Trên thực tế, tranh cãi về tiền bạc là một trong những những nguyên nhân chính dẫn các đôi ra tòa, đặc biệt là những đôi mới kết hôn.
Một vài cuộc hôn nhân tuy không kết thúc trong ly dị nhưng việc tranh cãi liên tục về tiền bạc và những căng thẳng có thể khiến hạnh phúc không thể tồn tại ở đây.
Dưới đây là 5 vấn đề tiền bạc thường phá hủy hôn nhân theo nhận định của các chuyên gia trên trang Familyshare.
1. Nợ
Cho dù đó là các khoản vay hàng trăm triệu hay vài trăm nghìn, vay để làm ăn, mua sắm hay nợ do ngồi quán, chơi game, cờ bạc... đa số ai cũng từng có ít nhất một lần phải mắc nợ nần trong đời, thậm chí có người đến già vẫn nợ...
Vợ chồng bạn có thể gặp vấn đề khi thảo luận về ngân sách và trả nợ, đặc biệt nếu một người có nhiều khoản nợ hơn hẳn người kia, hay một người có những món nợ từ trước khi kết hôn còn một người thì không.
Bởi nợ nần khiến vợ chồng bạn không thể triển khai kế hoạch tài chính nào cho mình, đôi khi kéo dài trong nhiều năm.
2. Cá tính
Cá tính của bạn ảnh hưởng rất nhiều đến cách quản lý tiền bạc của bạn. Cá tính là cái gì đó đã được bắt rễ từ khi bạn còn nhỏ và rất khó để thay đổi.
Một cặp vợ chồng có thể không có bất kỳ một khoản nợ nào nhưng vẫn có thể gặp vấn đề trong tiền bạc nếu một người theo đuổi lối sống hưởng thụ còn một người chỉ thích tiết kiệm, dự trữ.
Vấn đề phát sinh đặc biệt đối với những cặp vợ chồng không dành thời gian tìm hiểu nhau kỹ trước khi kết hôn hoặc không chịu nhìn thấy những mặt tốt của người bạn đời.
3. Thu nhập
Nếu trong gia đình chỉ có một người đi làm hoặc một người kiếm nhiều tiền hơn hẳn người kia, thì rất dễ rất đến tình trạng người kiếm nhiều tiền hơn sẽ là người quyết định cách chi tiêu, giống như "một sự bắt nạt về tài chính”.
Điều này có thể trầm trọng hơn trong hoàn cảnh một người thất nghiệp, cảm thấy bị phụ thuộc và đôi khi bị xúc phạm đến tổn thương.
Tuy các ý tưởng về chi tiêu trong gia đình dễ dàng được thực hiện khi chỉ chịu sự quyết định của người vốn có thu nhập cao hơn nhưng rõ ràng sự bình đẳng và thoải mái trong gia đình đã giảm đáng kể.
4. Với gia đình mở rộng
Nếu bố mẹ bên chồng muốn đi du lịch trong khi bên vợ muốn con gái lấy chồng xa về thăm mình nhiều hơn, nếu đứa cháu bên chồng đến ở nhờ trong một thời gian, nếu người chị gái bên vợ muốn vay tiền để kinh doanh... đều có thể khiến vợ chồng bạn mâu thuẫn.
Bởi trước khi vợ chồng bạn biết điều này, có thể một người nghĩ rằng gia đình của mình phải được ưu tiên trong khi người kia lại cho rằng họ hàng không quan trọng.
Hoặc nếu bố mẹ chồng có khả năng và muốn trả tiền cho chuyến đi du lịch, trong khi bố mẹ vợ thì không thể cũng có thể gây mâu thuẫn. Thực tế, mối quan hệ với gia đình mở rộng đều có thể can thiệp vào ngân sách của vợ chồng bạn.
5. Tiền anh, tiền em và tiền chúng ta
Đôi khi do thói quen tiêu tiền khác nhau mà cặp vợ chồng quyết định mỗi người có một tài khoản riêng đồng thời lập một ngân sách chung cho gia đình để tránh những tranh cãi trong tương lai.
Điều này giúp mỗi người tự chi tiêu phù hợp với thu nhập và nhu cầu của mình nhưng nó vẫn có thể dẫn đến sự không hài lòng khi người này thấy người kia chi tiêu quá nhiều.
Bởi điều này có thể khiến khả năng tiết kiệm của vợ chồng giảm, và khó đạt được những mục tiêu tương lai thông thường như du lịch hay tiết kiệm cho lúc về hưu.
Giải pháp
Nếu vợ chồng bạn không đồng quan điểm về vấn đề tài chính, cách tốt nhất trong mọi tình huống chính là đối thoại cởi mở và chân thật. Hãy cố gắng thấu hiểu quan điểm của người kia thay vì cho rằng ý kiến của mình bao giờ cũng là nhất.
Nếu hai bạn chưa kết hôn, bạn nên thảo luận về vấn đề tài chính trước khi chính thức đặt bút ký vào tờ hôn thú. Tìm hiểu tính cách bạn đời, các khoản nợ và gia cảnh có thể giúp bạn biết được cái gì đang chờ đón mình và mình cần phải làm gì.
Bạn cũng nên xem xét lại thói quen chi tiêu của mình, điều đó giúp bạn hiểu được tại sao người bạn đời không đồng ý với quyết định của bạn và từ đó bạn có hướng để phát triển.
Một số cặp dành quá nhiều thời gian để lên kế hoạch cho đám cưới mà quên mất cuộc sống sau hôn nhân mới là quan trọng. Bạn cần phải quan tâm đến tài chính của vợ chồng sau hôn nhân sẽ như thế nào, mục đích chung của mình là gì.
Nếu nợ là một vấn đề, bạn cần biết rằng bạn đã chọn để kết hôn với người ấy cùng với khoản nợ của họ. Trừ khi các khoản nợ đã được che giấu, bạn đừng cố thảo luận về việc người ấy đã mang nợ vào hôn nhân. Thay vì trách cứ, hãy cùng nhau lập kế hoạch để thoát ra khỏi nợ.
Nếu bạn nhiều thu nhập nhiều hơn, tránh bảo trợ người bạn đời nhưng cũng không áp dụng trò chơi quyền lực của đồng tiền ở đây. Sự oán giận do cảm thấy thua kém có thể còn kéo dài dai dẳng sau khi vấn đề tiền bạc đã được giải quyết.
Về gia đình mở rộng, hãy nhớ rằng trong các vấn đề tài chính, gia đình nhỏ do bạn tạo ra bằng kết hôn luôn là ưu tiên số một. Hãy có một chính sách chung về những gì bạn sẽ làm và không làm với gia đình mở rộng.
Trước khi đồng ý một điều gì đó với họ hàng, hãy nhớ thảo luận với người bạn đời trước và hãy nhạy cảm với những biểu hiện của người ấy trong cuộc nói chuyện.
Nếu mọi thứ quá tồi tệ đến mức bạn quyết định vợ chồng có những ngân sách riêng để tránh những vấn đề trong tương lai, tốt hơn bạn hãy đến gặp các chuyên gia hôn nhân gia đình, tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.
Sau tất cả, tiền bạc không phải là nguồn gốc của vấn đề tiền bạc trong hôn nhân mà sự ích kỷ và cái tôi quá lớn mới là nguyên nhân cần được để ý đến nhất.
Hãy sẵn sàng thỏa hiệp để bảo toàn hạnh phúc, nhưng không cho phép bản thân bị lợi dụng. Thay vì tập trung vào vấn đề, hãy tập trung vào các giải pháp và làm thế nào bạn có thể cải thiện mối quan hệ của bạn.