Đáng chú ý, ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất. Cụ thể, ông Thành được 19 phiếu “tín nhiệm cao” (chiếm 40,43%), 2 phiếu “tín nhiệm” và 25 phiếu “tín nhiệm thấp” (chiếm 53,19%).
Số phiếu của 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Ông Vũ Việt Văn có 35 phiếu “tín nhiệm cao”, 9 phiếu “tín nhiệm” và 3 phiếu “tín nhiệm thấp”. Ông Nguyễn Văn Khước có 32 phiếu “tín nhiệm cao”, 12 phiếu “tín nhiệm” và 3 phiếu “tín nhiệm thấp”. Ông Vũ Chí Giang có 29 phiếu “tín nhiệm cao”, 15 phiếu “tín nhiệm” và 3 phiếu “tín nhiệm thấp”.
Đối với lãnh đạo HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch HĐND tỉnh có 46 phiếu “tín nhiệm cao”, chiếm 97,78%; 0 phiếu “tín nhiệm” và 1 phiếu “tín nhiệm thấp”.
Ông Nguyễn Trung Hải, Phó Chủ tịch HĐND có 33 phiếu “tín nhiệm cao” (chiếm 70,21%), 8 phiếu “tín nhiệm” và 1 phiếu “tín nhiệm thấp”.
Ông Phạm Quang Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND có 44 phiếu “tín nhiệm cao” (chiếm 93,62%), 3 phiếu “tín nhiệm” và 0 phiếu “tín nhiệm thấp”.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người có chức vụ do HĐND tỉnh bầu tại Vĩnh Phúc diễn ra ở Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 (khai mạc ngày 13/12).
Số lượng cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm là 28, trong đó, khối HĐND tỉnh 5 cán bộ, khối UBND tỉnh 23 cán bộ.
Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, 28 cá nhân trên đã có báo cáo đầy đủ, nghiêm túc, chất lượng. Nội dung báo cáo cơ bản theo theo tinh thần Nghị quyết số 96 của Quốc hội.
Trong đó, đã đánh giá nổi bật những phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, chỉ ra các ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, kiểm điểm rõ trách nhiệm trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị và đã đưa ra những giải pháp, phương hướng khắc phục trong thời gian tới.
Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội nêu rõ: “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó”.