ĐBQH: Có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện

GD&TĐ - Phát biểu về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại hội trường ngày 14/11, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) chỉ ra một trong những hạn chế của công tác này là chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo đại biểu Tô Văn Tám, một số nơi, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc (tức là từ cơ sở). Thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện, nên có nhiều việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

“Thực tiễn cho thấy, nếu vụ việc khiếu nại, tố cáo mà được xem xét, giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật, có tình, có lý ngay từ đầu tại cơ sở thì người dân đồng tình, chấp thuận, ngược lại, vụ việc sẽ trở nên phức tạp và vượt cấp” – đại biểu Tô Văn Tám cho hay.

Đồng tình báo cáo của Chính phủ nhận định tình hình khiếu kiện của người dân trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp là một dự báo đúng và các giải pháp của Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện việc giải quyết khiếu nại trong năm 2019 là các giải pháp đồng bộ và xác thực, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần hết sức coi trọng sự đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là trong giải quyết khiếu nại nhất là về vấn đề đất đai.

Người dân thường thiếu thông tin, hay cập nhật thông tin không kịp thời và trong điều kiện phức tạp của mạng xã hội hiện nay thông tin có lúc có nhiều sai lệch, hoặc chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật. Qua đối thoại sẽ mang lại cho họ thông tin đầy đủ và chính xác hơn. Đồng thời, cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất.

“Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ là giai đoạn đầu mà phải được tôn trọng, thực hiện một cách nghiêm túc và cầu thị, chứ không phải làm theo kiểu chiếu lệ, cho xong chuyện” – đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.

Dẫn báo cáo của Chính phủ và qua thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo có 72% khiếu nại sai và 66,1% tố cáo sai, đại biểu đặt câu hỏi: vấn đề đặt ra là hệ quả của những khiếu nại, tố cáo sai này như thế nào? Chưa có đánh giá và chưa có xử lý hành vi này.

Luật Khiếu nại, tố cáo có quy định trách nhiệm của hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật, nhưng cơ chế xử lý như thế nào chưa được xác lập. Đại biểu Tám cho rằng, đây là hạn chế bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; có thể đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ