Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (từ 16/8/2017 đến 15/8/2018) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ những tồn tại hạn trong công tiếp công dân của các địa phương.
Theo Báo cáo, đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, số buổi tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48,3% so với quy định , còn 36 tỉnh chưa đạt mức theo quy định, 24 tỉnh không báo cáo số liệu. Ngoài ra, việc uỷ quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân còn khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, tỷ lệ ủy quyền còn nhiều, trung bình chiếm 64,35%.
Đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 71,8% so với quy định , còn 35 tỉnh có tỷ lệ tiếp định kỳ của Chủ tịch cấp huyện chưa đạt mức quy định, 21 tỉnh không báo cáo số liệu (Phụ lục 23).
Đặc biệt tỷ lệ tiếp công dân định kỳ trung bình của Chủ tịch UBND xã đạt rất thấp, so với quy định chỉ đạt 24% (đáng lưu ý có tỉnh lệ này chỉ đạt dưới 5%); có 25 tỉnh không báo cáo số liệu .
Báo cáo cũng nêu rõ, việc đối thoại của người có thẩm quyền tại một số nơi còn hình thức, chưa được coi trọng đúng mức, việc ủy quyền đối thoại trong một số trường hợp gây bức xúc cho người khiếu nại nên khó tạo được sự đồng thuận,.. ; Chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu còn thấp, việc giải quyết lần hai của cấp tỉnh phải hủy, sửa quyết định lần đầu một số nơi có tỷ lệ cao.
Qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh, tỷ lệ vụ việc khiếu nại của công dân có yếu tố đúng chiếm 26,65%; tố cáo có yếu tố đúng chiếm 31,06%, cho thấy chất lượng của công tác quản lý hành chính nhà nước các cấp còn nhiều bất cập, có sai phạm.
Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, mặc dù số vụ việc khiếu nại, tố cáo có yếu tố đúng chiếm 25-35% nhưng số cán bộ bị xử lý trách nhiệm còn ít, thậm chí có địa phương chưa xử lý trường hợp nào ; việc thu hồi tài sản sau khi giải quyết sai phạm được còn khó khăn.