Chú trọng tư vấn tâm lý tạo không gian cho học sinh chia sẻ

GD&TĐ - Không chỉ chú trọng vào công tác giảng dạy, Phòng GD&ĐT quận Long Biên và các trường học đặc biệt chú trọng đến công tác tư vấn tâm lý học đường.

 Học sinh Trường THCS Ngọc Lâm tham quan phòng tư vấn tâm lý. Ảnh NC.
Học sinh Trường THCS Ngọc Lâm tham quan phòng tư vấn tâm lý. Ảnh NC.

Tạo không gian để học trò được chia sẻ

Tư vấn tâm lý cho học sinh được các trường tổ chức nhiều hình thức nhằm giúp học trò cảm nhận được gần gũi, thoải mái khi chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng hay khó khăn của mình trong quá trình học tập, cuộc sống.

Thấu hiểu những mong muốn của học trò khi tìm đến tư vấn tâm lý. Nhiều trường học đã xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường nhằm có không gian riêng.

Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) cũng vậy. Nhà trường đã xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường với không gian thân thuộc, thoải mái, bố trí nhiều đầu sách tâm lý để học sinh có thể đọc hay thoải mái ngồi chia sẻ cùng thầy cô và chuyên gia tâm lý.

Nhà giáo Đào Thị Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên chia sẻ về vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường. Ảnh NC

Nhà giáo Đào Thị Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên chia sẻ về vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường. Ảnh NC

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường, Nhà giáo ưu tú Ngô Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm chia sẻ: “Năm học 2022-2023, chúng tôi đặc biệt tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý học đường, theo đó gần 200 lượt học sinh đã tìm đến các thầy cô làm công tác tư vấn để chia sẻ, giải bày những tâm tư của mình. Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi phòng tư vấn của chúng tôi còn đơn sơ. Do đó, thầy cô và học trò đều mong muốn có một không gian thoải mái, không áp lực khi cuộc trò chuyện. Nhà trường đã kêu gọi mạnh thường quân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các thầy cô giáo cùng chung tay ủng hộ kinh phí và trang thiết bị để thiết kế một phòng riêng biệt với tiêu chí “thân thiện, tôn trọng, lắng nghe, giữ bí mật”.

Theo đó, đầu tháng 3/2024, Trường THCS Ngọc Lâm đã hoàn thành ý tưởng phòng tư vấn tâm lý với tiêu chí “hãy đến nơi đây, mọi ưu phiền sẽ tan biến hết”.

Nhấn mạnh vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường, bà Đào Thị Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới công tác tham vấn học đường, do vậy luôn lưu ý các trường trong quận chú trọng vào công tác tư vấn tâm lý để hạn chế tối đa những nguy cơ có thể xảy đến với học trò do áp lực học tập, khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn hay những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Do đó, phòng tư vấn tâm lý học đường là nơi để học trò sẻ chia, giải toả và tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn từ thầy cô, các chuyên gia tâm lý .

Phòng tâm lý được trang trí thân thiện, gần gũi; Ban tư vấn tâm lý được tập huấn nghiệp vụ, có kỹ năng xử lý tình huống, yêu trẻ, mến trẻ, thấu hiểu và đồng cảm với những vấn đề học trò gặp phải và trở thành người bạn lớn đồng hành cùng các em trong hành trình trưởng thành.

Những chia sẻ của học trò được đảm bảo nguyên tắc bí mật và được hỗ trợ tư vấn theo quá trình, giúp các em vượt qua những vấn đề tâm lí để sống và học tập hạnh phúc hơn mỗi ngày".

Ban tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Ngọc Lâm. Ảnh Ngô Chuyên.

Ban tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Ngọc Lâm. Ảnh Ngô Chuyên.

Cho con được chia sẻ

Phấn khởi khi con có một không gian chia sẻ bày tỏ cảm xúc, áp lực trong học tập cũng như cuộc sống hàng ngày. Ông Trần Thuận, Trưởng ban phụ huynh. Trường THCS Ngọc Lâm (Hà Nội): “Hiện nay, cuộc sống hiện đại nhiều khi phụ huynh sẽ không hiểu được hết những tâm lý, tình cảm thay đổi của con trẻ. Thậm chí gia đình, phụ huynh và con cái có thể không để cùng con cởi lòng với cha mẹ bởi vậy khi đến trường, có một không gian này con sẽ tìm đến để chia sẻ, tâm sự với thầy cô cũng như các chuyên gia tâm lý”.

Bên cạnh đó, ông Thuận cũng chia sẻ thêm, phòng tư vấn tâm lý cũng là nơi mà phụ huynh có thể tìm đến chia sẻ những khó khăn mà mình đang gặp phải với con, để nhà trường, thầy cô là cầu nối để tìm tiếng nói chung.

Với không gian gần gũi, thân thiện, phòng tư vấn tâm lý học đường là nơi để học sinh tìm đến. Em Vương Khánh Linh, học sinh Trường THCS Ngọc Lâm nói: “Nhiều bạn của em áp lực trong học tập, cũng như có những bất đồng với gia đình đã tìm đến với các thầy cô ở phòng tâm lý để được giải bày cảm xúc của mình. Vì vậy, phòng tư vấn tâm lý là nơi giúp chúng em được lắng nghe, hiểu được những mong muốn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ