Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng dù dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn, nhiều vấn đề chưa lường hết song vẫn phải kiên trì, kiên định, tập trung thực hiện các mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, GDP chỉ tăng 3,72%, thấp hơn rất nhiều so với kịch bản tăng trưởng 6,5% đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ. Lý giải nguyên nhân về mức tăng trưởng này, theo Tổng cục Thống kê là do kinh tế toàn cầu suy giảm, cầu tiêu dùng giảm khiến sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt hơn. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt cũng tác động mạnh đến các doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn chậm lại...
Ở trong nước, nguyên nhân là do sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, bị tác động bởi khó khăn, thách thức từ bên ngoài. Đơn hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Mỹ và khu vực đồng Euro yếu đi.
Giải ngân vốn đầu tư công cũng chưa có nhiều cải thiện; một số thị trường then chốt như tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động... đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Như vậy, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là phù hợp với bối cảnh chung, nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 đã trở nên rất khó khăn vì 6 tháng còn lại, tốc độ tăng trưởng phải đạt 9%. Để thực hiện được mục tiêu này, yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế.
Chủ động theo dõi, đánh giá tác động tích cực tới khu vực sản xuất để có những điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa nếu cần thiết, để hỗ trợ khu vực này đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - một trong những trụ cột của tăng trưởng. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính.
Phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại, dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch cũng như các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết...
Mức tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, ngoài những giải pháp trên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính vấn đề quan trọng là phải tiếp tục bám sát thực tiễn, tăng cường phân tích, dự báo tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ.
Đặc biệt, phải chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, có giải pháp đúng và trúng để tập trung thực hiện hiệu quả với tinh thần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.