Chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Địa phương chủ động nhập cuộc

Chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Địa phương chủ động nhập cuộc

Thay đổi phù hợp với tình hình dịch bệnh

Nhận định về dự thảo quy chế, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long nói: Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, thay vì “cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ” như Kỳ thi THPT quốc gia, dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ ghi “các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh”.

“Những thay đổi của quy chế để phù hợp với mục tiêu mới của kỳ thi (chủ yếu lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp). Tuy nhiên, kỳ thi không bỏ mục tiêu cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh. Tôi ủng hộ chủ trương thay đổi của Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Sự thay đổi này phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19” – ông Trịnh Văn Ngoãn nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, các vấn đề cần rút kinh nghiệm về quy trình ra đề, in sao và vận chuyển bài thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, xét công nhận tốt nghiệp… trong các kỳ thi trước đã được khắc phục khá triệt để (thể hiện trong dự thảo quy chế). “Theo tôi, nếu các quy định trên được triển khai thực hiện nghiêm túc, kết quả của kỳ thi là đáng tin cậy” – ông Trịnh Văn Ngoãn khẳng định.

Thay đổi có lợi cho thí sinh

Cho biết đã đọc kỹ dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, thầy Nguyễn Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) nhận định: Quy định trong dự thảo được Bộ GD&ĐT xây dựng hợp lý, tính bảo mật được chú trọng hơn. Đặc biệt, dự thảo quy chế được Bộ GD&ĐT xây dựng có tính toán trên cơ sở có lợi cho thí sinh, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, học sinh phải tạm dừng đến trường trong khoảng thời gian dài.

Phân tích cụ thể nhận định này, thầy Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Thay đổi có lợi nhất với thí sinh là cách tính điểm để xét tốt nghiệp. Cụ thể, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp. Quy định này giảm nguy cơ bị điểm liệt cho học sinh. Công thức tính điểm xét tốt nghiệp vẫn như cũ với tỷ lệ 70% điểm thi, 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có), giúp đánh giá được cả quá trình học của học sinh.

Chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Địa phương chủ động nhập cuộc ảnh 1
Sự vào cuộc của các địa phương là niềm tin của thí sinh khi bước vào kỳ thi. Ảnh minh họa

“Thêm nữa, năm nay thí sinh chỉ được chọn một bài thi tổ hợp, như vậy sẽ tập trung vào một bài thi tổ hợp mình có thế mạnh. Thí sinh chỉ cần học hết chuẩn kiến thức, kĩ năng tối thiểu trong chương trình giáo dục phổ thông có thể đỗ tốt nghiệp, chưa kể lợi thế lớn về điểm khuyến khích. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình học kỳ II năm học 2019 - 2020, công bố đề thi tham khảo mới mức độ phù hợp để đánh giá xét tốt nghiệp, nên thí sinh không có gì phải băn khoăn về đề thi” – thầy Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Nhấn mạnh thêm nội dung quan trọng của dự thảo quy chế là giao quyền tự chủ cho địa phương, đặc biệt là khâu coi thi, chấm thi, thầy Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Mọi năm, Kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tổ chức ở địa phương, do đó địa phương đã rất chủ động và có nhiều kinh nghiệm. Về chấm thi, Bộ GD&ĐT xây dựng phần mềm và quy trình chấm, cách thức quản lý ngày càng chặt chẽ, cộng với kinh nghiệm chấm thi của địa phương, nên có thể yên tâm khi giao quyền cho địa phương trong tổ chức kỳ thi.

“Riêng Trường THPT Thanh Thủy, nếu được chọn là một điểm thi, mọi điều kiện luôn bảo đảm sẵn sàng” – thầy Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Tăng cường trách nhiệm cá nhân, đơn vị giám sát

Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra an toàn, chất lượng, kết quả đáng tin cậy, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh để triển khai công tác phối hợp với các ngành có liên quan một cách chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng quy trình coi và chấm thi; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cá nhân và đơn vị giám sát kỳ thi.

Về phía ngành Giáo dục, từ nay đến khi kỳ thi diễn ra, sẽ thành lập nhiều đoàn tiến hành kiểm tra công tác ôn tập của các trường, cơ sở vật chất chuẩn bị cho kỳ thi, làm việc với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương để hỗ trợ cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Qua kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh nền nếp dạy và học trong ôn tập, chỉnh trang, sửa chữa lại cơ sở vật chất để bảo đảm tốt cho kỳ thi.

“Tùy theo tình hình dịch bệnh, Sở GD&ĐT An Giang sẽ thành lập đoàn cán bộ, giáo viên là lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT và thành viên Hội đồng bộ môn trực tiếp đến các trường THPT để tư vấn, hướng dẫn cách ôn tập, làm bài và giải đáp thắc mắc cho học sinh khối 12 về quy chế thi để các em có bước chuẩn bị tốt về kiến thức cũng như tâm lý trước khi bước vào kỳ thi”, ông Trần Tuấn Khanh thông tin.

Một trong những thay đổi quan trọng khác của dự thảo quy chế là bổ sung trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đây là việc làm cần thiết để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân với từng công việc cụ thể và là cơ sở để khen thưởng, kỷ luật sau thi. - Ông Trịnh Văn Ngoãn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ