Chưa hết băn khoăn về xét thăng hạng giáo viên tại Hà Nội

GD&TĐ - Bên cạnh niềm vui nguyện vọng xét thăng hạng được đáp ứng, nhiều thầy cô vẫn băn khoăn về những quy định trong văn bản của Sở Nội vụ Hà Nội.

Giáo viên Hà Nội được xét thăng hạng thay vì thi. Ảnh minh họa: Lan Anh
Giáo viên Hà Nội được xét thăng hạng thay vì thi. Ảnh minh họa: Lan Anh

Đáp ứng mong mỏi

Sở Nội vụ Hà Nội vừa ban hành Công văn 3277/SNV-CCVC về việc thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên mầm non và phổ thông công lập. Theo đó, sở yêu cầu các đơn vị phối hợp triển khai các nội dung liên quan đến việc xét thăng hạng CDNN cho giáo viên.

Theo lý giải của Sở Nội vụ Hà Nội, những năm qua, thành phố đã thực hiện nâng ngạch công chức, thăng hạng CDNN viên chức nhằm mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đối với viên chức ngành Giáo dục, thành phố đã tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên từ năm 2020.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Sở Nội vụ đề nghị lãnh đạo các đơn vị quan tâm, chỉ đạo việc rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập khách quan, công bằng và đúng đối tượng.

Đảm bảo cơ cấu CDNN của đơn vị và yêu cầu của vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó tập trung rà soát, đề xuất đội ngũ giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, giữ vai trò là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và đội ngũ giáo viên cốt cán được thăng hạng phù hợp, giữ vai trò định hướng chuyên môn trong cơ sở giáo dục.

Sở Nội vụ dự kiến báo cáo UBND TP tổ chức thăng hạng CDNN cho giáo viên từ hạng III lên hạng II theo hình thức xét tuyển thông qua hồ sơ. Các cơ quan, đơn vị triển khai rà soát, thẩm định danh sách giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng lập danh sách theo biểu mẫu gửi về Sở Nội vụ trước 17 giờ ngày 15/11/2023.

Đón nhận thông tin trên, hầu hết giáo viên đều bày tỏ ủng hộ với quyết định của Sở Nội vụ Hà Nội khi tổ chức xét thăng hạng CDNN cho giáo viên.

Cô Hồ Thị Việt Liên - giáo viên Trường THPT Trần Đăng Ninh (huyện Ứng Hòa) bộc bạch: “Sau khi nhận được thông tin thành phố quyết định xét thăng hạng, tôi cũng như tất cả thầy cô khác trong trường đều vui mừng. Đã gần một năm kể từ khi chúng tôi nộp hồ sơ và đề nghị được xét thăng hạng, đến nay nguyện vọng đó đã được thực hiện”.

Tương tự, cô Nguyễn Lan Hương - giáo viên Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn) không giấu được niềm vui khi nghe tin thành phố sẽ xét thăng hạng giáo viên, Với cô Lan Hương, đây là chính sách phù hợp, đặc biệt với giáo viên lớn tuổi, phải thi thăng hạng sẽ là rất khó khăn. Xét thăng hạng là sự ghi nhận những đóng góp của nhà giáo có nhiều thành tích.

Nhà giáo mong muốn quyền lợi được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh minh họa: Lan Anh

Nhà giáo mong muốn quyền lợi được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh minh họa: Lan Anh

Còn những băn khoăn

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với chủ trương xét thăng hạng của thành phố, nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn về các trường hợp chưa có bằng đại học đủ 9 năm không được xét thăng hạng. Cùng với đó là lo ngại việc xét thăng hạng sẽ không công bằng với các giáo viên không giữ chức vụ quản lý hoặc không là giáo viên cốt cán.

Thầy Nguyễn Anh Sinh - giáo viên Trường Tiểu học Tiên Dược A (huyện Sóc Sơn) bày tỏ: Do Sở Nội vụ Hà Nội thực hiện không đúng việc xác định thời gian giữ hạng CDNN của giáo viên - không thực hiện Công văn số 4306 /BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ GD&ĐT nên nhiều giáo viên không được nộp hồ sơ thăng hạng đợt này dù đã đủ điều kiện theo quy định.

Thầy Sinh phân tích: Khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, giáo viên có bằng đại học được tính là đạt chuẩn, giáo viên ở dưới chuẩn không được chuyển sang hạng III mới cho đến khi có bằng đại học. Việc đạt chuẩn theo quy định chính là căn cứ để được xác định là tương đương giữa các hạng giáo viên.

Buộc giáo viên phải có trình độ trên chuẩn trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực mới được tính tương đương với đạt chuẩn của hạng III mới hiện nay - theo ý hiểu của Sở Nội vụ Hà Nội là điều bất hợp lý và trái với quy định về chuẩn CDNN theo Luật Giáo dục 2005 và các Thông tư 21 và Thông tư 22 có hiệu lực thi hành ở thời điểm trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực.

Thực hiện hướng dẫn của Sở Nội vụ Hà Nội, phòng Nội vụ các quận, huyện, thị xã đều không thu hoặc đã thu nhưng trả lại hồ sơ của hàng trăm giáo viên từ cuối tháng 7/2023 với lý do chưa có bằng đại học đủ 9 năm. Trong công văn mới nhất của Sở Nội vụ Hà Nội, giáo viên chưa có bằng đại học đủ 9 năm vẫn không được nộp bổ sung hồ sơ. Điều này khiến nhiều giáo viên bức xúc.

Về vấn đề xét thăng hạng liệu có công bằng với tất cả giáo viên, thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên) cho rằng, một số trường đang hiểu và thực hiện sai chủ trương. Nhiều người hiểu rằng chỉ có lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng, tổ phó, giáo viên cốt cán mớ́i được dự xét thăng hạng và loại tất cả hồ sơ của giáo viên khác.

Cụ thể, công văn của Sở Nội vụ Hà Nội có yêu cầu các đơn vị “tập trung rà soát, đề xuất đội ngũ giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, giữ vai trò là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và đội ngũ giáo viên cốt cán được thăng hạng phù hợp, giữ vai trò định hướng chuyên môn trong cơ sở giáo dục”.

Thực hiện công văn của sở, nhiều trường chỉ thu hồ sơ của giáo viên cốt cán trở lên mà không nhận hồ sơ của giáo viên không phải cốt cán và lãnh đạo dù đủ điều kiện dự thăng hạng theo quy định tại các nghị định của Chính phủ và các thông tư của Bộ. Điều này một lần nữa gây hoang mang và làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của nhà giáo.

Do đó, giáo viên dự xét thăng hạng CDNN năm nay kiến nghị Sở Nội vụ Hà Nội điều chỉnh Công văn 3277/SNV-CCVC cho phù hợp để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp trên; thực hiện đúng, kịp thời việc tổ chức thăng hạng CDNN để quyền lợi của nhà giáo được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Năm 2023, Hà Nội có 32.167 hồ sơ giáo viên đăng ký xét thăng hạng CDNN từ hạng III lên hạng II. Trong đó, giáo viên mầm non là 20.392 người, giáo viên tiểu học là 5.716 người, giáo viên THCS là 2.790 người, giáo viên THPT là 3.269 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.