

Theo tiến sỹ Hoàng Thị Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), mục đích đánh giá theo Chuẩn hiện nay vẫn còn nặng về xếp loại, coi nhẹ việc sử dụng kết quả cho việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng, dẫn đến kết quả đánh giá theo Chuẩn chưa thực chất, chưa phản ánh đúng chất lượng đội ngũ; phần lớn kết quả đánh giá, xếp loại ở mức cao hơn thực tế.

Quy trình đánh giá chưa phát huy được vai trò tự đánh giá của giáo viên, cán bộ quản lý cũng như sự quan tâm giúp đỡ của đồng nghiệp, do đó khó tránh khỏi tính nể nang, né tránh dẫn đến kết quả thiếu trung thực. Sau đánh giá, những người đạt kết quả cao chưa được động viên, khích lệ kịp thời, những người chưa đạt chuẩn chưa có chế tài về sử dụng, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn do đó chưa tạo được động lực phấn đấu theo Chuẩn.

Còn thạc sỹ Nguyễn Hồng Liêu – Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Giáo dục TP Hồ Chí Minh – phân tích: Thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm họ là những nhà chuyên môn, được đào tạo bài bản chủ yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Từ chuyên môn giỏi, họ được đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm. Do vậy, khi lên làm quản lý chủ yếu theo kinh nghiệm bản thân và học theo người tiền nhiệm.

Trong khi quản lý là một khoa học và là một nghệ thuật. Là khoa học phải học, là nghệ thuật càng phải học. Đôi khi chúng ta đưa những nhà giáo giỏi nên làm quản lý chúng ta mất một giáo viên dạy giỏi để có một nhà quản lý chưa giỏi. Hiện tượng này không phải là cá biệt. Xét về khía cạnh sản phẩm, quản lý là một nghề có tầm quan trọng đặc biệt so với những nghề khác vì sản phẩm của quản lý là sản phẩm của một tổ chức có từ vài người tới hàng chục triệu người tham gia. Người quản lý có tầm ảnh hưởng và sự tác động có tính quyết định đến chất lượng đơn vị, tổ chức. Nếu không có năng lực quản lý trao cho họ quyền lực quản lý họ sẽ làm hại cho cả một tổ chức, một đơn vị, với hàng trăm, hàng triệu con người.

Chính vì vậy, tiến sỹ Hoàng Thị Hạnh – cho rằng, trước hết cần thay đổi nhận thức về Chuẩn. Chuẩn không phải chỉ là công cụ dùng để đánh giá, xếp loại trong thi đua mà mục đích đầu tiên của Chuẩn là để giúp giáo viên, cán bộ quản lý tự đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực nghề nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Sau đó, Chuẩn làm cơ sở để đánh giá, xếp loại giáo viên hàng năm phục vụ công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng; làm cơ sở để nghiên cứu, đề xuất và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý và cung cấp tư liệu cho các hoạt động quản lý khác. “Trong thời gian tới cần có những nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện nội dung văn bản Chuẩn, chế tài đánh giá và hướng dẫn đánh giá đội ngũ theo Chuẩn để Chuẩn dễ vận dụng hơn trong thực tiễn” - Tiến sỹ Hạnh đề xuất.

Cần đâu học nấy

Liên quan đến vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho rằng, hơn bao giờ hết cần nâng cao năng lực quản lý cho các hiệu trưởng thông qua việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Theo đó, bồi dưỡng tốt nhất cho hiệu trưởng là bồi dưỡng năng lực và khả năng tự học của mỗi người, khả năng vươn lên của Hiệu trưởng cùng với sự phát triển của mỗi nhà trường.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm phân tích: Tự học, tự bồi dưỡng của mỗi Hiệu trưởng hiện có nhiều vấn đề, họ thấy thiếu đâu, cần đâu học nấy sẽ có hiệu quả. Học từ các lớp bồi dưỡng, học trong sách vở và quan trọng học các đồng nghiệp, học từ thực tế các nhà trường và xã hội mới quan trọng. Hiệu trưởng không chỉ được bồi dưỡng theo các lớp quản lý, các chuyên đề bổ sung cập nhật hàng năm để nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ quản lý cho

Ngoài ra, hiệu trưởng cần được bổ sung thêm chương trình bồi dưỡng về tâm lý và giáo dục để họ có thể chủ động, sáng tạo vận dụng hàng ngày cho công tác tâm lý học đường của mỗi nhà trường; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm làm công tác giáo dục tốt hơn, không mắc phải những sai sót cơ bản. Họ cũng phải được bồi dưỡng chuyên môn sâu như những giáo viên cốt cán của các bộ môn, nhất là những chương trình đổi mới giáo dục hiện nay, để họ có đủ năng lực giám sát giáo viên và tự trang bị, tập huấn cho giáo viên của mình là tốt nhất.

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ Trần Quốc Tuấn – Trường Đại học Quy Nhơn đề xuất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường, khoa sư phạm và Học viện Quản lý Giáo dục với các Sở GD&ĐT, trường phổ thông trong việc đổi mới công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Qua đó, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, chia sẻ kinh nghiệm, chương trình, tài liệu và nội dung bồi dưỡng để tìm ra những vấn đề cốt lõi trong công tác đổi mới bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu của thực tiễn giáo dục đang đặt ra. “Một trong những nội dung quan trọng của phối hợp này là cùng nhau xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu học liệu để đảm bảo sự thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng”- tiến sỹ Trần Quốc Tuấn trao đổi.

“Thường xuyên tự bồi dưỡng hoặc tham gia các chương trình bồi dưỡng của các cấp quản lý, là cách để giúp hiệu trưởng thật sự là người nắm chắc khoa học quản lý, khoa học giáo dục và biết cách vận dụng chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường. Tốt nhất mỗi hiệu trưởng phải phấn đấu trở thành người có đủ năng lực dẫn dắt cả Hội đồng sư phạm và thực hiện tốt nhất khoa học giáo dục trong tiến trình đổi mới” – Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ