Chú trọng tạo sinh kế mới cho người dân sau thu hồi đất đai

GD&TĐ - Sáng ngày 14/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chú trọng tạo sinh kế mới cho người dân sau thu hồi đất đai

Cần đơn giản hoá thủ tục hành chính về đất đai

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Góp ý về thủ tục hành chính về đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Thủ tục hành chính chậm trễ sẽ là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

Trong khi đó, báo cáo của Ban soạn thảo, hiện nay Luật Đất đai đã có những điểm mâu thuẫn, chồng chéo với ít nhất 20 văn bản luật khác. Điều này dẫn đến có nhiều vướng mắc trên thực tế vì các thủ tục thường liên quan đến nhiều sở, ngành khác nhau, khó đạt được sự kết nối thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai. Đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban soạn thảo, các đạo luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở để xác định phạm vi điều chỉnh của từng luật. Mục đích để đảm bảo có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác và quan trọng cần giao Chính phủ bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước.

Về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các nhà đầu tư với cộng đồng dân cư, đại biểu cho biết, thực tế việc thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án có những trường hợp đưa lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng dân cư xung quanh.

Tuy nhiên, cũng có những dự án ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của người dân. Đặc biệt là các dự án có tác động lớn đến môi trường như khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, xây dựng nghĩa trang, các khu dự án xử lý rác… Tác động dễ thấy nhất là giá đất trong khu vực sẽ sụt giảm, tạo ra những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Chính vì vậy, nhiều dự án theo hình thức này đã bị người dân xung quanh phản ứng, ngăn chặn việc triển khai thi công. Đồng thời, thực tế cho thấy việc đền bù và hỗ trợ hiện nay chủ yếu được thực hiện trọn gói một lần bằng tiền mà không hướng đến việc tạo ra nguồn sinh kế mới cho người dân…

Đại biểu đề nghị trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn đến môi trường sống của người dân. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài cho cộng đồng dân cư.

Vấn đề thứ ba, về cách thức xem xét, thảo luận về dự án Luật đất đai, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đồng tình với nhận định cho rằng đây là dự án luật rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng của dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan có liên quan trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội cần xác định những vấn đề chính sách lớn của luật để tập trung nghiên cứu theo chuyên đề.

Trên cơ sở đó để có những hình thức thảo luận chuyên đề, tập trung làm rõ từng nội dung, từng chế định của dự án luật để có cơ sở báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về từng nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp kế tiếp.

Cần hỗ trợ vốn ưu đãi, học nghề, việc làm cho người bị thu hồi đất

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, Điều 86 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đang có quy định rất rộng. Đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn nữa, xác định giá đất khi giải tỏa, đền bù, quy định rõ khu vực nào là đất quốc phòng, khu vực nào là đất kinh doanh, làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi.

Đại biểu cũng cho biết, người bị thu hồi đất không chỉ chịu thiệt hại về đất đai, mà còn chịu thiệt về nhiều tài sản khác gắn liền với đất đai, sinh kế. Đại biểu đề nghị, cần quy định thêm về việc hỗ trợ vốn ưu đãi, học nghề, việc làm cho người bị thu hồi đất, thực hiện đúng mục tiêu “chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ”.

Về hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, đại biểu cho rằng cả hai phương án đã nêu đều có những mặt tích cực và hạn chế khác nhau. Đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ hơn cả hai phương án để có cơ sở vững chắc trước khi đưa ra quyết định, hoàn thiện dự thảo Luật để Quốc hội thông qua.

Tại nghị trường, đại biểu Đào Hồng Vận - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên tranh luận, kiến nghị Nhà nước có thể thu hồi đất, nhưng giá đền bù, hỗ trợ phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Đào Hồng Vận.

Đại biểu Đào Hồng Vận.

Đại biểu Đào Hồng Vận cho rằng, các dự án án phát triển kinh tế - xã hội nếu thỏa thuận được với người dân là rất tốt và người dân đồng thuận. Tuy nhiên phải trao đổi rất kỹ. Đại biểu Đào Hồng Vận băn khoăn liệu Bộ Tài nguyên và môi trường có khảo sát, đánh giá các dự án theo Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013 hay chưa?

Hiện nay tại địa phương của đại biểu rất khó thực hiện và đang gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi bỏ ra một số tiền lớn để đền bù nhưng không thể đưa dự án vào thực hiện. Do một số người dân đòi giá thỏa thuận rất cao, gấp nhiều lần so với người đã thỏa thuận và đền bù trước đó. Và có trường hợp thì giá nào cũng không chịu.

Như vậy, đại biểu Đào Hồng Vận cho rằng, nếu chấp thuận đền bù thì sẽ gây mâu thuẫn ngay trong nội bộ người dân vì người được cao, người lại thấp. Vì vậy, đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị Quốc hội nghiên cứu.

Mặt khác, đối với dự án phát triển đô thị, nhà ở thương mại đấu giá sử dụng đất, theo dự thảo, chúng ta lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu giá đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và Nhà nước trực tiếp đấu giá đất ở. Vì vậy, Nhà nước phải tổ chức giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch đấu giá.

Đại biểu Đào Hồng Vận cho rằng, nếu như vậy Nhà nước sẽ khó thực hiện việc thỏa thuận. Và theo đại biểu, Nhà nước có thể thu hồi đất, nhưng giá đền bù, hỗ trợ phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.