Chuẩn bị triển khai CTGDPT mới: Hà Nội nỗ lực hạ nhiệt điểm nóng

Chuẩn bị triển khai CTGDPT mới: Hà Nội nỗ lực hạ nhiệt điểm nóng

Tăng cường mở rộng trường lớp

Một trong những yêu cầu quan trọng của việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới là phải bảo đảm mỗi lớp có một phòng học để học sinh (HS) học 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu 6 buổi/tuần với sĩ số 35 HS/lớp. Yêu cầu này là thách thức không nhỏ với Hà Nội, bởi quy mô HS tăng mạnh. Trong những năm gần đây, Hà Nội luôn đối mặt với việc quá tải HS.

Chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 vào năm học 2020 - 2021, Hà Nội đã xây dựng 70 trường học mới và sửa chữa 387 trường với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng. Do tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp tiếp tục xây mới nên tình trạng thiếu trường, lớp học ở Hà Nội vẫn diễn ra, đặc biệt ở các quận như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy...

Là “điểm nóng” trong tuyển sinh đầu cấp, ngành GD-ĐT Hoàng Mai nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giảm tải. Bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: “Ngoài việc tích cực tham mưu cho UBND quận điều chỉnh, bổ sung mạng lưới trường học để đáp ứng sự gia tăng về quy mô HS. Phòng GD&ĐT quận đang rà soát quy mô các trường ở một số địa bàn có tốc độ phát triển dân số nhanh để có lộ trình giảm tải. Từ nay đến năm 2020, quận sẽ mở rộng diện tích của một số trường và xây mới thêm trường để tách Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, do quy mô đã quá lớn.

Hiện nay, có 14 trường tiểu học trên địa bàn vẫn phải thực hiện học luân phiên theo mô hình 2 buổi/ngày có cả luân phiên ngày thứ 7. Trong những năm học tới, UBND quận sẽ tiếp tục xây dựng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trường học, đặc biệt là khối trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận, làm sao đảm bảo cho các cháu, dần dần khắc phục mô hình học 2 buổi/ngày mà có luân phiên ngày thứ 7”.

Ngoài ra, lãnh đạo quận tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát, phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2020 - 2030; tham mưu Thường trực Quận ủy, đề xuất UBND thành phố, làm việc với các chủ đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn quận để ưu tiên dành quỹ đất phù hợp xây dựng các trường học.

Theo ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, vấn đề tăng dân số cơ học mà quận đang phải đối mặt gây áp lực lên cơ sở hạ tầng xã hội, đặc biệt là về trường lớp. Hầu hết các lớp học ở trường công trên địa bàn sĩ số đều rất đông. Đây cũng là khó khăn lớn nhất đối với ngành GD-ĐT Cầu Giấy trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quận Cầu Giấy có diện tích 12 km2, quy hoạch đến năm 2025 - 2030 là 25 vạn dân. Nhưng qua điều tra dân số thì hiện nay đã là 28,5 vạn dân. Theo tính toán đến năm 2030, dân số của quận có thể lên đến 40 vạn dân. Quận đang tích cực thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng trường lớp. Theo kế hoạch, cuối năm 2019, đầu năm 2020, Cầu Giấy sẽ khởi công khoảng 10 trường học mới.

Đảm bảo mọi học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 764 trường tiểu học với gần 740.000 HS và 36.000 giáo viên. Công tác đầu tư cơ sở vật chất của các trường học được quan tâm triển khai. Tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày đã đạt gần 95%. Chỉ còn khoảng 5% trường tiểu học vẫn còn học 1 buổi/ngày do chung địa điểm với trường THCS.

Để đáp ứng các yêu cầu triển khai Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, ngay từ bây giờ, hiệu trưởng các trường cần căn cứ vào quy mô HS lớp 1 của năm học 2020 - 2021, tính toán số phòng học cần bổ sung để các phòng GD&ĐT tham mưu cho chính quyền địa phương có giải pháp đầu tư theo lộ trình. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tham mưu cho UBND thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị khó khăn, nhằm bảo đảm để mọi học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày với điều kiện tốt nhất vào năm học 2020 - 2021.

Thời gian tới, ngành GD Hà Nội tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng quy mô, mạng lưới trường lớp, HS; xác định quy mô, nhu cầu cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học; tham mưu, đề xuất UBND thành phố có kế hoạch về nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch tổng thể và từng năm thực hiện “Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo phù hợp với lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học theo quy định.

Ưu tiên đầu tư phòng học đối với cấp tiểu học, đảm bảo một lớp/phòng học để triển khai dạy học 2 buổi/ngày, phòng học bộ môn đối với cấp THCS và THPT, xóa phòng học bị xuống cấp; Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Các phòng GD&ĐT cần tích cực tham mưu UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp và tăng cường trang thiết bị dạy học cho các nhà trường, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với HS lớp 1 vào năm học 2020 - 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.