Cô Trương Thị Minh Hải chia sẻ: Nếu học sinh không học lý thuyết thì không thể làm được bài tập, đây là điểm đặc thù của môn Hoá học. Ngoài ra, số lượng câu hỏi lý thuyết trong các đề thi môn Hoá chiếm tỷ lệ cao hơn so với các câu hỏi về bài tập.
Để học tốt môn Hóa học, đồng thời có thể đạt được điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Hải lưu ý học sinh cần phải có kế hoạch và chiến thuật học tập.
Phần lý thuyết
Về ôn tập lý thuyết, cô Hải khuyên học sinh nên chọn phương pháp học tập thích hợp và học tất cả các nội dung lý thuyết trong chương trình môn học, đặc biệt là các nội dung ở lớp 11 và lớp 12.
Để học tốt các phương trình Hóa học, học sinh cần học dưới dạng hoàn thành các chuỗi chuyển hóa hay sơ đồ phản ứng. Các kiến thức về tính chất vật lý cũng như ứng dụng vào đời sống của các chất...
Học sinh không nên học thuộc lòng mà hãy liên hệ những kiến thức thực tế, hiểu được bản chất, hiện tượng để giải thích. Đặc biệt, các em có thể nhớ lâu hơn bằng cách vẽ sơ đồ tư duy.
Ngoài ra, học sinh nên xem các video thí nghiệm biểu diễn hoặc ghi chú thật cẩn thận các hiện tượng quan sát được trong quá trình thực hành thí nghiệm. Qua đó các em sẽ hiểu được từng thao tác trong quá trình làm thí nghiệm và trả lời được câu hỏi tại sao lại làm như vậy? Vì sao có kết quả đó? Từ đó nắm vững kiến thức liên quan đến thí nghiệm thực hành.
Khi học lý thuyết học sinh cần phải làm các câu hỏi tổng hợp như đếm các phát biểu đúng, sai để ghi nhớ, kết hợp tốt nhiều đơn vị kiến thức cùng một lúc.
Phần bài tập
Về phần bài tập Hóa học, học sinh nên tập giải các câu bài tập theo các mức độ từ dễ đến khó của nội dung kiến thức có liên quan. Nên tìm kiếm các dạng bài tập cơ bản đã được phân loại ở các nội dung học. Sau khi nắm được các dạng bài tập cơ bản, học sinh bắt đầu rèn luyện các chuyên đề nâng cao.
Các câu bài tập ở mức độ vận dụng và vận dụng cao thường nằm ở các nội dung về Điện phân; kiến thức nâng cao chương Este hoặc bài toán kết hợp gồm Este, Axit và Ancol… kiến thức Amino axit, Peptit và Protein. Học sinh nên giải các bài khó theo các dạng để nắm chắc được phương pháp giải và biết cách giải dạng toán này sao cho nhanh nhất.
Riêng các bài toán Vô cơ khó nằm ở nội dung tổng hợp Vô cơ, học sinh cần chú ý phân tích cẩn thận các trường hợp đã cho, dự đoán các sản phẩm khí sinh ra.
Đối với phản ứng của kim loại, oxit kim loại với dung dịch có chứa H+ và NO3-, học sinh cần biết khi nào có ion NH4+ trong sản phẩm sau phản ứng, dung dịch đã hết hay còn dư ion NO3-
Theo cô Minh Hải, để đạt được điểm cao môn Hóa học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, học sinh nên chú trọng học kỹ phần nội dung lý thuyết, giải bài tập thường xuyên.
Cần chú ý Sơ đồ phản ứng; Điện phân; Câu hỏi thực nghiệm; lý thuyết Peptit; Muối; Sắt và một số kim loại quan trọng; phân biệt một số chất Vô cơ; Hóa học và vấn đề phát triển kinh tế, môi trường và xã hội…
Đặc biệt là không quên giải các đề thi thử theo số phút quy định để rèn luyện áp lực về thời gian mà các em phải đối mặt trong phòng thi.