Hà Nội điều chỉnh các khoản thu trong trường công lập:

Chưa rõ các khoản thu với trường chuyên biệt, đặc thù

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, HĐND TP Hà Nội dự kiến điều chỉnh mức thu các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục với trường công lập là cần thiết.

Công việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non có nhiều đặc thù so với các cấp học khác.
Công việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non có nhiều đặc thù so với các cấp học khác.

Tuy nhiên phải giám sát việc điều chỉnh để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch.

Đáp ứng yêu cầu thực tế

HĐND TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết quy định về danh mục các khoản thu và mức thu, cơ sở quản lý thu đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn.

Theo đó, dịch vụ chăm sóc bán trú quy định mức trần là 235.000 đồng/học sinh/tháng, áp dụng cho các trường công lập (mức thu hiện nay là 150.000 đồng/học sinh/tháng). Mức thu tiền ăn của học sinh là 35.000 đồng/ngày đối với bữa trưa, 20.000 đồng/ngày đối với bữa sáng. Mức thu trang thiết bị bán trú 200.000 đồng/học sinh mầm non/năm; 133.000 đồng/học sinh tiểu học và THCS/năm (tăng 1,3 lần); nước uống 16.000 đồng/học sinh/tháng.

PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội đánh giá, đây là bước đi cần thiết và cầu thị của lãnh đạo thành phố. Dự thảo đã nhấn mạnh tới yếu tố “quản lý thu chi” nhằm củng cố tính chặt chẽ của Nghị quyết khi triển khai. Theo Nghị định 24/2023 của Chính phủ, mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng từ ngày 1/7/2023. Thời gian qua, một số trường tổ chức xã hội hóa chưa đúng quy định dẫn tới dư luận không tốt.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị An nhấn mạnh, tăng các khoản thu thì chất lượng phải tương xứng với giá trị đồng tiền mà phụ huynh đóng. Bữa ăn bán trú của học sinh có mức giá trần 35.000 đồng/em, các trường phải tính toán sao cho đủ định lượng, đảm bảo dinh dưỡng. Dịch vụ chăm sóc bán trú tăng thì trách nhiệm của giáo viên, nhân viên phải nâng cao. Đồng thời, các khoản thu phải thực hiện công khai, minh bạch và có sự giám sát của người dân.

“Trong mỗi nhà trường, từ đầu năm học phải công khai các hạng mục, mục đích chi có chính đáng hay không để phụ huynh cùng bàn bạc, thống nhất và thực hiện. Làm cha mẹ ai cũng mong con được thụ hưởng điều kiện học tập tốt nhất, nếu thấy hợp lý họ sẵn sàng đóng góp. Do đó, các hạng mục chi phải phù hợp nhu cầu của học sinh. Với những khoản thu mang tính tự nguyện, lãnh đạo nhà trường cần thực hiện đúng quy định và không được phép thu cào bằng, tránh tình trạng lạm thu”, PGS.TS Bùi Thị An khẳng định.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục hạn chế, việc xã hội hóa để huy động nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục đóng vai trò quan trọng. Trên cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, bà An cho rằng, phụ huynh học sinh hoàn toàn có quyền giám sát các khoản thu chi trong nhà trường, Hiệu trưởng phải có trách nhiệm trả lời. Khi triển khai chính sách mới này, thành phố cần giám sát, đánh giá xem nơi nào làm tốt, chưa tốt để kịp thời điều chỉnh.

PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội.

PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội.

Phân rõ đối tượng

Đồng tình về sự cần thiết khi ban hành Nghị quyết này, NGƯT Lê Thanh Hà – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm) cho biết, thành phố cần bổ sung thêm chính sách thu chi với các trường đặc thù, chuyên biệt. Gắn bó nhiều năm với ngôi trường dạy cả học sinh khuyết tật và không khuyết tật, cô Hà hiểu hơn ai hết những vất vả, thiệt thòi của giáo viên nơi đây. Việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, nhất là khuyết tật trí tuệ vô cùng gian nan, đòi hỏi giáo viên phải có tình yêu thương, tính kiên trì, nhiệt huyết mới bám trụ được với nghề.

“Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố chưa đề cập rõ các khoản thu với trường chuyên biệt, đặc thù. Nếu đánh đồng loại hình trường này với trường khác sẽ thiếu công bằng. Đó là chưa kể trường đông và vắng học sinh cũng có sự khác biệt về thu nhập của giáo viên. Khi còn công tác, nhiều lần họp đại diện phụ huynh, những vị có con khuyết tật đặt vấn đề thu thêm kinh phí để chăm sóc nhưng tôi kiên quyết từ chối vì chưa có chủ trương từ thành phố. Vì thế, nên chăng Nghị quyết cần phân rõ mức thu cho nhóm cụ thể để đảm bảo khách quan”, NGƯT Lê Thanh Hà nói.

Cô Nguyễn Thị Thu An – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) bày tỏ ủng hộ khi HĐND TP Hà Nội chuẩn bị ban hành Nghị quyết mới về mức thu các khoản với trường công lập. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết ghi mức thu tiền ăn 35.000 đồng/học sinh/ngày đối với bữa trưa, dường như chưa rõ nghĩa. Cô An góp ý, mức giá trần 35.000 đồng phải bao gồm bữa chính trưa và bữa phụ chiều. Nhà trường hiện vẫn áp dụng mức thu 30.000 đồng, nếu tăng cần họp để thống nhất với phụ huynh trên cơ sở thỏa thuận rồi mới thực hiện.

“Quy định mức thu tiền ăn của trẻ cần căn cứ vào điều kiện thực tế vùng miền, giá cả thị trường từng thời điểm chứ không thể cào bằng. Theo dự thảo Nghị quyết, tiền trang thiết bị chăm sóc bán trú với trẻ mầm non là 200.000 đồng/học sinh/năm – cao hơn mức hiện tại là 50.000 đồng nhưng chưa đủ so với thực tế. Bên cạnh đó, dự thảo cần đề cập thêm khoản thu tiền học phẩm bao gồm: Sách giáo khoa, bút sáp màu, bút vẽ, hồ dán, đất nặn…”, cô Nguyễn Thị Thu An trao đổi thêm.

Cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (huyện Hoài Đức) cho hay, theo Quyết định 51/2013 của UBND thành phố, nhiều năm nay mức thu tiền chăm sóc bán trú giữ ở mức 150.000 đồng/trẻ/tháng. Khoản tiền này so với mức độ công việc chăm sóc bán trú cho trẻ của giáo viên mầm non là thấp.

Trẻ đa số chưa thể tự phục vụ, giáo viên phải hỗ trợ nhiều. Hầu như 100% giáo viên, nhân viên trong trường phải tham gia phục vụ nên mức chi hỗ trợ chăm sóc bán trú cần được điều chỉnh tăng lên 235.000 đồng/trẻ/tháng như trong dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố. Đây cũng là mong mỏi của giáo viên, nhân viên các trường mầm non bấy lâu nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ