Chữa bệnh "chán chồng"

"Nếu hai người yêu nhau mà không thể chung sống hòa hợp, thì đấy đúng là tấn thảm kịch" Gillian Flynn.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nếu ai đã xem ‘Cô gái mất tích’, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Flynn, hẳn sẽ nhớ câu nói trên. Một cô gái chán ghét chồng đến mức quyết đẩy anh ta xuống tận cùng địa ngục. Nhưng chán chồng cũng nhiều kiểu. Chán theo kiểu ghét không muốn nhìn mặt nhau có khi lại dễ giải quyết. Còn đây vẫn yêu nhau, xa nhau thì nhớ, mà gần nhau thì không chịu nổi.

Đúng là tấn thảm kịch! Nguyên nhân hẳn ai cũng biết, ấy là tại khi mới yêu, người ta dễ mờ mắt, lại hay thề thốt nên dễ ảo tưởng rằng sẽ thay đổi được người kia. Khi sống chung với nhau rồi, bao bất đồng, cái xấu mới lộ ra. Vấn đề là, làm thế nào cải thiện tình hình này? Không cần phải tàn độc như Amy đâu (mà kết quả lại không ra sao), chỉ cần vài tips nhỏ:

1. Hãy coi đấy là điều hiển nhiên: Cuộc hôn nhân nào cũng có những giai đoạn thăng trầm. Khi hôn nhân đi xuống cũng là lúc bạn có cơ hội để hiểu rõ nhau hơn. Trung bình khoảng 3 năm đầu sẽ là thời kì nhiều biến đổi với các cuộc hôn nhân. Nếu hai người vượt qua được quãng thời gian này, mối quan hệ sẽ tiến triển lên một tầng cao hơn. Vì vậy, hãy bình tĩnh nếu bạn thấy chán chồng. Đây chỉ là phép thử của cuộc sống.

2. Tranh thủ hưởng thụ cuộc sống riêng tư: Yêu và lấy nhau không có nghĩa là dính chặt với nhau trong mọi chuyện. Hôn nhân vẫn cần những khoảng trống cho riêng mình. Nếu đang “chán không buồn nói” về chồng, hãy tranh thủ làm những điều mình thích: shopping, đọc sách, nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè (thậm chí người yêu cũ), đi du lịch riêng… 

Việc hưởng thụ này có thể khiến bạn bỗng thấy “nhớ chồng”. Còn không thì, ngay việc hưởng thụ này sẽ choán hết thời gian khiến bạn không còn lúc nào để rầu rĩ bới móc; đồng thời khiến bạn vui vẻ, mà khi vui vẻ thì mọi việc sẽ dễ giải quyết hơn.

3. Duy trì sự gần gũi: việc hưởng thụ chỉ để bạn làm mới chính mình và tránh “rảnh rỗi sinh nông nổi”, chứ đừng kéo dài và thường xuyên khiến hai bạn xa cách. Có câu: “về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Hãy cố gắng tìm hiểu chồng, tìm những điểm chung để có thể cùng nhau trao đổi. Các hoạt động dã ngoại cũng là một gợi ý hay. Sex là một biện pháp hiệu quả.

4. Tìm tới cố vấn: gia đình, bạn thân luôn là những người có thể nghe bạn chia sẻ và đưa ra những lời khuyên. Khi bạn thấy chán chồng, thường bạn chỉ tập trung tới những điều đáng ghét của chồng. Hãy thoái mái nói xấu chồng với những người tâm giao. 

Đấy là một cách giải tỏa tốt. Và khi nói ra hết rồi, có khi chẳng cần lời khuyên nào, vì chính bạn bỗng thấy mình hơi “khắt khe” với chàng. Nếu ai hùa vào nói xấu chồng, khéo bạn còn phản đối ấy chứ!

5. Quan trọng nhất là thiện chí: đàn bà là tấm gương phản chiếu người đàn ông của họ. Ngược lại, đàn ông cũng là tiếng vọng trong lời nói của đàn bà. Đàn ông giải quyết mọi việc bằng logic còn phụ nữ thì dùng sự khéo léo. 

Thế nên, nếu gia đình bạn chẳng may chán nhau, thì đây là lúc bạn vận dụng khả năng trời phú cho mình. Hãy khôn khéo lèo lái con thuyền hôn nhân của mình với kim chỉ nam là sự thiện chí. Hãy nhớ rằng người đàn ông này được số phận sắp đặt làm chồng của bạn, tức là anh ta không thể tầm thường!

Theo TPO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ