“Chữ Việt 4.0”: Ồn ào chuyện... cũ

“Chữ Việt 4.0”: Ồn ào chuyện... cũ

Đáng để ồn ào?

“Chữ Việt Nam song song 4.0” của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đang “chiếm sóng” không chỉ diễn đàn xã hội (Facebook) mà cả trên các trang báo nước nhà. 

Những ồn ào xoay quanh việc các tác giả này đề xuất ứng dụng viết tắt – chỉ còn 26 chữ cái và bỏ dấu đối với chữ Quốc ngữ cùng những ý định như viết sách, ra mắt tại Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, tổ chức giới thiệu đến sinh viên một số trường đại học...

Phần lớn đều tỏ ra không đồng tình khi bỗng dưng phải đi học một quy tắc viết mới mà kết quả thu được là một văn bản có chữ không thể đọc nổi. Thậm chí nhiều người tỏ thái độ giận dữ về những sáng tạo này vì đã không mang lại hiệu quả, gây xáo trộn xã hội, mà còn làm mất đi cái hồn của chữ Quốc ngữ được thể hiện qua thanh điệu (dấu). 

Liền với đó nhiều người còn quay về với câu chuyện cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền để chê trách.

Dù bày tỏ đồng ý là “Chữ Việt Nam song song 4.0” có ưu điểm viết nhanh - như tác giả nêu, song anh Nguyễn Văn Huynh (Công ty Manulife Việt Nam tại Thái Nguyên) cho rằng, kiểu viết đó chỉ để cho lớp trẻ nhắn tin cho nhanh và không muốn ai đọc được thì thật vô bổ. 

Trong khi đó, điều lo lắng hơn cả là nếu được giới trẻ hưởng ứng thì sẽ gây ra biết bao hệ lụy. Chẳng hạn như việc tạo ra một thế hệ đến thời điểm nào đó không thể đọc được sách và tư liệu quý trong kho tàng lưu trữ văn hóa hàng nghìn năm, nên sẽ dẫn đến sai lệch và làm mất gốc văn hóa lịch sử.

Còn những chuyện như để dễ hội nhập thì gần như “lo bò trắng răng” vì bao lâu nay vẫn có người nước ngoài yêu thích và say mê nghiên cứu chữ viết và tiếng Việt.

“Chữ viết còn là nét đặc trưng văn hóa quốc gia dân tộc, mang linh hồn và khí phách dân tộc. Tóm lại, tôi thấy bạn có công nhưng hơi lãng phí để sử dụng vào việc tầm phào. Thay vào đó bạn nên nghiên cứu cái khác tốt hơn như ngữ pháp tiếng Việt chẳng hạn” – anh Huynh thẳng thắn nhắn gửi cùng thiện ý muốn được trao đổi trực tiếp với tác giả song vẫn chưa nhận được hồi âm.

Tiếc thay... thất bại cả!

Chuyện cải cách chữ viết – chữ Quốc ngữ - không phải đến bây giờ mới diễn ra với những đề xuất của GS Bùi Hiền hay nhóm tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình. Đây là một câu chuyện rất cũ từng được giới nghiên cứu bàn đến từ cả trăm năm trước.

Cuối năm 2019, khi tham gia buổi thảo luận về chữ Quốc ngữ, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã công bố nghiên cứu “Những đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ từ đầu thế kỷ 19 cho đến nay: Những vấn đề ngôn ngữ học” do ông và tác giả Lê Nam thực hiện. 

Bản nghiên cứu đó thống kê một loạt đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ điển hình. Dẫn theo Nguyễn Thị Bạch Nhạn, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho biết, như “Tự điển của Le Grand de la Liraye “Từ điển Việt - Pháp” năm 1888 “đề nghị thay đổi một vài con chữ như bỏ chữ đ thay bằng chữ d, và chữ d thay bằng chữ dz, bỏ chữ s thay bằng sh, bỏ x thay bằng s cho phù hợp với cách phát âm của tiếng Anh, tiếng Pháp. 

Như vậy, “đá” sẽ viết là “dá”, còn “dá” viết là “dzá”, “sạch sẽ” viết là “shạch shẽ”, “xinh xắn” thay bằng “sinh sắn”…”

Tiếp đó năm 1902, một Ủy ban Cải cách chữ Quốc ngữ đã được thành lập và có nội dung đáng chú ý là: Phải gắng cho mỗi chữ một giá trị và bao giờ cũng diễn tả cùng một âm bằng một chữ (phải bỏ cách dùng “g” đầu trong “gang”, hoặc trong “gi”, vì hai chữ đầu đó phát âm khác nhau; phải ghi bằng một chữ âm đầu của “ca” và “ke”, vì hai cách viết ấy chỉ ứng cùng một âm).

Còn dẫn theo Nguyễn Bá Tụy thì năm 1928, Nguyễn Văn Vĩnh đề xuất một lối chữ Quốc ngữ mới hướng tới tiện lợi trong việc dùng các máy in lớn của Âu – Mỹ. Khi đó, “Sài Gòn” được ghi là “Saifgonf”, “Huế” – “Huej”, “Hải Phòng” – “Haizphongf”. 

Hay như trong thời gian này nhà thơ Tản Đà cũng có ý kiến cải cách, đề nghị viết ong, ông, ung, ưng, oc, uc… bằng onh, oonh, unh, unh, ôc, uch; đề nghị thay “ươch” bằng “ưc” – “bực cười/bượch cười).

Đưa ra lý lẽ, các thanh điệu không có ký hiệu tương ứng trong chữ cái điện báo morse, “khiến sai lầm tên người nọ sang người kia, lắm khi bắt bớ lôi thôi, chờ được vạ thì má đã sưng…”, Phó Đức Thành đã đề nghị các thanh điệu nên thay thế bằng b, d, k, l, q. (“Tuấn” nên viết thành “Tuand”). Trong khi đó Lê Mai đề nghị dùng “r” thay cho dấu “á”; “x” thay cho dấu “râu”...

Ngoài ra còn có những đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của Nguyễn Triệu Luật, Vi Huyền Đắc, Ngô Quang Châu, Trần Trọng Kim, Nguyễn Bạt Tụy, Hoàng Xuân Hãn... Đặc biệt là năm 1960, Hội nghị Cải cách chữ Quốc ngữ do Viện Văn học được tổ chức với những đề xuất cải cách của Hoàng Phê, Hoàng Tụy... 

Nói chung, với vị trí đặc biệt quan trọng, chữ Quốc ngữ luôn hấp dẫn các nhà nghiên cứu, trong đó có không ít nhà nghiên cứu đã đưa ra những đề xuất cải cách thường xoay quanh chữ ghép, các con chữ có dấu phụ, thanh điệu... với mong muốn: Làm thế nào để chữ Quốc ngữ giản tiện trong cách đọc, cách viết. Đây đều là những ý kiến rất đáng trân trọng, thế nhưng, tiếc thay tất cả đều… thất bại. 

“Thông điệp cuối cùng của chúng tôi sau khi nhìn lại lịch sử những đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ hơn 100 năm qua: Nếu có thể cải cách đối với chữ Quốc ngữ thì những người đi trước - Tây có ta có - đã bàn nát nước rồi, đã có rất nhiều ủy ban, hội nghị hăm hở nêu ra các đề xuất cải cách mà đến nay chẳng có cải cách nào được thực hiện. 

Chữ Quốc ngữ vẫn giữ căn bản diện mạo như trong từ điển Taberd. Vậy thì xin đừng bàn đến cải cách chữ Quốc ngữ nữa, có chăng thì chỉ có thể bàn về chuẩn chính tả, một việc rất cần thiết trong giai đoạn 4.0”- GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Lê Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.