Khi được trở lại trường, trẻ sẽ có những bỡ ngỡ nhất định nên nhà trường và gia đình cần có các giải pháp phù hợp để ổn định tâm lý cho các em, nhất là học sinh khối 1.
Tạo hứng thú cho học trò khi đến trường
Với 2.087 học sinh đang theo học, Trường Tiểu học Yên Nghĩa (quận Hà Đông) luôn bám sát sự chỉ đạo từ phòng GD&ĐT quận cũng như lãnh đạo các cấp về duy trì hoạt động dạy học thích ứng với tình hình mới. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Quyên nhấn mạnh: Nhà trường luôn sẵn sàng các kịch bản khi đón học sinh trở lại trường cũng như chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, vật tư y tế. Nhà trường đang tiến hành lấy ý kiến phụ huynh trên cơ sở tự nguyện việc đăng ký cho trẻ ăn bán trú. Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện, dự kiến sau kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, trường sẽ triển khai công tác bán trú.
“Riêng khối 1, các em chưa một lần được tới trường nên có những thiệt thòi nhất định. Khi đến trường, cả cô và trò đều đeo khẩu trang nên việc nhận diện sẽ khó khăn. Do đó, ngay trong sáng 6/4, chúng tôi phân công giáo viên cầm theo biển lớp để đón học sinh ngay tại cổng trường. Mỗi em được bố mẹ làm cho một chiếc thẻ nhỏ bằng các vật liệu và hình thù sáng tạo, trên đó ghi rõ họ tên học sinh, tên lớp, cô giáo chủ nhiệm là ai kèm số điện thoại của phụ huynh.
Khi trẻ vào sân trường, các cô căn cứ thông tin ghi trên thẻ đó để hỗ trợ dẫn học sinh vào trong lớp. Mỗi khối, nhà trường cử từ 1 – 2 cô đứng ở hành lang lớp học để hướng dẫn các em vào lớp. Ngoài ra, để chào đón học sinh, ở cổng trường cũng sẽ có các nhân vật hoạt hình như chuột Mickey, vịt Donald nhằm tạo ấn tượng và sự thích thú trong thời khắc lần đầu được đến trường” – cô Trần Thị Quyên nhấn mạnh.
Trong thời gian đầu, trường chưa tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Học sinh lớp nào ở nguyên lớp đó, hạn chế giao tiếp giữa học sinh các lớp với nhau. Giờ đón học sinh cũng như giờ tan trường cũng được bố trí lệch giờ để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong buổi đầu tiên đến trường, cô giáo chủ nhiệm sẽ trao đổi, hướng dẫn các em lớp 1 về cách đi đứng, phát biểu và một số kỹ năng mềm. Sau đó, giáo viên mới rà soát lại các kiến thức các em đã học trong thời gian trực tuyến để có giải pháp tiếp theo.
Bố mẹ cần quan tâm con nhiều hơn
Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Khi quay trở lại trường, học sinh có thể xuất hiện tình trạng nhạy cảm và lo lắng thái quá về mọi thứ, không chịu nói, không chịu giao tiếp... Do đó, trong tuần đầu tiên trẻ trở lại trường, bố mẹ cần đặc biệt quan tâm để nhận ra các dấu hiệu trẻ bị stress hoặc lo lắng.
Đó có thể là một số biểu hiện như trở nên quá bám mẹ, cáu gắt, có hành vi sai, vi phạm nội quy ở trường, khóc lóc hoặc không muốn đến trường. Trong trường hợp đó hãy gửi những lời nhắn yêu thương đến con. Dạy con những thông điệp tự nhủ tích cực là mình có thể vượt qua được, mọi việc sẽ ổn thôi, không phải chỉ riêng mình có những cảm xúc như thế. Giúp con bình tĩnh trong tuần đầu tiên. Rồi cảm giác lo lắng và mất kết nối sẽ đi xuống.
Cũng theo vị chuyên gia tâm lý, phụ huynh nên trao đổi với con về việc quay trở lại trường sẽ trông đợi những điều gì? Tùy vào độ tuổi, nếu lớp nhỏ có thể nói cho con hình dung ngày quay lại trường, viết các câu chuyện về ngày được đi học lần đầu tiên sau dịch. Trẻ lớn hơn thì giao lưu, chia sẻ với bạn bè về kế hoạch quay lại trường, bên cạnh học còn chơi, hoạt động giao lưu với nhau vui thế nào. Bố mẹ nên cùng con tổ chức lại góc học tập, sắp xếp sách vở, cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một sự lên dây cót tinh thần.
Là đơn vị có 87% số phụ huynh đồng ý cho con đi học trực tiếp từ ngày 6/4, cô Trần Thị Bích Liên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) cho hay: Trong buổi học trực tuyến ngày 5/4, các cô giáo đã dặn dò và cho các em xem những hình ảnh trang trí trên lớp học để chào mừng ngày cô trò được đến trường, nhất là khối 1 để trẻ có tâm thế tốt nhất. Các em rất háo hức được tới trường gặp cô giáo và các bạn.
Nhiều bậc phụ huynh cũng bày tỏ phấn khởi khi các con được đi học và đề nghị nhà trường tổ chức bán trú để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm công tác. Riêng công tác đón trẻ lớp 1, nhà trường sẽ bố trí lực lượng đông đảo gồm cả giáo viên, giáo sinh thực tập ở trường đón học sinh đưa vào từng lớp. Để đảm bảo trật tự giao thông, trường cũng bố trí thời gian đón học sinh lớp nhỏ muộn hơn và giờ tan học sớm hơn so với các lớp lớn. Xác định sẽ rất vất vả khi đón các em trở lại trường nhưng các thầy cô cố gắng hết mình vì học sinh thân yêu.