Tiếp công dân: Dưới chỉ lên, trên chỉ xuống, lòng vòng làm dân bức xúc

GD&TĐ - Qua thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và qua thực tế giám sát của mình, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, hoạt động lắng nghe, kiến nghị, phản ánh trong tiếp công dân còn đang bất cập.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh)
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh)

Đại biểu Phương dẫn khoản 1, Điều 2 Luật Tiếp công dân quy định: "Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để hướng dẫn cho công dân việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật".

Theo đó, quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được ban hành tương đối đầy đủ và chặt chẽ; nhưng quy định trình tự, thủ tục về tiếp thu, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân thì chưa được ban hành.

Vì chưa rõ khi công dân thực hiện kiến nghị, phản ánh và việc xem xét, giải quyết của các cơ quan chức năng thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục nào, nên đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan với nhau hoặc giải quyết không tới nơi, tới chốn hoặc hướng dẫn sai địa chỉ.

“Dưới chỉ lên trên, trên chỉ xuống dưới, mất thời gian, lòng vòng, làm bức xúc của người dân thêm gia tăng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành các quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục lỗ hổng của vấn đề này” – đại biểu Huỳnh Thanh Phương nói.

Liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, đại biểu Phương cũng nhắc đến trình độ năng lực của một số cán bộ trực tiếp tham gia tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, theo đánh giá của báo cáo 503 ngày 16/10/2018 của Chính phủ.

Đồng tình với nhận định trên, nhưng theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ chưa đề cập nguyên nhân của hạn chế, yếu kém.

“Tôi cho rằng, nguyên nhân bao trùm dẫn đến tình trạng này là do chưa bố trí được cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nhiều nơi cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, đơn thư tố cáo của người dân thiếu tận tụy, chưa toàn tâm, toàn ý với công việc, thiếu thân thiện, thiếu tôn trọng, thiếu lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Từ đó đã thiếu tiếp thu ý kiến của nhân dân.

Mặt khác, việc thường xuyên tập huấn đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, đạo đức công vụ cũng chưa được chú trọng” – đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu quan điểm.

Đại biểu Phương đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, đào tạo lại cũng như nâng cao chất lượng các lớp tập huấn chuyên đề hoặc bồi dưỡng về kỹ năng công tác này hàng năm.

Đồng thời, lựa chọn những cán bộ giỏi, tâm huyết, có năng lực, phẩm chất làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Mỗi cán bộ, công chức ở lĩnh vực này cần hành động theo phương châm lắng nghe để người dân nói, làm gương để người dân noi theo, tuyên truyền để người dân hiểu, giải thích để người dân tin. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo giá trị và hiệu quả công việc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ